Có một liên minh Ấn - Nhật - Australia trong tương lai?

10/06/2015 08:28

(Baonghean) - Sau nhiều năm ngần ngại do sức ép của Trung Quốc, Ấn Độ đã chính thức khai trương một cơ chế đối thoại an ninh cấp cao ba bên cùng với Australia và Nhật Bản. Vấn đề đặt ra là liệu đối thoại 3 bên lần đầu tiên này có giúp hình thành liên minh Ấn - Nhật - Australia trong tương lai và mối quan tâm chung của 3 bên thực chất là gì?

Không phải ngẫu nhiên mà Đối thoại 3 bên Ấn - Nhật - Australia dù chỉ ở cấp thứ trưởng ngoại giao nhưng được cho là có ý nghĩa với cả 3 nước cũng như với an ninh khu vực châu Á. Đối thoại này diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh đang có nhiều diễn biến căng thẳng liên quan đến các tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia khác. Chính vì thế, cuộc đối thoại 3 bên này đã tập trung thảo luận các diễn biến mới nhất về tình hình an ninh trong môi trường kinh tế của khu vực, cũng như những gì đang diễn ra tại Biển Đông, nhất là các hoạt động của Trung Quốc đang rầm rộ bồi đắp đảo nhân tạo tại các khu vực tranh chấp với các nước láng giềng. Vấn đề hợp tác an ninh, đặc biệt trong lĩnh vực hải quân, đứng đầu chương trình nghị sự. Đối thoại Ấn - Nhật - Australia cũng khiến dư luận liên tưởng đến liên minh 3 bên vốn đã được đề cập nhiều trong thời gian qua và rất có thể sẽ hình thành trong thời gian tới.

Vào giữa thập niên 2000, sáng kiến xây dựng một liên minh vòng cung từ Ấn Độ sang Nhật Bản kéo dài xuống tận Nam Thái Bình Dương với Australia đã từng được 3 vị Thủ tướng lúc đó là Junichiro Koizumi của Nhật Bản, John Howard của Australia và Atal Vajpayee của Ấn Độ đã phác họa và được Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W Bush ủng hộ. Thế nhưng, sáng kiến này đã không được triển khai do Ấn Độ còn ngần ngại trước người láng giềng Trung Quốc. Năm 2007, Trung Quốc đã cực lực phản đối Ấn Độ sau khi nước này cùng Nhật Bản và Australia tham gia một cuộc họp 4 bên cùng với Mỹ, nhân một cuộc tập trận chung của 4 nước.

Từ trái qua phải: Thủ tướng Ấn Độ Narendra, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Tony Abbott . Ảnh Internet
Từ trái qua phải: Thủ tướng Ấn Độ Narendra, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Australia Tony Abbott . Ảnh Internet

Tuy nhiên, từ khi đảng BJP của Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền, chính quyền Ấn Độ đã có thái độ dứt khoát hơn và đã tái xúc tiến việc hình thành cơ chế đối thoại 3 bên Ấn - Nhật - Australia về an ninh ở cấp Thứ trưởng ngoại giao. Đối thoại này cũng sẽ mở đường cho 3 nước tiến hành các cuộc tập trận hải quân đa phương trong tương lai.

Thực tế, “cái bắt tay” giữa Ấn Độ - Nhật Bản – Australia dựa trên cơ sở lợi ích chiến lược của mỗi bên và vì những mối quan tâm chung. Dù cách xa về địa lý nhưng Nhật Bản có nhiều điểm tương đồng nhất với Ấn Độ. Họ cùng chung một đối thủ, đó là Trung Quốc trong những cuộc tranh chấp chủ quyền. Còn với Australia, dù không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng hành động vừa qua khi quốc gia châu Á này đưa hải quân đến cực Nam Biển Đông và tuyên bố chủ quyền tại bãi cạn James của Malaysia, Australia đã không thể không lo ngại. Thủ tướng Australia Tony Abbott sau khi nhậm chức đã phát động một số chính sách đề phòng Trung Quốc, từ việc giữ nguyên các căn cứ quân sự của mình, cho phép Mỹ gia tăng quân số ở đây, cho đến áp đặt mức thuế mới vào khoáng sản với Trung Quốc… Nhưng đến thời điểm hiện tại, ông Tony Abbott dường như đã đi một nước cờ xa hơn, cẩn thận hơn ngoài việc liên minh với Mỹ, còn liên minh tay đôi với Nhật Bản, cùng Nhật Bản hợp tác quốc phòng, phát triển vũ khí.

Nói tóm lại, sự nổi lên của Trung Quốc kèm theo “sức nóng” trên Biển Đông thời gian gần đây là lý do khiến Ấn – Nhật – Australia nhận thấy sự cần thiết phải hợp tác với nhau, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Xét về tổng thể Biển Đông được xem là “ngòi nổ” nguy hiểm nhất ở vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đe dọa không chỉ an ninh khu vực Đông Nam Á và ASEAN mà còn đe dọa an ninh của cả châu Á. Các tranh chấp trên biển không còn là tranh chấp song phương giữa Trung Quốc với Nhật Bản, hay với Việt Nam, Philippines mà còn liên quan đến an ninh kinh tế, an ninh hàng hải của cả một khu vực rộng lớn – đó là tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất hành tinh.

Đặc biệt thời gian gần đây, khi Trung Quốc tiến hành xây dựng các bãi đá thành các đảo nhân tạo trên Biển Đông đã khiến tình hình an ninh khu vực trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Nhật Bản, Ấn Độ hay Australia và cộng đồng quốc tế đều quan ngại hành động này của Trung Quốc, bởi đây rõ ràng là một hành động có tính toán và đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông. Theo giới phân tích, hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông nằm trong kế hoạch từng bước của Bắc Kinh nhằm đòi chủ quyền với vùng biển chiến lược này. Như vậy, tất nhiên, tuyến đường hàng hải quan trọng ở đây sẽ chịu sự chi phối của Trung Quốc. Đây là kịch bản mà bất cứ quốc gia nào dù liên quan trực tiếp hay gián tiếp cũng không thể không lo ngại. Trong khi đó, cả Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đều là những quốc gia không chỉ có lợi ích lớn đối với an toàn và an ninh ở Biển Đông, mà còn có lợi ích to lớn đối với an toàn và an ninh của châu Á nói chung. Chính vì thế, 3 nước cùng có nhận thức chung rằng không có sức mạnh bá chủ nào trong khu vực có thể đe dọa được họ. Đây cũng chính là lý do để hình dung về liên minh “vòng cung” Ấn – Nhật – Australia trở nên rõ nét trong tương lai không xa.

Thanh Huyền

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Có một liên minh Ấn - Nhật - Australia trong tương lai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO