Cờ người - Điểm nhấn độc đáo trong các lễ hội mùa xuân
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc đều tưng bừng, nhộn nhịp với các trò chơi dân gian mang những đặc trưng riêng có của mỗi vùng miền dân tộc. Và một trong những điểm nhấn đặc sắc, nổi bật diễn ra trong các dịp lễ tết của Việt Nam đó là Cờ Người - một trò chơi không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn mang đầy tinh thần thể thao, trí tuệ và đậm đà bản sắc dân tộc Việt.
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc đều tưng bừng, nhộn nhịp với các trò chơi dân gian mang những đặc trưng riêng có của mỗi vùng miền dân tộc. Và một trong những điểm nhấn đặc sắc, nổi bật diễn ra trong các dịp lễ tết của Việt Nam đó là Cờ Người - một trò chơi không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn mang đầy tinh thần thể thao, trí tuệ và đậm đà bản sắc dân tộc Việt.
Môn thể thao độc đáo này có nguồn gốc từ đồng bằng Bắc Bộ, tới nay đã được phát triển một cách sâu rộng tới cả các làng, xã trên cả nước. Cờ người là một hình thức đấu trí, một trò chơi thể thao trí tuệ thể hiện rõ tính tập thể và trách nhiệm của người cầm quân. Với bản chất là một môn cờ tướng với các quân cờ được người đóng thế, đây là một trò chơi dân gian đầy tính nhân văn, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, thể hiện nét văn hóa cộng đồng.
Theo văn hóa miền bắc, tiến trình diễn ra cờ người được in đậm dấu ấn của các loại hình nghệ thuật dân gian thông qua các điệu múa truyền thống độc đáo hòa cùng âm thanh của tiếng chiêng, điệu vè. Bàn cờ được chọn là những sân đất rộng hoặc sân tại đình, chùa. Mỗi ván cờ phải đủ 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ là những nam thanh, nữ tú được chọn từ các gia đình nề nếp được dân làng yêu mến và quý trọng. Trong đó, tướng ông và tướng bà sẽ là những người có ngoại hình đẹp nhất và nổi bật nhất trong số 32 quân cờ. Ngoài 32 người chơi trong sân cờ, Cờ người không thể thiếu người thứ 33 là tổng cờ, tức là trọng tài của bàn cờ. Đây là người trực tiếp giúp Ban giám khảo theo dõi việc thắng, thua của cuộc đấu cờ.
Trang phục các quân cờ thường là những bộ quần áo sặc sỡ có thêu biểu tượng của các quân cờ mình thủ vai ở trước ngực và sau áo để dễ phân biệt và tiện cho người xem theo dõi diễn biến ván cờ. Theo quy định, đấu thủ cầm quân đỏ được đi trước, sau đó đến quân đen và luân phiên theo thứ tự cho đến hết. Mỗi lần đi một nước, đấu thủ sẽ gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi.
Nguyên tắc đi quân là mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách. Vào cuộc chơi phải bình tĩnh, tỉnh táo, chủ động không bị phân tán bởi những ý kiến và quan điểm của người xem. Đi một nước phải tính trước 2, 3 nước tiếp theo để khỏi bị bất ngờ trước đối thủ của mình. Cứ thế, Cờ Người diễn ra trong không khí tưng bừng của ngày hội. Cứ mỗi lần ăn quân của đối phương thì quân cờ thể hiện bằng một bài biểu diễn song đấu hoặc một bài tự vệ. Các “quân cờ” phải trải qua sự tập luyện lâu dài và gian khổ vì các đòn thế biểu diễn không phải dễ dàng.
Không giống như không khí nhộn nhịp, tưng bừng của những môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền hay đấu vật, chơi cờ người thường tụ hội rất đông người xem nhưng tất cả đều cố giữ im lặng để người chơi không bị phân tán. Người bình luận không được phép nói trước, khi quân cờ đi rồi mới bình luận về nước đi và ý đồ của mỗi đội. Trong cả quá trình diễn ra trận đấu, cùng với những nước đi trong chiến lược cầm quân của mỗi đội, người người sẽ được hòa mình theo những âm thanh rộn ràng của tiếng chiêng, tiếng trống. Cờ xí, võng lọng bay phấp phới trong nắng xuân hồng, cùng với áo mão của “ba quân tướng sĩ” đã làm sống lại hình ảnh triều đình vua quan thời phong kiến.
Hấp dẫn nhất trong các cuộc thi đấu cờ người chắc chắn là lúc bước vào tàn cuộc. Lúc này thế trận của các “quân cờ” cũng quyết liệt và dữ dội nhất. Cuộc đấu trí càng căng thẳng hơn khi mỗi nước cờ đều có tiếng trống thúc giục. Nếu quân cờ chưa đi thì trống cái bên ngoài lại thúc giục một lần nữa. Bên nào có quân tướng bị chiếu bí là thua. Vì thế, người cầm quân phải thật sự bình tĩnh và tỉnh táo mới có thể đem về chiến thắng cho đội mình.
Cờ người đẹp ở sự bình dị mà tinh tế, trầm tĩnh mà mang đậm nét truyền thống hào hùng của dân tộc. Bởi lẽ đó mà, trò chơi dân gian này thường không hấp dẫn ngay từ đầu mà nó thường ngấm từ từ, khiến người xem phải tập trung theo dõi, không thể bỏ qua chi tiết nào. Và có lẽ, chính bởi những nét đặc trưng đó mà cờ người đã trở thành một thú vui tao nhã trong mỗi dịp lễ tết của người dân Việt Nam. Không chỉ là một trò chơi dân gian truyền thống mà cờ người đã tạo nên điểm nhấn thú vị và đậm đà nét mộc mạc của làng quê Việt trong không khí tưng bừng với sắc xuân trên mọi miền đất nước.
Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, cờ người vẫn luôn giữ cho mình thần thái đặc trưng với vẻ đẹp truyền thống của một trò chơi dân gian trí tuệ. Đây là dịp để mỗi người chơi được sống lại với những trận chiến oanh liệt trong lịch sử với niềm tự hào về những chiến công hiển hách của dân tộc. Tính tao nhã và ý nghĩa truyền thống sâu đậm khiến trò chơi dân gian này có sức sống lâu bền trong cuộc sống, gắn kết hi vọng về bao điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, mang lại niềm tin và hạnh phúc cho mọi người.
Theo Dulich.vn