Cơ chế đa phương hiệu quả cho các vấn đề an ninh khu vực

29/05/2014 14:27

(Baonghean) - Trong 2 ngày 31/5 và 1/6, Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 sẽ được tổ chức tại Singapore. Diễn ra trong bối cảnh Biển Đông và Biển Hoa Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp, Hội nghị được dư luận kỳ vọng sẽ là nơi lãnh đạo quốc phòng các nước thảo luận những vấn đề nóng ảnh hưởng đến an ninh khu vực, từ đó có những định hướng đảm bảo an ninh và phòng thủ khu vực...

 “Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013 và trả lời câu hỏi của các đại biểu”.
“Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013 và trả lời câu hỏi của các đại biểu”.

Diễn đàn an ninh lớn và quan trọng nhất khu vực

Đầu thế kỷ 21, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối diện với nhiều thách thức an ninh, từ những thách thức truyền thống như bán đảo Triều Tiên, Đài Loan, tranh chấp Khasmir giữa Ấn Độ và Pakistan…, cho tới mối đe dọa mới là Chủ nghĩa khủng bố; trong khi những mối quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng nổi lên ngày một rõ nét. Xuất phát ý tưởng từ Hội nghị Munich về Chính sách an ninh - một diễn đàn an ninh từ năm 1962 tập hợp các chuyên gia, bộ trưởng quốc phòng, các quan chức an ninh cấp cao, đại diện báo chí từ hơn 40 nước với cốt lõi là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO, năm 2002, Đối thoại Shangri-La chính thức được hiện thực hóa bởi Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, Anh. Đối thoại có sự tham gia của 27 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và châu Âu, gồm 10 nước ASEAN và các nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand, Mỹ, Nga, Canada, Pháp, Đức, Anh…

Cơ chế đa phương hiệu quả

Tham vọng đặt ra của Viện Nghiên cứu chiến lược Quốc tế ngay từ đầu là thiết lập một diễn đàn chính thống, trong đó bộ trưởng quốc phòng của tất cả các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể ngồi lại với nhau bàn thảo về bất cứ vấn đề nào của khu vực. Để đạt được mục tiêu này, cơ chế hoạt động của Đối thoại Shangri-La rất đa dạng. Bên cạnh các phiên thảo luận toàn thể còn có các nhóm nhỏ, các nhóm nhỏ này có thể đề xuất các mục tiêu chính sách riêng biệt. Ban Tổ chức cũng đảm bảo thời gian để các bộ trưởng quốc phòng có ít nhất hai cuộc họp đa phương và hàng chục đối thoại song phương.

Trong khi đó, để ngày càng mở rộng sức ảnh hưởng, diễn đàn đã từng bước mở rộng đối tượng tham gia. Ban đầu chỉ bao gồm: bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao liên quan, về sau mở rộng thêm gồm: tổng tham mưu trưởng và thứ trưởng quốc phòng rồi các quan chức cấp cao trong các lĩnh vực như tình báo, cảnh sát và an ninh nội địa… Các vấn đề bàn thảo cũng được đa dạng hóa; trong khi rất nhiều các học giả, chuyên gia nghiên cứu, các nhà báo, doanh nhân cũng được mời làm diễn giả, tạo nên sự đa chiều trong cách tiếp cận và đưa ra giải pháp các vấn đề an ninh nóng của khu vực.

Thách thức an ninh biển tại Đối thoại Shangri-La 2014

Nhiều thách thức lớn đang đặt ra với Đối thoại Shangri-La 2014, trong bối cảnh xảy ra nhiều diễn biến nghiêm trọng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong đó, Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng đặc biệt lo ngại với nhiều động thái như việc tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông, hay hạ đặt giàn khoan nước sâu trong vùng biển của Việt Nam; thậm chí có những hành động khiêu khích, ngang ngược cố tình đâm vào tàu của Việt Nam…

Theo kế hoạch, tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có bài phát biểu đề dẫn chính vào tối 30/5. Vì theo như thông lệ, mỗi năm, Ban tổ chức sẽ mời một vị Thủ tướng hoặc Tổng thống của một nước trong khu vực có bài diễn văn chính, đề dẫn cho Hội nghị trước phiên khai mạc. Tiếp đó, trong ngày 31/5 và ngày 1/6 sẽ diễn ra 5 phiên họp toàn thể về các chủ đề: đóng góp của Mỹ vào ổn định ở khu vực; thúc đẩy hợp tác quân sự; giải quyết căng thẳng chiến lược; triển vọng hòa bình và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương; đảm bảo giải quyết xung đột tại châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt, tại Đối thoại Shangri-La 2014 lần này, lần đầu tiên sẽ công bố tài liệu chiến lược của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế với tiêu đề: “Đánh giá an ninh khu vực năm 2014”.

Vị thế và uy tín của Việt Nam tại Đối thoại Shangri-La

Nhìn lại Đối thoại Shangri-La lần thứ 12 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng với bài phát biểu đề dẫn quan trọng, với khái niệm và tầm nhìn về “lòng tin chiến lược” đã gây sự chú ý đặc biệt và lan tỏa trong khắp các phiên thảo luận. Các đại biểu đã đánh giá rất cao và cho rằng, bài phát biểu của Thủ tướng đã nói trúng, nói đúng vấn đề cốt lõi của các tranh chấp, bất đồng còn chưa được giải quyết dứt điểm giữa các quốc gia hiện nay, đó là do các bên còn hoài nghi, còn thiếu lòng tin vào nhau. Trong các cuộc đối thoại trước, Việt Nam cũng đều tích cực tham gia với nhiều chủ đề như: “Đổi mới cấu trúc an ninh khu vực”; “Đối phó với những thách thức an ninh biển mới”… Và các phát biểu của đoàn Việt Nam đều được các nước quan tâm và đánh giá cao.

Tiếp nối thông điệp “lòng tin chiến lược”, “muốn có lòng tin thì phải hành động” đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đưa ra trong diễn đàn năm ngoái, tại Đối thoại Shangri-La 2014 năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Sinzo Abe dự kiến sẽ đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng, Nhật Bản luôn theo đuổi hòa bình, muốn giữ một vai trò lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh toàn cầu, và tất cả các nước cần tuân thủ luật pháp. Những thông điệp này chắc chắn sẽ là lời tuyên bố mạnh mẽ gửi đến bất cứ quốc gia nào bất chấp luật pháp quốc tế để khiêu khích, bành trướng và thâu tóm những gì không phải của mình, làm ảnh hưởng đến an ninh toàn khu vực.

Phương Hoa

Cơ chế đa phương hiệu quả cho các vấn đề an ninh khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO