Có công của lính ra-đa trên đất Nghệ

30/11/2012 08:27

(Baonghean) - "Đêm hôm đó (17/12/1972), cả bầu trời miền Bắc chằng chịt các loại sóng. Không quân Mỹ không ngừng phát tín hiệu giả, rải bột kim loại dày đặc gây nhiễu màn hình vô tuyến các trạm ra-đa của ta. Những "con mắt thần" của không quân Việt Nam gần như bị tê liệt. Sở chỉ huy Sư đoàn ra-đa lệnh cho các đơn vị vào tình trạng chiến đấu cấp 1. Đến 19 giờ ngày 18/12/1972, toàn sư đoàn đã chuẩn bị tinh thần chiến đấu cao nhất. Liên tục từ đó, Bộ Quốc phòng, quân chủng và chỉ huy sư đoàn có điện gửi tới các đơn vị thông báo tình hình, quán triệt theo dõi và bám sát mục tiêu trên không, đặc biệt là phát hiện máy bay B-52 sớm nhất.

Lúc 18 giờ 50 phút, ngày 18/12/1972, bằng kinh nghiệm chiến đấu, Đại đội 45, Trung đoàn ra-đa 291 đóng tại đồi Si (Thuận Sơn, Đô Lương) phát hiện và thông báo: Máy bay B-52 tiến ra Hà Nội". Mặc dù trước đó, trạm ra- đa 16 đóng ở Thanh Hoá cũng đã nghi ngờ máy bay địch đánh vào Hà Nội theo hướng Tây Nam từ Lào sang nhưng không dám khẳng định. Thông tin đó nhanh chóng chuyển về Sở chỉ huy quân chủng trước 35 phút. Quân chủng Phòng không-không quân lệnh cho các tiểu đoàn tên lửa theo dõi đường bay, cự ly của máy bay địch để tiêu diệt. Ngay trong đêm 18/12/1972, tên lửa của ta bắn rơi 8 máy bay của địch, trong đó có 3 máy bay B52"- Trung tá Võ Hải - nguyên Chính trị viên trạm ra- đa 45 (hiện đã nghỉ hưu tại phường Hưng Lộc - TP. Vinh) kể lại.



Các chiến sỹ C45 lên đài trực chiến

Trạm ra-đa 45, thuộc Trung đoàn ra-đa 291, thành lập ngày 20/8/1965 tại vườn vải Chi Lăng, xã An Khánh, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây (cũ), do đồng chí Lê Bá Chơn làm đại đội trưởng đầu tiên. Từ năm 1965 đến năm 1975, bằng sự rèn luyện, đúc rút kinh nghiệm trong chiến đấu, đơn vị đã phát hiện hàng vạn máy bay địch với 1850 máy bay tốp tầng cao, 5180 máy bay tốp tầng thấp, dẫn đường cho các đơn vị tên lửa bắn rơi hàng chục máy bay chiến đấu của Mỹ. Ngày 20/11/1971, trạm ra-đa 45 được chuyển về Nghệ An, đóng tại Nông trường Cờ Đỏ (Nghĩa Đàn), sau đó chuyển về đồi Si, thuộc xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) do đồng chí Đinh Hữu Thuần làm đại đội trưởng, Nghiêm Đình Tích - trưởng đài và hai trắc thủ là Nguyễn Văn Xích và Phạm Hoàng Cầu. Được sự bao bọc, che chở của người dân địa phương, trạm ra-đa 45 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ canh giữ bầu trời Tổ quốc.

Đại tá Nghiêm Đình Tích - Ban viết Sử, Cục Phòng không-không quân Việt Nam, nguyên trưởng đài trạm ra-đa 45, bồi hồi cho biết: "Vốn có kinh nghiệm phát hiện máy bay B52 hoạt động ở phía nam Quân khu 4 từ năm 1969, đã từng tham gia dẫn đường cho phi công Vũ Đình Rạng bắn trúng máy bay B-52 trong đêm 20/11/1971, trực tiếp bảo đảm cho Trung đoàn tên lửa 263 bắn rơi máy bay B-52 trong đêm 22/11/1972 và kinh nghiệm chống nhiễu phát hiện máy bay B-52 vào đánh Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng trước đó, tôi cùng các trắc thủ Phạm Hoàng Cầu, Nguyễn Văn Xích đã xác định ngay những dải nhiễu B-52 ở hướng Tây Nam Đô Lương. Được lệnh của đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần, cả kíp ban đã thao tác xử trí quy trình chống nhiễu B-52 bằng kinh nghiệm sở trường của đơn vị. Chỉ trong khoảnh khắc, trắc thủ số 1 Phạm Hoàng Cầu đã thông báo tình báo các tốp máy bay B-52 lên sở chỉ huy Trung đoàn và thông báo vượt cấp về Tổng trạm ra-đa tại Sở Chỉ huy Quân chủng, mở đầu chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không".

Đối với lính ra-đa chúng tôi, sợ nhất vẫn là thông tin sai, làm ảnh hưởng đến chiến lược tránh trả của ta. Vì vậy, khi thông tin phát đi rồi, chúng tôi vẫn chưa hết lo lắng, tập trung theo dõi mục tiêu đến cùng". Nhờ bộ đội ra-đa phát hiện sớm máy bay B-52 của không quân Mỹ tập kích vào Hà Nội, các đơn vị tên lửa, pháo phòng không trên toàn miền Bắc đã kịp thời chuyển cấp và chủ động chiến đấu và dành thắng lợi hoàn toàn buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, tạo ra bước ngoặt làm thay đổi căn bản cục diện chiến tranh, mở ra thời cơ lớn cho quân và dân ta giành thắng lợi quyết định mùa Xuân 1975. Ngày 20/10/1976, đơn vị được Bộ Tư lệnh Phòng không - không quân phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến tranh kết thúc, Trạm ra-đa 45 chuyển về Trung đoàn 291 đóng ở phường Hưng Lộc, Thành phố Vinh. Các thế hệ cán bộ của Trung đoàn 291 nhiều lần trở về đồi Si thăm lại chiến trường xưa. Niềm xúc động, bồi hồi nhưng cũng đầy day dứt. Những bà, những mẹ từng nuôi các anh giờ đã thành thiên cổ. Trên nền đất cũ, cây cối đã xanh trở lại, làng mạc mọc lên tấp nập đông vui. Thế hệ trẻ bây giờ, có mấy ai biết đến nơi đây từng ghi dấu chiến công to lớn của lính Phòng không 40 năm về trước? Nên chăng, cần sớm xây dựng tượng đài, bia dẫn tích thể hiện tinh thần, trí tuệ của lực lượng Phòng không- không quân ta, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước cho các thế hệ...


Nguyễn Lê (Xóm 11 - Thái Sơn - Đô Lương)

Mới nhất
x
Có công của lính ra-đa trên đất Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO