Cơ cấu giống vụ xuân 2014: Ưu tiên năng suất cao, chất lượng khá

14/11/2013 16:29

(Baonghean) - Vụ xuân năm nay, Nghệ An phấn đấu gieo cấy 88 nghìn ha lúa, trong đó có 55 nghìn ha lúa lai, chỉ tiêu tổng sản lượng lương thực trên 573 nghìn tấn. Để đạt được mục tiêu đó, cùng những giải pháp về kỹ thuật, các giống lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả đã được các địa phương ưu tiên chọn lựa.

Những năm gần đây, Nghi Lộc được coi là một trong những địa phương nhanh nhạy và có nhiều bước đột phá trong việc đưa các giống lúa tiến bộ vào sản xuất. Ông Nguyễn Đức Thọ - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, cho biết: Nghi Lộc có hai vùng sản xuất tách biệt gắn với những điều kiện tự nhiên riêng. Hơn 1.000 ha diện tích thấp trũng của các xã vùng màu phía đông huyện như Nghi Trường, Nghi Phong, Nghi Xuân, Nghi Thái… rất khó khăn về nguồn nước tưới. Trước đây, bà con tập trung sản xuất nhóm giống xuân sớm như Xi 23, NX30…, tuy nhiên, dù có chất lượng gạo rất ngon, được thị trường ưa chuộng nhưng lại dễ nhiễm đạo ôn.

Vụ xuân năm nay, huyện chủ trương tập trung chuyển diện tích này sang gieo cấy các loại giống vừa có chất lượng gạo ngon, vừa có khả năng chống sâu bệnh tốt hơn như BTE1, AC5, một số vùng gieo cấy giống Khải phong 1, Nhị ưu 986. Còn vùng lúa trọng điểm của huyện gồm 17 xã phía tây như Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Hoa, Nghi Thuận… sẽ có các cơ chế hỗ trợ để phát triển các cánh đồng mẫu lớn. Bà Nguyễn Thị Thu (xóm Hoa Tây - Nghi Hoa) cho biết: Gia đình bà có hơn 4 sào lúa. Những năm trước đây vẫn gieo cấy các giống lúa lai là chủ yếu, nhưng vụ xuân năm nay, bà chuyển hẳn sang gieo cấy lúa VTNA2, bán vừa được giá vừa đảm bảo hơn vì có doanh nghiệp đứng ra thu mua toàn bộ.

Mua giống lúa cao sản tại Công ty CP giống cây trồng  Nghệ An.  Ảnh: Văn Đoàn
Mua giống lúa cao sản tại Công ty CP giống cây trồng Nghệ An. Ảnh: Văn Đoàn

Như vậy, vụ xuân năm nay Nghi Lộc sẽ giảm 1.000 ha lúa lai so với vụ xuân năm 2013, bộ giống cũng sẽ được chọn lọc lại, chỉ ưu tiên những giống có chất lượng gạo ngon. Diện tích lúa thuần chất lượng cao sẽ tăng lên khoảng 2.000 ha (vụ xuân 2013 là 900 ha). Huyện chủ trương phối hợp với các đơn vị, công ty để liên doanh liên kết trong sản xuất hạt giống, bao tiêu sản phẩm theo phương thức cánh đồng mẫu lớn để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cũng như đảm bảo tiêu thụ cho nông dân, như liên kết với Tổng công ty VTNN Nghệ An sản xuất và tiêu thụ giống lúa DT68, VTNA2; Công ty Vĩnh Hòa sản xuất và tiêu thụ lúa AC5, Công ty Giống cây trồng T.Ư, Công ty Giống cây trồng Nghệ An để sản xuất hạt giống cấp trong vụ đông xuân.

Tại Hưng Nguyên, ông Hoàng Đức Ân - Phó phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Vụ xuân năm nay, Hưng Nguyên chủ trương mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa thuần chất lượng cao, năng suất khá, kiên quyết loại bỏ hoàn toàn các giống dài ngày năng suất thấp, nhiễm nặng sâu bệnh như IR1820 và giống ngắn ngày có chất lượng gạo kém như Khang dân 18. Những địa phương có diện tích đất lúa chiếm tỷ lệ thấp sẽ tiếp tục khuyến cáo sử dụng các giống lúa lai có năng suất cao, chất lượng khá.

Đối với lúa thuần, tập trung đưa vào sản xuất các giống có chất lượng gạo ngon như AC5, Nàng Xuân, XT28, Bắc Thơm số 7, gạo đỏ DTL2, nếp DT52... Trà xuân sớm sẽ sử dụng giống XT 28 có thời gian sinh trưởng 150 – 155 ngày và giống X33 (155 - 160 ngày) để thay thế IR1820, IR17494. Đặc biệt, một số diện tích sâu trũng dễ ngập lụt khó khăn trong sản xuất vụ hè thu ở Thị trấn, Hưng Đạo, Hưng Thịnh có thể cơ cấu giống lúa Xi23 để tái sinh vụ hè thu. Ngoài trà xuân trung cơ cấu các giống lúa như AC5, Nếp 97, Nàng Xuân… thì năm nay, trong trà xuân muộn, Hưng Nguyên đưa vào các giống gạo chất lượng như gạo đỏ DTL2, VTNA2, các giống lúa lai chất lượng gạo khá như Syn6, GS9…

Từ chỗ không tự túc được lúa gạo, năm 2008, tỉnh ta đã đạt được mục tiêu 1 triệu tấn lương thực, trong đó, không thể không kể đến vai trò hết sức quan trọng của một tập đoàn 8 - 12 giống lúa lai năng suất cao như Khải phong, Khang dân 18… Tuy nhiên, từ sau năm 2010 đến nay, khi lương thực đã đủ và tiến đến thừa, việc chuyển hướng sang sản xuất các giống lúa thuần chất lượng cao là một xu thế tất yếu. Đến vụ xuân 2013, diện tích các loại lúa chất lượng như AC5, BC15, VTNA2… đã lên tới gần 20 nghìn ha. Trong định hướng cơ cấu giống, tỉnh cũng chủ trương mở rộng các giống lúa vừa có năng suất cao, vừa có chất lượng lúa gạo khá.

Đặc biệt, nhất thiết không cơ cấu các giống có năng suất thấp, nhiễm nặng sâu bệnh vào sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các giống có chất lượng gạo kém, năng suất vừa và thấp. Riêng với những vùng thâm canh theo hướng chất lượng gạo cao và sản xuất hàng hóa, ngành nông nghiệp định hướng sử dụng các giống AC5, BC15, RVT, Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7, DT52, nếp 97, nếp 87.... Bước vào vụ xuân năm nay, đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định nguồn cung ứng giống rất dồi dào và không thiếu giống. Ông Trương Văn Hiền (Tổng Giám đốc Tổng công ty CP VTNN Nghệ An - một trong những đơn vị hàng đầu trong sản xuất và cung ứng giống trên địa bàn, cho biết: Hiện đơn vị đã tập kết 600 tấn giống lúa VTNA2, 80 tấn giống DT68, 40 tấn giống đặc sản gạo đỏ của Trung Quốc và 50 tấn BTE1, dự kiến sẽ đáp ứng đủ nhu cầu trên địa bàn.

Theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, các địa phương phải căn cứ vào kết quả sản xuất các năm trước và điều kiện sản xuất cụ thể để chọn tối đa 3 giống lúa thuần, 3 giống lúa lai, mỗi xã chỉ nên chọn tối đa 3 giống (trừ những vùng đặc thù). Trên cùng một xứ đồng chỉ gieo cấy 1 - 2 giống lúa có thời gian sinh trưởng tương đương nhau và phải cấy xong trong vòng 2 - 3 ngày để thực hiện tốt các yêu cầu chăm sóc, quản lý sâu bệnh hại.

Theo ông Nguyễn Văn Lập (Phó Giám đốc Sở NN&PTNT), thì trong vụ xuân này, vẫn sẽ tiếp tục sản xuất thử các giống lúa có triển vọng như GS333, TBR225, Thanh Hoá 1, DT68, QR2, CNR6206,... Đồng thời, tiếp tục khảo nghiệm sản xuất các giống lúa mới có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt như Thảo dược Vĩnh Hoà 1 (VH1), Quốc Hào 9, Quốc hào 6, HKT 99, Kinh Sở Ưu 37,... Các đơn vị đưa giống vào khảo nghiệm, sản xuất thử phải có văn bản báo cáo Sở NN&PTNT và UBND huyện, thành, thị - nơi tổ chức khảo nghiệm, sản xuất thử về địa điểm, quy mô khảo nghiệm. Đồng thời, phải cam kết với các huyện, thành, thị về chất lượng giống và cam kết với nông dân về năng suất.

Thực tế những năm qua cho thấy, tại một số địa phương, người dân vẫn chủ quan, làm ẩu, các loại giống ngắn ngày hay dài ngày đều được ra cùng một lúc. Từ đó, những giống ngắn ngày trổ sớm hơn sẽ rất dễ gặp rét, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất, trong khi trong yêu cầu sản xuất của vụ xuân, chống trổ sớm là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu. Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT- ông Từ Trọng Kim cho biết: Để có thể đảm bảo an toàn cho lúa xuân, các loại giống lúa đều phải trổ sau 15/4. Bởi vậy, các địa phương và bà con nông dân phải căn cứ sát vào thời gian sinh trưởng của từng loại giống để có lịch gieo cấy phù hợp.

Hiện tại, Sở NN&PTNT đã tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra về chất lượng giống cây trồng tại các địa phương. Tuy nhiên, đây chỉ là hoạt động mang tính chất định kỳ, trong công tác quản lý giống hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Trên địa bàn hầu khắp các huyện, tình trạng nhiều đại lý, tư thương buôn bán giống, vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV vẫn còn tràn lan, trong khi công tác kiểm tra xử lý còn hạn chế, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến tình trạng giống xấu, giống kém chất lượng vẫn còn trôi nổi trên thị trường. Để khắc phục tình trạng này, các ban ngành, địa phương liên quan cần tăng cường công tác quản lý về chất lượng giống, cũng như cơ cấu giống theo chỉ đạo. Về phía mình, người dân nên chọn những loại giống, những đơn vị cung ứng giống uy tín, đã có thương hiệu, địa chỉ đáng tin cậy để tránh mua phải giống kém chất lượng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất vụ xuân.

Phú Hương

Mới nhất

x
Cơ cấu giống vụ xuân 2014: Ưu tiên năng suất cao, chất lượng khá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO