Cơ hội khẳng định thương hiệu và chất lượng đào tạo

18/06/2013 14:48

Trung tuần tháng 6 vừa qua, tại Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghiệp Tiểu thủ công nghiệp đã diễn ra Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm. Hội thi là cơ hội để các trường giao lưu, học hỏi và cập nhật những thiết bị mới, tiên tiến vào phục vụ công tác giảng dạy.

(Baonghean) - Trung tuần tháng 6 vừa qua, tại Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghiệp Tiểu thủ công nghiệp đã diễn ra Hội thi thiết bị dạy nghề tự làm. Hội thi là cơ hội để các trường giao lưu, học hỏi và cập nhật những thiết bị mới, tiên tiến vào phục vụ công tác giảng dạy.

Là một hội thi cấp tỉnh, ba năm tổ chức một lần nên có thể thấy rõ sự chuẩn bị chu đáo, công phu của các đơn vị tham gia. Với 47 thiết bị dự thi đến từ 9 trường trung cấp dạy nghề trong toàn tỉnh, hội thi năm nay quy tụ nhiều trường có truyền thống chất lượng dạy nghề cao như: CĐ kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Quốc phòng số 4, Trung cấp nghề Kinh tế - công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, CĐ nghề kỹ thuật Việt - Đức… Các thiết bị tập trung vào các nhóm nghề chính như công nghệ hàn và công nghệ ô tô; kỹ thuật máy lạnh, mộc mỹ nghệ, may thời trang, nông nghiệp; điện – điện tử - công nghệ,... đến được với hội thi này, các thí sinh đã phải trải qua các cuộc lựa chọn gắt gao ở cấp cơ sở. Riêng Trường Việt Nam – Hàn Quốc còn tổ chức một cuộc thi quy mô nhằm lựa chọn được những thiết bị xuất sắc nhất tham gia vòng loại cấp tỉnh.

Tại khu vực thi thiết bị công nghệ hàn và công nghệ ô tô, nhóm thầy trò Phan Văn Liên, Nguyễn Quang Quỳnh và sinh viên khoa Cơ khí Trường CĐ nghề kỹ thuật Việt Đức rất hài lòng với mô hình “Hộp tốc độ bàn dao máy tiện HL380” mà thầy trò đã cặm cụi thiết kế trong gần hai tháng. Mô hình không những giúp các giáo viên thuận tiện trong việc giảng dạy mà còn giúp sinh viên có thể dễ dàng nhìn thấy các chi tiết máy điển hình, đặc biệt là trong các ngành nghề đào tạo: cắt gọn kim loại, bảo trì thiết bị cơ khí, cơ điện tử.



Mô hình dự thi của Trường CĐ nghề kỹ thuật Việt Đức.

Mô hình dự thi “Dàn trải hệ thống điện thân xe” của nhóm 4 sinh viên khoa Công nghệ ô tô Trường CĐ nghề kỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc cũng gây ấn tượng tốt cho nhiều người. Một phần cũng là bởi cuộc thi “thiết bị” vốn là cuộc thi của các giảng viên, giáo viên nhưng đây lại là sản phẩm 100% do sinh viên tự làm. Em Nguyễn Công Nguyên – nhóm trưởng cho biết: “Ý tưởng đưa ra thiết bị này cũng xuất phát từ trong thực tiễn học tập, chúng em mong muốn có một thiết bị trực quan, qua đó có thể giúp sinh viên nhìn được bao quát mọi nguyên lý hoạt động của các hệ thống. Riêng trong ngành nghề lắp ráp, sửa chữa ô tô thì điều này rất quan trọng, bởi khó có thể học tốt nếu chỉ tưởng tượng các chi tiết mà không được nhìn, xem, phân tích kỹ từng hệ thống máy móc.

Việc tham dự cuộc thi này cũng là dịp để em và các bạn được hệ thống lại một lần nữa cả quá trình học 3 năm ở nhà trường. Bản thân em có thêm “điểm” để được ứng chọn vào Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh”. Thầy giáo Nguyễn Trọng Thuyên – Trưởng khoa Cơ khí động lực – Trường CĐ nghề kỹ thuật số 1, tác giả của tác phẩm đạt giải Nhì toàn quốc năm 2005 cho biết: “Kỹ thuật và trình độ của các thí sinh đã nâng lên rất nhiều so với những năm trước, trong đó những ngành nghề thế mạnh của các trường như ngành công nghệ ô tô, điện, điện tử là những ngành nghề khó “cạnh tranh” nhất…”.

Theo dõi các buổi chấm thi của hội đồng giám khảo cũng có thể cảm nhận rõ điều đó bởi trong 47 tác phẩm dự thi, mỗi tác phẩm có một đặc tính, ưu điểm riêng. Ông Cao Danh Chính – Trưởng ban giám khảo nhận xét: “So với mọi năm, các thiết bị dự thi năm nay có bước đột phá về công nghệ và phạm vi ứng dụng của các thiết bị cũng rộng hơn, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo xu hướng dạy học tích hợp như hiện nay. Hội đồng giám khảo rất khó khăn khi chọn ra tác phẩm xuất sắc”.

Là một tỉnh có đến 62 cơ sở dạy nghề nên hội thi thiết bị dạy nghề tự làm là một dịp quan trọng để các trường phát huy được sức sáng tạo của tập thể, cá nhân, duy trì có hiệu quả phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học nghề. Với hàng chục tác phẩm dự thi mỗi đợt, trong đó có nhiều tác phẩm đạt giải Nhất, giải Nhì quốc gia đã cho thấy chất lượng cũng như hiệu quả của các hội thi thiết bị dạy nghề tự làm cấp tỉnh.

Tuy vậy, bên cạnh những thành quả đó, nhìn thẳng vào hội thi chúng ta cũng thấy còn nhiều vấn đề tồn tại. Đó là số lượng tác phẩm dự thi chưa nhiều, số lượng các trường học tham gia chưa đông, chỉ chiếm 1/6 so với hệ thống trường dạy nghề trên địa bàn. Việc những ngôi trường có truyền thống, như: CĐ du lịch thương mại, Trung cấp nghề kinh tế - công nghiệp Vinh, Trung cấp nghề Nghi Lộc, Trung cấp nghề Bắc Nghệ An, Trung cấp nghề dân tộc miền núi… không tham dự cuộc thi cho thấy trách nhiệm chưa cao của các trường.

Đã đến lúc nên có một quy chế rõ ràng, cần có một hệ thống văn bản chặt chẽ để quy định về đối tượng tham gia, hoặc cần phải xử lý nghiêm túc như lời của ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐTB &XH trong lễ khai mạc: Những trường không tham gia cuộc thi phải cân nhắc khi xếp loại thi đua cuối năm và xem xét lại trong việc ưu tiên, bố trí kinh phí… Còn ông Nguyễn Xuân Phượng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp thổ lộ: “Đến với cuộc thi chỉ có “được” chứ không có “mất”, bởi nếu không đoạt giải thì giáo viên cũng có quá trình để hệ thống lại kiến thức của mình, học viên tham dự thì có một dịp để trải nghiệm, còn nhà trường thì có thêm một mô hình hữu ích giúp cho việc dạy học và thực hành hiệu quả, chất lượng”.


Bài, ảnh: Mỹ Hà

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Cơ hội khẳng định thương hiệu và chất lượng đào tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO