Có dấu hiệu lừa đảo?
(Baonghean.vn) - Với chiêu thức đặt cọc 500 USD để làm thủ tục ban đầu, rồi thanh toán nốt số tiền như thoả thuận khi gửi thông báo đã có đơn hàng. Nhưng hết lần này sang lần khác, hi vọng rồi lại thấp thỏm, nhiều lao động vẫn không thể sang Đài Loan làm việc dù đã đặt cọc số tiền khá lớn. Đó là tình cảnh của nhiều gia đình tại Nghệ An sau khi tin vào lời ngon ngọt của Đặng Khắc Hùng, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động ở địa chỉ số 60, đường Đào Tấn, phường Quang Trung, Thành phố Vinh.
Tháng 3/2011, ông Lưu Văn Trường ở xóm 5 xã Nam Giang (Nam Đàn) đến Trung tâm Xuất khẩu lao động ở số 60 đường Đào Tấn, phường Quang Trung (TP. Vinh) gặp Đặng Khắc Hùng (sinh năm 1977, trú tại xóm Phong Hảo, xã Hưng Hoà, Thành phố Vinh) để làm thủ tục cho con trai là Lưu Văn Dũng (sinh năm 1990) đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Theo thoả thuận, khi làm thủ tục, mỗi suất đi phải nộp cọc 500 USD, khi có visa nộp thêm hơn 5.500 USD nữa.
Ngày 20/6/2011, ông Hùng thông báo với ông Lưu Văn Trường là cháu Dũng đã có visa và đơn hàng xuất khẩu sang Đài Loan, gia đình phải nộp 5.800 USD. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 6 tháng, anh Lưu Văn Dũng vẫn chưa sang được Đài Loan. Thất vọng và mệt mỏi vì đi lại nhiều mà không có kết quả, ông Trường quyết định đòi lại số tiền đã nộp. Ngày 14/12/2011, ông được viết giấy hẹn đến ngày 14/1/2012 hoàn lại số tiền đó. Ngày 14/1/2012, ông đến, Hùng lại hẹn ngày 17/1, nhưng ngày 17/1/2012, khi vợ chồng ông đến gặp, Hùng lại một lần nữa viết giấy hẹn...
Ông Trường bức xúc: "Tết Nguyên đán con trai không có việc làm, cả gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào gánh muối dạo của 2 vợ chồng ông bà nên gia cảnh hết sức cơ cực... Đã thế, mỗi tháng chúng tôi còn phải "nai lưng", kiếm đủ 1.950.000 đồng để trả lãi suất ngân hàng".
Cũng như ông Trường, ông Dương Duy Giáp ở xóm 7 xã Nam Lĩnh (Nam Đàn) cũng vay ngân hàng 130 triệu đồng với lãi suất 18%/năm để lo cho con gái là Dương Thị Hoà (sinh năm 1991) đi lao động ở Đài Loan. Sau khi đặt cọc 10.300.000 đồng để làm hồ sơ, thủ tục, ngày 21/6/2011, anh Hùng báo gia đình ông nộp tiếp 5.800 USD để bay, nhưng đến tháng 9/2011 vẫn chưa có đơn hàng.
Để nhanh được bay, ông Giáp còn đưa thêm 100 USD nữa nhưng cũng thêm nhiều lần hứa với việc đi về vừa vất vả, tốn kém mà kết quả vẫn là con số không. Sau khi nhờ người theo đòi ráo riết, đến nay, Hùng đã trả cho ông 45.000.000 đồng. Số tiền còn lại Hùng cũng hứa sẽ trả cho gia đình. Nhưng việc trả nợ thì cứ tháng này đến lại hẹn tháng sau...
May mắn hơn ông Giáp và ông Trường là ông Nguyễn Văn Hiến trú tại xóm 5, xã Nghi Vạn, Nghi Lộc. Ông Hiến chạy cho con gái Nguyễn Thị Thuỳ Dương đi xuất khẩu sang Đài Loan để làm nghề điện tử. Khi kế hoạch cho con không thành, ông Hiến phải "năm lần bảy lượt" vào Vinh gặp giám đốc Hùng để đòi tiền cho gia đình và đã đòi được số tiền 124.400.000 đồng (tương đương 5.500 USD). Xem là may mắn hơn khối người, nhưng ông Hiến vẫn rất bức xúc vì so với số tiền đã bỏ ra, ông còn thiệt gần 50 triệu đồng mà giấc mơ XKLĐ không thành.
Trước phản ánh của rất nhiều người dân, phóng viên đã nhiều lần liên lạc với Đặng Khắc Hùng nhưng Hùng luôn lẩn tránh. Thậm chí, qua điện thoại ông Hùng còn thách thức "đến cơ quan điều tra Hùng còn không sợ, báo chí chẳng có gì phải ngại để tránh gặp cả...". Tại công ty của Hùng thuê ở địa chỉ số 60 đường Đào Tấn, nhiều người dân ở đó cho biết, Hùng thường xuyên có nhiều người đòi nợ nên hầu như rất ít đến cơ quan, nếu có thì chỉ chớp nhoáng vào buổi chiều tối.
Có hay không dấu hiệu lừa đảo ở Trung tâm Xuất khẩu lao động này là điều mà người dân đang chờ các cơ quan chức năng vào cuộc.
Hà Linh - Song Hoàng