Có một hành trình Tháng Bảy

27/07/2015 08:13

(Baonghean) - Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng Bảy muôn lớp thế hệ người Việt Nam lại hành hương hướng về cội nguồn để thể hiện lòng ngưỡng mộ, tri ân đối với thế hệ cha ông đi trước. Dịp kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - liệt sỹ năm nay, Báo Nghệ An đã tổ chức một cuộc hành trình vô cùng giàu ý nghĩa.

Từ Côn Đảo - “địa ngục trần gian”...

Chiếc máy bay đáp xuống đường băng Sân bay Côn Đảo trong một chiều trời nổi gió. Cô hướng dẫn viên bản địa đón chúng tôi ở sân bay cho chúng tôi hay: “Trời hôm nay gió nhiều, biển động. Thường ngày biển ở Côn Đảo rất lặng sóng, rất bình yên”. Không ai bảo ai, tất cả đều thấy lòng lắng lại khi đặt chân xuống mảnh đất của lịch sử, của máu và nước mắt. Biển Côn Đảo chiều nay dậy sóng, hay những ký ức năm nào dội về…

Quang cảnh Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (Quảng Trị). Ảnh: tl
Quang cảnh Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (Quảng Trị). Ảnh: tl

Con đường nối từ Sân bay Côn Đảo về đến trung tâm là con đường độc đạo, hiếm hoi lắm mới thấy vài, ba nhà dân lấp ló trong màu xanh của những hàng phi lao. Bên này là biển, bên kia là núi, con đường tưởng chừng cứ trải dài ra mãi, quanh co dẫn về xa xăm. Xưa kia nơi đây là những làng mạc do Chúa Nguyễn Ánh lập ra khi lẩn trốn quân Tây Sơn. Đến tận bây giờ, những dấu tích mà người sáng lập ra triều Nguyễn năm xưa để lại, là những cái tên đặt cho làng, cho ấp, và một ngôi đền thờ bà Hoàng Phi Yến, vợ Chúa Nguyễn Ánh. Đó cũng là một trong hai người phụ nữ được dân đảo thờ cúng. Và “người thứ hai chính là cô Sáu, tức cô Võ Thị Sáu, người con gái gắn liền với mùa hoa lê-ki-ma và tuổi xuân bất tử, kiên trung”. Để ý thấy, ngay cạnh tay lái của chú tài xế, đặt trang trọng bức ảnh nhỏ của cô Sáu. Đó là cách thể hiện sự tôn kính và biết ơn của những người dân sống trên hòn đảo này đối với người nữ anh hùng.

Đồng chí Tổng Biên tập Báo Nghệ An dâng hoa lên phần mộ các liệt sỹ tại Khu DTLS ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: Đ.T
Đồng chí Tổng Biên tập Báo Nghệ An dâng hoa lên phần mộ các liệt sỹ tại Khu DTLS ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: Đ.T

Côn Đảo là một quần đảo bao gồm 16 đảo lớn nhỏ, nhưng cái tên Côn Đảo cũng được dùng để gọi hòn đảo lớn nhất và là đảo duy nhất có người ở. Trong số 15 hòn đảo còn lại, chỉ duy nhất một hòn đảo có nước ngọt, còn lại là những đảo đá chỉ có một số loài động vật đặc trưng như vích (rùa biển), bò biển, chim yến tìm đến cư trú hoặc lui tới vào những thời điểm nhất định... Xe đi qua Nghĩa trang Hàng Dương, cô hướng dẫn viên cho biết nơi đây xưa kia vốn là nơi kẻ thù xử bắn các chiến sỹ, nhà yêu nước bị giam cầm trên đảo. Gọi là nghĩa trang, nhưng những người may mắn nhất cũng chỉ được lồng vào hai bao tải bố và chôn lấp sơ sài, còn lại đa số bị vùi tập thể hoặc quăng xác xuống biển. Sau này khi quy tập hài cốt về Nghĩa trang được quy hoạch, tôn tạo, chỉ tìm thấy một số rất ít trong số 10.000 người bị thủ tiêu.

Trong vô số những ngôi mộ - nơi yên nghỉ của các chiến sỹ cách mạng đã hy sinh trong vòng 113 năm hoạt động của hệ thống nhà tù lớn nhất nhì Đông Dương này, có phần mộ của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Phong - người con của mảnh đất cách mạng Hưng Nguyên (Nghệ An). Bị giam cầm ở Côn Đảo, đày ải dưới sự tra tấn tàn độc của kẻ thù, bị đẩy đến các Sở tù khổ sai nhằm cô lập khỏi tổ chức tù chính trị Côn Đảo, đồng chí vẫn làm thơ về viễn cảnh đất nước giải phóng, lan toả niềm tin và ý chí cách mạng đến các anh em bạn tù; niềm tin ấy được gửi lại cho các đồng chí cùng bị giam tại nhà tù trong những lời cuối cùng trước khi hy sinh ngày 6/9/1942: “Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.

Đoàn cán bộ Báo Nghệ An nghe thuyết minh tại di tích Chuồng cọp (Côn Đảo). Ảnh: Thục Anh
Đoàn cán bộ Báo Nghệ An nghe thuyết minh tại di tích Chuồng cọp (Côn Đảo). Ảnh: Thục Anh

Một nhà yêu nước mà tư tưởng của ông còn sống mãi, lan truyền mãi đến tận bây giờ, cũng đã ngã xuống tại Côn Đảo, là nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Tốt nghiệp cử nhân ngành Luật tại Pháp, Nguyễn An Ninh đem hiểu biết và tư tưởng, tư duy của mình lan toả đến các thế hệ quần chúng, đặc biệt là đối tượng thanh niên. Là một trong bộ ba nhà hoạt động cách mạng lớn đầu thế kỷ XX cùng với các đồng chí Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền, ông theo đuổi lý tưởng bảo vệ nền văn hoá, cũng chính là bảo vệ chủ quyền dân tộc. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong cho báo chí cách mạng với tờ báo “Chuông rè”, được xuất bản bằng tiếng Pháp và chủ trương phê phán, đả kích chế độ thực dân cai trị.

Kính cẩn nghiêng mình và thắp nén hương thơm trước phần mộ của những người chiến sỹ anh hùng ấy, đoàn cán bộ Báo Nghệ An không khỏi bồi hồi xúc động. Trong bầu không khí thành kính, trang nghiêm, dường như trong mỗi người có điều gì thức tỉnh. Tư tưởng, tầm vóc của những nhà yêu nước năm xưa đã góp phần đưa đến nền hoà bình mà chúng ta thụ hưởng ngày hôm nay, đã từ rất lâu mà sức lan toả, lay động dường như vẫn còn nguyên vẹn.

Vâng, từng bước thăng trầm của lịch sử đều được lưu giữ lại vẹn nguyên trên hòn đảo này, dù là những tội ác đáng phẫn nộ nhất của kẻ thù, hay những chiến công oai hùng của dân tộc. Để hôm nay đây khi lớp lớp thế hệ cháu con đi giữa những hàng mộ của các chị, các anh, hay lúc thăm lại những nhà tù - “địa ngục trần gian” đẫm máu và nước mắt, thấy trào dâng một tình cảm tha thiết, gần gũi khôn cùng. Trong không gian nơi đây, vẫn thoáng qua một áp lực vô hình của sự sợ hãi, của đòn roi và những tấn trò tàn bạo không tưởng của quân thù. Nhưng đồng thời cũng lắng đọng lại trong mỗi người dư âm của một niềm đau rất thật, rất gần. Sự đau đớn về thể xác và tinh thần của những người tù mất nước, nhưng vượt lên trên cả niềm đau đó là niềm tin, hy vọng về lý tưởng cách mạng, về ánh sáng của độc lập tự do sẽ chiếu rọi xuống nơi này trong năm, mười, hai mươi hay dù cho phải đợi thêm bao nhiêu năm nữa. 113 năm, có lẽ những người tù chính trị năm xưa ấy đã chờ đợi thật lâu. Để ngày hôm nay, họ nằm nơi đây, bình yên và thanh thản. Biển Côn Đảo khi xưa từng ôm vào lòng thân xác, máu thịt của họ, giờ đây ngày đêm rì rào như ru yên giấc ngủ cho những linh hồn.

...đến miền Trung - “đòn gánh 2 đầu đất nước”

Nối tiếp cuộc hành trình từ Nam ra Bắc, đoàn công tác Báo Nghệ An đã tìm về xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị) nơi có Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Đây không phải là lần đầu tiên Tổng Biên tập báo Nghệ An Phạm Thị Hồng Toan và các thành viên trong đoàn về với mảnh đất đau thương, bi tráng của lịch sử. Vậy nhưng mỗi lần đặt chân lên đồi Bến Tắt, nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sỹ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ là thêm một lần cảm nhận cái không khí đặc quánh bom đạn. Tượng đài Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn như cắt vào đất trời Quảng Trị tháng Bảy một nỗi xót xa, tiếc nhớ, bởi đã có hơn 20 nghìn chiến sỹ ngã xuống trên các nẻo đường Trường Sơn huyền thoại. Và chỉ một nửa trong số đó đã được quy tập tại Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Trong đoàn công tác của Báo Nghệ An thực hiện hành trình tri ân tháng Bảy, có những người là con thương binh, cựu chiến binh và cá nhân đồng chí Tổng Biên tập Phạm Thị Hồng Toan là con liệt sỹ. Nói điều này để biết rằng các thế hệ cháu con của ngày hôm nay đều lớn lên, trưởng thành và được sống trong hòa bình là nhờ sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp cha ông đi trước...

Chúng tôi đặt chân đến Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) vào giữa trưa. Trong không gian mơ màng nắng, thi thoảng lại vọng đến câu hò nhặt khoan. Tượng đài Mẹ Suốt đứng hiên ngang bên dòng sông Nhật Lệ. Quả thực mỗi khi nói đến Mẹ Suốt người ta thường nghĩ đến bài thơ cùng tên của Tố Hữu. Dường như đâu đó trên khúc sông của vùng gió Lào, cát trắng vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh người mẹ vai quấn vải xanh chèo thuyền vượt muôn ngàn sóng dữ dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù để đưa bộ đội qua sông. Ngưng giây phút thiêng liêng bên dòng sông lịch sử, thoáng bóng ai chèo đò ban trưa và bông hoa huệ trắng muốt rưng rưng tỏa hương vào nắng.

Cung đường qua miền Trung luôn được mọi người gọi là “đường thiên lý”, là “đòn gánh 2 đầu đất nước”. Đối với các nhà quân sự thì dải đất hẹp miền Trung luôn là một vùng địa chiến lược có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Phải chăng vì thế nên tại vùng đất đầy gió nắng khắc nghiệt này đã sản sinh ra rất nhiều anh hùng kiệt xuất, những nhà quân sự lỗi lạc cho dân tộc. Tiêu biểu trong số đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tổng Tư lệnh đầu tiên và là người anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Và kể từ ngày Đại tướng ra đi mãi mãi, mảnh đất Quảng Đông, Quảng Trạch (Quảng Bình) nơi có Vũng Chùa - Đảo Yến trở thành điểm đến, nơi hội ngộ của muôn lớp cháu con trên khắp quê hương Việt Nam. Bên phần mộ của Đại tướng ken dày vòng hoa và nghi ngút khói hương, rất nhiều người không kìm được tiếng thổn thức và hai hàng nước mắt nghẹn ngào. Không ai nói, chỉ có tiếng bước chân như muốn ghìm lại vừa như sợ thời gian trôi đi mất, vừa sợ làm xao động không gian bình yên bên thềm sóng. Mới hiểu các thế hệ cháu con yêu kính Đại tướng đến nhường nào và cũng mong Đại tướng phù hộ cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mọi nhà no ấm và quê hương, đất nước phát triển vững bền.

Chúng tôi có mặt tại Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) vào đúng ngày 24/7/2015, ngày mà cách đó vừa tròn 47 năm 10 nữ anh hùng thanh niên xung phong đã hy sinh trong một trận oanh tạc của không quân đế quốc Mỹ. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn huyền thoại, Ngã ba Đồng Lộc trở thành biểu tượng ngời sáng về lòng dũng cảm và sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Đã 47 năm trôi qua kể từ buổi trưa tàn khốc ngày 24/7/1968, nhưng nhân dân, đất nước không bao giờ quên các chị. Trên 10 mộ phần nhói buốt của buổi chiều Đồng Lộc, các cán bộ Báo Nghệ An lặng lẽ đến bên các chị, nhẹ nhàng đặt lên đó những bông cúc trắng. Trên đó khi đã có những chùm bồ kết còn xanh lá và cả những chiếc lược, chiếc gương hồng một màu thương nhớ...

Có đi rồi mới thấy đất nước mình ở đâu cũng tạc vào lịch sử những tượng đài chiến thắng. Trên cung đường 15A đoạn chạy qua địa danh Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn (Đô Lương – Nghệ An) dường như vẫn còn lẩn khuất tiếng nói cười xen lẫn âm thanh cuốc xẻng va vào vách núi của 12 cô gái và 2 chàng trai thuộc Tiểu đội 2, Đại đội 317 – Tổng đội Thanh niên xung phong Nghệ An. Ngày 31/10/1968 đã trở thành định mệnh khi chỉ còn chưa đầy 20 tiếng đồng hồ sau đó, quân đội Hoa Kỳ quyết định hạn chế ném bom từ vĩ tuyến 19 trở ra Bắc. Vậy nhưng buổi sáng ngày 31/10, máy bay Mỹ xé nát bầu trời ầm ầm lao tới ném 2 loạt bom với 238 quả. Dưới làn bom đạn, Truông Bồn gần như bị băm nát, vùi lấp. 11 cô gái và 2 chàng trai thanh niên xung phong Tiểu đội 2, Đại đội 317 đã ngã xuống khi đang cố bám lấy mặt đường tiếp sức cho đoàn xe chi viện chiến trường miền Nam. Các anh, các chị hy sinh khi có người chưa một lần trao lời hẹn ước, có những người đang chờ ngưng tiếng bom sẽ về quê lập gia đình. Những khát khao bình dị đã bị dập tắt bởi âm thanh gào rú và tiếng nổ chát chúa của đạn bom trước thời khắc lịch sử. Hằng năm cứ đến ngày 31/10 và dịp 27/7, cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An lại tìm về Truông Bồn, nơi có 1.240 liệt sỹ gồm: bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân ngành Giao thông Vận tải đã hy sinh trong những năm tháng đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh. Đến với Truông Bồn là đến với những tấm gương trung kiên, bất khuất, với những con người mà chiến công và sự hy sinh của họ đã làm thức tỉnh lương tri nhân loại. Đứng trước phần mộ của các chị, các anh, trong làn khói hương quyện mùi ký ức, đồng chí Phạm Thị Hồng Toan thay mặt cán bộ, phóng viên Báo Nghệ An nguyện hứa “sẽ không ngừng học tập, rèn luyện nỗ lực phấn đấu vì sự hy sinh cống hiến của các anh hùng liệt sỹ, mãi xứng đáng với sự hy sinh cống hiến đó của các anh, các chị”. Buổi chiều Truông Bồn ấy trời lất phất mưa, dưới vòm mái của khu nhà tưởng niệm những hàng hoa mẫu đơn đỏ rực một màu tha thiết...

Ghi chép Thục Anh - Đào Tuấn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Có một hành trình Tháng Bảy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO