Có những mùa kéo sợi…

03/05/2014 15:16

(Baonghean) - Có phải vì, từ lâu lắm, tôi đã nghe, đã yêu câu ví phường vải Kim Liên, nên mỗi lần có dịp về quê Bác, tôi luôn mang cảm giác mình đang đi trên con đường bình yên những ruộng bông của hàng trăm năm trước. Cổ xưa và thân thuộc đến thế, những bờ rào dâm bụt, mạn hảo hiện ra trong nắng sớm, trong khói chiều, trong mơ màng trăng suông. Có ai đó, đang hát gọi tôi, hay gọi ai: “Ơi phường vải ơi…”?

Một buổi sinh hoạt của CLB Hát ví phường vải Kim Liên (Nam Đàn).
Một buổi sinh hoạt của CLB Hát ví phường vải Kim Liên (Nam Đàn).

Nhiều năm trước tôi về, thường hay đến gặp ông giáo Nguyễn Hữu Cự, quê Hà Tĩnh nhưng duyên phận lại đưa đẩy gắn với mảnh đất Kim Liên cũng bởi quá say phường vải Kim Liên. Trong cuộc chuyện trò của chúng tôi về phường vải, ông luôn nhắc với tôi về nhà văn Nguyễn Tất Thứ, người con đất Nam Đàn cả một đời đau đáu với câu hát quê hương. Những bài viết về phường vải Nam Đàn của nhà văn Nguyễn Tất Thứ đã được in 10 kỳ trên “Tiểu thuyết thứ Bảy” từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1943 và được Giám đốc Nhà in Tân Dân dự in thành sách với tên gọi “Phường vải Nam Đàn”. Sách đang in dở dang, thì do hoàn cảnh thế chiến lần thứ 2 nổ ra, nhà in phải dời trụ sở, bản thảo bị thất lạc. Rồi qua nhiều biến động, đứa con tinh thần của nhà văn Nguyễn Tất Thứ cũng lưu lạc. 50 năm sau, khi đất nước thanh bình, nhà văn đã cất công tìm lại “đứa con” xưa mà mình không nguôi nhớ thương bằng cách lọ mọ đến từng thư viện trong Nam, ngoài Bắc, lúc này nhà văn đã 81 tuổi.

Bây giờ thì ông Cự cũng đã về bên kia thế giới, ông đã từng mong rằng sẽ được gặp nhà văn Nguyễn Tất Thứ để “cùng hát, cùng nói về phường vải”. Nhiều nghệ nhân phường vải năm nào còn hát cho tôi nghe, giờ cũng đã đi xa. Tôi cứ thầm tiếc nuối, sợ rằng, rồi ví phường vải sẽ bị lãng quên…

Thế nhưng, khi tôi dừng xe trước bãi giữ xe cho khách tham quan quê Ngoại Bác Hồ, hỏi về ví phường vải thì từ cụ bà bán hàng nước, cô bé con đang trông em giúp mẹ, hay người nông dân trên đường ra đồng…, đều sẵn lòng trò chuyện, chỉ dẫn. Chị Nguyễn Thị Yến, người bán hoa quả ở bãi giữ xe Hoàng Trù, bỏ cả gánh hàng đang bán dở để kể chuyện phường vải cho tôi nghe. Trong ánh mắt và giọng nói của chị có cái say sưa của người yêu ví phường vải, có cả niềm tự hào không che giấu của người con Kim Liên trước nét văn hóa đặc sắc quê mình. Chị Yến cho biết bố chồng chị là ông Phan Bá Đẩu, trước đây làm trong lĩnh vực quản lý văn hóa. Ông rất mê phường vải, hay hát phường vải. Bản thân chị Yến cũng rất thích ví phường vải và từng tham gia câu lạc bộ hát ví, nhưng cuộc sống gia đình với bao vất vả lo toan đã cuốn chị trong vòng xoay của nó, để giờ đây ví phường vải chỉ còn là một niềm đam mê xưa cũ. “Em phải gặp người này. Để chị dẫn em đến”, chị Yến nói. Và thế là, theo bước chân chị, tôi được dẫn đến ngôi nhà của bà Vương Thị Nhuân, một người hát phường vải tuổi đã xấp xỉ 90.

Với gương mặt già nua đầy những nếp nhăn, bà Nhuân mỉm cười móm mém đón chúng tôi. Ánh mắt bà sáng lên khi nghe tôi hỏi về phường vải năm nào. Trong giọng nói run run của bà, cả cái quá khứ xa xăm và đầy ắp những kỷ niệm đẹp đẽ ấy hiện về. Đó là những đêm trăng sáng, tiếng quay tơ kéo sợi nhịp nhàng, tiếng mời chào hát ví của phường bà Giám, phường ông Dung Khoái, phường ông Huơ và những đoàn khách. Đó là cô bé Nhuân lũn cũn đi theo chị gái đến ngồi phường vải bà Hoàng Thị An. Đó là những ánh mắt rộn niềm vui, những nụ cười lấp lánh răng đen, những xao xuyến chộn rộn trở về sau mỗi đêm hát ví…

Bà Nhuân kể lại, bà Hoàng Thị An – dì của Bác Hồ - là một người rất thông minh, giỏi chữ Hán. Phường vải của bà nổi tiếng ở Kim Liên, và phải là người hát giỏi, ứng đáp nhanh mới được vào phường vải này. Bà Nhuân nhớ lại, có hôm phường vải bà An “tuyền thi đố Kiều cả”, và nói thêm: “Nếu bên nam không đối đáp giỏi là phường o Lượng (phường bà An) không tiếp mô”. Bà nhắc lại những cái tên bạn bầu từng một thời gắn với ví phường vải bà An như bà Hán, bà Sửu, cả tên những người con đau đáu với phường vải giờ đã mất… Mọi người thường bảo rằng, bà có thể lẫn tên của 5 đứa con, nhưng lời ví xa xưa thì bà vẫn nhớ, vẫn hát. Rồi như muốn trở lại Kim Liên của bao nhiêu năm về trước, muốn trở lại một trong những đêm trăng sáng năm nào, bà Nhuân khẽ cất tiếng hát trong lồng ngực già nua: “Mời chường nhẹ gót vào nhà/ Thung dung rồi sẽ đưa ra đôi lời”, “Mời chường nhẹ gót vào hiên/ Cảnh tiên có cảnh người tiên có người”…

Lần theo con đường nhỏ của xóm Trù 1 - Kim Liên, chị Yến lại dẫn tôi đến gặp ông Trần Văn Tư, một trong những nghệ nhân hiếm hoi có công lưu giữ và truyền dạy hát ví phường vải. Một lần nữa, tôi lại được nghe kể về những đêm trăng xưa của những mùa kéo sợi. Thuở ấy, mới hơn 10 tuổi, cậu bé Tư đã theo anh chị đi hát ví ở phường vải bà Hoàng Thị An. Những ngôn từ giản dị và âm điệu sâu lắng đi vào lòng người của ví phường vải đã làm cậu bé say đắm. Đến các phường vải, các nhà nho khăn áo chỉnh tề, còn trai làng như ông chỉ cần chiếc khăn che mặt để các cô trong phường không nhận ra. Người giỏi chữ nghĩa nhất trong đoàn khách sẽ đảm nhận vai trò làm “thầy gà”, ứng đối lại bên phường vải. Cho đến tận bây giờ, những câu hát ấy vẫn còn mặn mà trong giọng hát run run khàn đục của ông Tư: “Sáng trăng ngồi gốc cây mai/ Bóng mình lại tưởng bóng ai tìm mình/ Ra về nước mắt trông chừng/ Ngóng truông truông rậm, ngóng rừng rừng xa”…

Ông Tư nói, hát ví ở những phường vải xưa “không phải là chuyện bông lơn”, mà là hát nghiêm túc hẳn hoi, có mời chào, có chủ đề, có đối đáp, có khen chê… Người đến chơi phải có lời chào hỏi, có lời mời chị em phường vải. Trước khi bắt đầu hát, bao giờ cũng là câu “Ơi phường vải ơi”. Nếu ca trù khen thưởng bằng tiếng tum chát của trống, thì ở ví phường vải mỗi khi có lời đối đáp hay sẽ được bên kia tặng lời khen trước khi tiếp tục: “Hay ơ rằng hay”… Khi hát thì phải có tuần tự, từ hát dạo cảnh, đến hát chào, hát hỏi, hát mời, hát trữ tình rồi hát ra về… Con người đã gửi tất cả tâm tư, tình cảm của mình vào trong những lời hát ấy. Theo ông Tư, phường vải hay ở chỗ nó thể hiện tài nghệ, văn hóa, trí tuệ của con người. Là thể đối đáp tại chỗ, nên ví phường vải thường được các nhà nho hay chữ tham gia. Bà Hoàng Thị An lại là người biết cả chữ Hán nên những lời đối đáp của bà rất hay, chẳng hạn như: “Sơn sơn xuất an hùng hào kiệt/ Gái nữ nhi ngồi trong bóng nguyệt/ Nguyệt nguyệt bằng quân tử trượng phu/ Chường mà đối được thì thiếp làm tư nhà chường”.

Có nhiều chuyện đối đáp rất thú vị trong phường vải của bà An vẫn thường được kể lại. Có hai ông nhà nho ở Nam Hùng xuống nhởi phường vải của bà, tên Tú San và Hoe Ba, khi hát ra về phường vải bà An đã hát: “Ra về em vẫn ngong chừng/ Ngong trăng nhớ tán, ngong rừng nhớ hoa” (“tán” nghĩa là “tán su”, tức Tú San, còn “hoa” là Hoe Ba). Lại chuyện có người đi buôn vào phường vải này, hát: “Đồn đây có lạng vàng mười/ Bán rồi thì chớ, không để người vào cân”. Phường vải bà An đáp: “Rằng đây có lạng vàng mười/ Bán cho quan tổng đốc, không bán cho người lái buôn”. Người lái buôn đáp lại: “Lái buôn đi khắp chân giời/ Ngọc lành chọn lấy, vàng mười loại ra”… Cứ thế, nhịp nhàng theo tiếng quay xa, hòa vào bầu không gian đẫm trăng của những đêm mùa hạ, vào hương thơm dìu dịu từ những chiếc lá ướt sương trên bờ rào mạn hảo, dâm bụt, tiếng hát ví cất lên nỗi lòng của những “chường”, những “nường” phường vải.

Bao nhiêu năm đã đi qua, những cô bé Vương Thị Nhuân, Hoàng Thị Út, Nguyễn Thị Sửul; những cậu trai Trần Văn Tư, Trần Văn Hào… theo chị, theo anh say phường vải năm nào giờ đã trên dưới 90 tuổi, cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng vẫn nguyên vẹn một tình yêu dành cho ví phường vải. Họ sở hữu một ký ức đầy ắp kỷ niệm và ngọt ngào những câu hát ví, ở đó họ như những diễn viên đang vào vai chính cuộc đời mình, và sân khấu của họ là đêm tràn trề ánh trăng, là quãng đời thanh xuân của họ. Và không chỉ họ, cả những người dân chân lấm tay bùn, những người vì bươn chải với miếng cơm manh áo mà không được theo học trong nhà trường, cũng đều biết đến ví phường vải, yêu mến ví phường vải. Dường như trong họ đều ẩn chứa một tâm hồn nghệ nhân phường vải xưa. Có thể họ không hát, nhưng tâm hồn họ luôn ngân nga những làn điệu…

Tạm biệt Kim Liên, một lần nữa tôi lại được đi trên con đường thân thuộc ấy. Nghe tiếng chân mình lạo xạo trên lớp đá sỏi, trên từng tảng đất nâu cằn cỗi bao năm tuổi mà vẫn gan lỳ với thời gian để cây cối mọc xanh um. Tôi cứ mường tượng về một thuở xưa trên mảnh đất yên bình này, nơi trồng bông dệt vải, nơi những hàng mạn hảo, dâm bụt cứ im lìm trong đêm thanh vắng để uống sương lạnh, uống ánh trăng và chứng kiến bên này đoàn khách nam xếp hàng thành tốp dài háo hức mời chào, đối đáp, bên kia là những cô gái phường vải đang ngồi quay xa, mượn nhịp xa để cất lên tiếng hát của lòng mình… Cái sân khấu ấy đã lùi vào dĩ vãng xa xăm, nhưng may thay nó không bị quên lãng. Các nghệ nhân và người dân ở đây vẫn giữ nó trong thẳm sâu tâm thức họ. Và có vẻ như hồn cốt của ví phường vải xưa đã hóa thân vào mỗi nhành cây ngọn cỏ, mỗi con người nơi đây. Nó có trong từng hơi thở của người dân Kim Liên, nó như một phần máu thịt của họ vậy.

Thùy Vinh

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Có những mùa kéo sợi…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO