“Có đường để xóm mình khấm khá hơn”
Là nông dân chân lấm tay bùn, còn bộn bề với lo toan, vất vả, nhưng khi phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động, cụ Lang Thị Lá (SN 1932) ở xóm Dương Lễ, xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) đã có nghĩa cử rất cao đẹp: hiến hẳn 5 nghìn m2 đất cho Nhà nước làm đường.
(Baonghean) - Là nông dân chân lấm tay bùn, còn bộn bề với lo toan, vất vả, nhưng khi phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động, cụ Lang Thị Lá (SN 1932) ở xóm Dương Lễ, xã Nghĩa Dũng (Tân Kỳ) đã có nghĩa cử rất cao đẹp: hiến hẳn 5 nghìn m2 đất cho Nhà nước làm đường.
Cầm bản danh sách những điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của huyện Tân Kỳ, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy đúc kết: Dân mình kỳ lạ lắm, đáng quý lắm chú ạ! Cái quý, cái lạ ấy đều xuất phát từ lòng tự nguyện, mà điển hình là chuyện hiến đất làm đường. Việc hiến 5 nghìn m2 đất của cụ Lang Thị Lá là điển hình hiến đất cho địa phương làm đường xây dựng nông thôn mới. Và câu chuyện hiến đất của cụ Lá dài như con đường nguyên liệu đi qua địa bàn xóm Dương Lễ vắt qua đồi Khe Lá mà huyện đã đầu tư mở mới cách đây vài năm. Nếu không có sự đồng tình vào cuộc của người dân thì chẳng biết khi nào dự án này mới hoàn thành. Và chẳng biết khi nào gần 40/120 hộ của xóm Dương Lễ sinh sống biệt lập trong núi Khe Lá khi nào mới khỏi cảnh quanh năm lội suối.
Cụ Lang Thị Lá tự hào đi trên con đường do chính mình và nhiều gia đình trong xóm hiến đất để mở.
Một thực tế tại xóm Dương Lễ là ruộng cằn cỗi, đất đai chẳng nhiều nhặn gì. Bởi thế, dân làng lo miếng ăn, cái mặc còn vất vả, nói gì đến chuyện xây dựng nông thôn mới. Họ còn cho rằng, làm đường cho dân đi là trách nhiệm của Nhà nước chứ ai đời còn bắt dân hiến đất để làm thì còn gì gọi là Nhà nước nữa.
Nhiều lúc cụ Lá nghĩ, nếu mình không hiến đất thì không biết con cháu mình khi nào mới có con đường tử tế để đi. Lâu nay, bà con trong xóm đi lại bằng lối mòn, vào mùa mưa cực kỳ vất vả. Không có đường, thu hoạch hạt lúa, củ khoai cũng vất vả, rừng keo chặt xong lại phải bán rẻ, vì đướng sá đi lại khó khăn. Vậy là khi Nhà nước có chủ trương vận động người dân hiến đất làm đường là cụ Lá xung phong ngay.
Thấy người ta đến đo đạc, cắm mốc vào tận sát nhà, và mái đồi của mình lâu nay trồng keo, bạch đàn, bà Lá cũng tiếc lắm. Bao nhiêu năm gắn bó vởi mảnh đất để trồng cây, nuôi đàn con khôn lớn, bây giờ phải chặt cây để máy móc vào múc, san, ủi. 8 người con của bà thấy thế cũng xót, nhưng thấy mẹ đã quyết thì để cho người ta làm. Anh Ngân Văn Tân (Xóm trưởng xóm Dương Lễ) ngồi cạnh tôi, nói: “Ai mà không tiếc anh. Người nông dân mà không tiếc đất là coi như bỏ. Người đồng bằng quý ruộng lúa thế nào, thì người vùng cao quý cây cam, cây bưởi, keo, tràm như thế. Tiếc thật, nhưng nếu ai cũng tiếc, không chịu hiến thì lấy đâu ra đường mà đi”.
Cả một cung đường dài gần chục cây số qua xóm Dương Lễ vào tận núi sâu, nhiều đoạn phải bạt mái ta luy qua núi. Chẳng mấy chốc cả rừng keo, bạch đàn trở thành con đường to đẹp, phẳng lỳ, nhìn rất ra dáng. Những hộ sinh sống bao nhiêu năm biệt lập sau đồi Khe Lá, bây giờ đã có đường, nhiều nhà sắm xe máy để đi lại. Bởi cụ Lá hiến nhiều diện tích đất nhất, nên nhiều người gọi con đường này “đường cụ Lá”.
Nếu nhìn vào gia cảnh sẽ không ai nghĩ cụ Lang Thị Lá là người hiến đất nhiều nhất huyện Tân Kỳ kể từ khi Nhà nước phát động phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới đến nay. Chồng mất cách đây hơn 20 năm, một mình bà, 11 đứa con trai, gái, con trai đầu đã hy sinh (bà là mẹ liệt sỹ). Nhiều năm nay, bà bị bệnh ngoài da, chữa trị khắp nơi không khỏi. Bây giờ bà ở với đứa con trai út, hoàn cảnh cũng còn nhiều khó khăn. Vất vả là thế, vậy mà khi cán bộ xã, huyện đến tuyên truyền, giải thích việc hiến đất cho Nhà nước mở đường nguyên liệu thì bà nhất trí ngay, không đòi hỏi một thứ gì. Nói đến đây, cụ khoe, mới rồi huyện đến tặng cụ giấy khen: Đã có thành tích trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Bây giờ nhắc đến chuyện đất, cụ Lá vẫn tiếc lắm. Nhưng cụ lại nghĩ thế này: Nghèo thì nghèo rồi. Mình chịu thiệt thòi một tý, biết đâu có đường rồi thì dân bản mình có thể khấm khá hơn. Hiến là hiến cho con cháu, cho tương lai của xóm Dương Lễ đó mà.
Anh Ngân Văn Tân nói rằng, để có con đường nguyên liệu này, 14 gia đình trong xóm hiến hơn 14 nghìn m2 đất. Sau khi hoàn thành, con đường này còn là trục đường dân sinh chính cho bà con trong xóm. Sắp tới, cùng với sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, xóm Dương Lễ sẽ đề nghị cấp trên đổ bê tông con đường này.
Bài, ảnh: Xuân Hoàng