Cơ giới hóa nông nghiệp: Cần chính sách phù hợp

29/05/2014 15:39

(Baonghean) - Sử dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp, nhất là sử dụng máy móc trong khâu làm đất và thu hoạch lúa đã giúp giải phóng bớt lực lượng lao động, giảm lao động nặng nhọc cho nông dân, giảm thất thoát sau thu hoạch, đáp ứng được yêu cầu sản xuất lớn… Tuy nhiên, cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn mang tính tự phát, thiếu đồng bộ.

Sử dụng máy gặt kubota ở Tăng Thành - Yên Thành.
Sử dụng máy gặt kubota ở Tăng Thành - Yên Thành.

Có mặt tại cánh đồng xóm 4, xã Tăng Thành - Yên Thành đúng vào thời điểm bà con đang vào vụ thu hoạch lúa chúng tôi được chứng kiến hiệu quả của máy gặt lúa liên hợp. Với 4 người, 2 người điều khiển, 2 người đóng bao, khoảng chưa đầy 15 phút chiếc máy đã gặt sạch hơn 2 sào lúa. Chị Hương ở xóm 4 – Tăng Thành có vạt ruộng vừa thuê gặt xong phấn khởi cho biết: Trước đây để gặt được 1 sào lúa gia đình tôi phải thuê 3 lao động khoảng 450.000 đồng, chưa kể là phải thuê xe vận chuyển và thuê máy tuốt lúa mới ra được hạt thóc. Nay thuê máy gặt chỉ mất 200.000 đồng, tiền công vừa rẻ vừa nhanh lại ra được thóc ngay.

Được biết, vụ xuân 2014 toàn xã Tăng Thành gieo cấy trên 360 ha, nhờ chuyển đổi ruộng đất từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn nên rất thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Trong giai đoạn chạy đua với thời vụ, xã có 2 hộ dân đầu tư mua máy gặt, xã hợp đồng thuê thêm 5 máy gặt của Thanh Hóa và Ninh Bình, 7 máy gặt hoạt động hết công suất. Đến thời điểm này đã gặt được trên 70% diện tích. Theo tính toán, với diện tích lúa của xã cần đến 10 máy gặt đập liên hợp mới chủ động được, vì trong giai đoạn chính vụ rất khó thuê máy. Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ cấp bù lãi suất mua máy gặt đập, nhưng số lượng máy mua rất ít, nguyên nhân là nếu mua máy gặt công suất nhỏ thì không hiệu quả, còn mua máy công suất lớn thì người nông dân không đủ sức.

Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết thêm: Vụ xuân này Yên Thành gieo cấy 12.700 ha, nhờ chuyển đổi ruộng đất và quy hoạch xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng nên việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng hiệu quả. Ngay từ đầu vụ huyện đã huy động được 30 máy gặt đập liên hoàn, góp phần đẩy nhanh vụ thu hoạch để chuẩn bị khâu làm đất cho vụ hè thu. Nhu cầu của huyện cần khoảng trên 50 máy gặt đập liên hoàn, trong khi toàn huyện có chưa đầy 10 máy. Theo ông Dương: Nguyên nhân mua máy gặt ít là do giá máy gặt quá lớn mà chính sách hỗ trợ chưa đến được với người nông dân. Đối với máy cày đa chức năng toàn huyện hiện có trên 1.000 máy, nhưng chỉ có chưa đầy 200 máy cày được hưởng lãi suất ngân hàng.

Trên cánh đồng xã Quỳnh Hậu - Quỳnh Lưu những chiếc máy gặt đập liên hợp đang làm việc hết công suất. Chị Lê Mỹ ở xóm 5 làm 3 sào ruộng tâm sự: Do nhu cầu ai cũng muốn gặt nhanh để làm đất vụ hè thu, trong khi máy gặt quá ít nên dẫn đến hiện tượng tranh giành nhau. Ông Hồ Văn Hóa – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hậu nói thêm: Từ năm 2012 đến nay xã đã chuyển đổi ruộng đất xong. Tất cả các trục chính đường giao thông nội đồng đều được trải cấp phối, trên 400 ha lúa xuân đều sử dụng được máy móc cơ giới. Để đáp ứng nhu cầu gặt lúa vụ xuân cho bà con, xã đã hợp đồng thuê 4 máy gặt đập của Thanh Hóa cùng với 2 máy gặt đập của địa phương nhưng vẫn làm không kịp, nhu cầu của xã cần đến 7 - 8 máy gặt.

Vấn đề đặt ra hiện nay là có khá nhiều người nông dân muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mua máy gặt đập liên hợp làm dịch vụ. Tuy nhiên, theo phản ánh thì mua máy cày theo dạng hỗ trợ phải mua máy sản xuất trong nước, có hóa đơn đỏ. Thế nhưng, máy cày trong nước sản xuất chủ yếu loại công suất lớn không hợp với đồng đất nên bà con chủ yếu mua ngoài.

Huyện Quỳnh Lưu vụ xuân này gieo cấy 7.572 ha lúa, nhu cầu sử dụng máy gặt đập liên hợp là rất lớn, trong khi toàn huyện chỉ mua sắm được 3 máy gặt, số còn lại chủ yếu phải thuê máy gặt từ tỉnh khác (gần 20 máy). Ông Nguyễn Văn Thân – cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp Quỳnh Lưu nói: Từ năm 2013 đến nay ngân hàng mới cho được 2 hộ vay theo cơ chế mua máy gặt trị giá 460 triệu đồng, 66 máy cày đa chức năng trị giá vay 1,5 tỷ đồng.

Ông Phan Duy Thiều - Phó trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đến thời điểm này đối với máy cày đa chức năng toàn tỉnh được hưởng theo chính sách trên 900 máy cày các loại. Máy gặt các loại hiện có trên 500 chiếc, tuy nhiên, chủ yếu là máy loại cũ (máy gặt rải hàng), từ năm 2012-2014 mới đưa vào dòng máy gặt đập liên hợp kubota, mua theo diện chính sách hỗ trợ chưa được 10 máy. Trong khi nhu cầu toàn tỉnh cần khoảng trên 500 máy gặt đập liên hợp, nguyên nhân địa bàn tỉnh ta ít máy gặt đập liên hợp, chủ yếu phải thuê mượn là do tỉnh khó khăn về ngân sách nên cơ chế hỗ trợ có phần giới hạn, phải chia theo chỉ tiêu hỗ trợ lãi suất nên người mua máy gặt đập rất hạn chế. Trong năm 2014 kinh phí theo cơ chế hỗ trợ được khoảng 8,4 tỷ đồng, trong đó tiền cấp bù lãi suất 4,3 tỷ đồng, còn lại 4,1 tỷ đồng là tiền trợ giá máy, cả máy gặt và máy cày đa chức năng.

Có thể thấy rằng cơ giới hóa ở tỉnh ta chưa đồng bộ, hiện nay khâu làm đất tỷ lệ cơ giới hóa đạt cao nhất khoảng gần 70%, hầu hết là máy công suất nhỏ, phục vụ nhu cầu nông hộ, tỷ lệ gặt đập bằng máy chiếm chưa đầy 30%, tỷ lệ dùng máy cấy mới từ 2-3%. Để tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Và nên chăng cần phải có điều chỉnh về cơ chế, chính sách, cụ thể đối với máy cày không “khống chế” mã lực để người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mua máy công suất lớn để cày đất được cả cho cây trồng cạn, cây công nghiệp các loại.

Văn Trường

Mới nhất
x
Cơ giới hóa nông nghiệp: Cần chính sách phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO