Cổ phần hoá doanh nghiệp 'tắc' vì đất đai

Anh Minh 08/06/2022 14:43

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, cốt lõi chậm cổ phần hóa là do vướng mắc chuyển mục đích sử dụng đất và thất thoát thường xảy ra ở đây.

Sáng 8/6, trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, vấn đề thất thoát đất đai, vốn trong cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP HCM) hỏi Bộ trưởng nhận diện thế nào và giải quyết ra sao việc xử lý nhà đất khi cổ phần hóa chậm, nhiều khó khăn, kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp.

Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình), Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cũng đặt vấn đề về vướng mắc trong sắp xếp, xử lý đất đai của doanh nghiệp Nhà nước có diện tích đất lớn, tại nhiều địa phương. Đại biểu băn khoăn đây có phải nguyên nhân chính gây vướng mắc trong thoái vốn, cổ phần hóa.

Ông Nguyễn Thành Công, đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Hoàng Phong

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận: "Thất thoát trong cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp vừa qua chủ yếu từ đất, điển hình như vụ việc tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng Công ty Tân Thuận...".

Ông phân tích, cốt lõi vướng mắc trong cổ phần hoá là chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo quy định hiện nay, việc chuyển mục đích sử dụng đất do UBND tỉnh, thành phê duyệt. Nên khi thuê đất, doanh nghiệp sẽ nộp tiền một lần. Đến khi chuyển sang công ty cổ phần, họ lại xin UBND tỉnh, thành phố phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất lần nữa. Khi đó giá đất được tính lại, nhưng do không sát giá thị trường nên gây thất thoát ở khâu chuyển mục đích sử dụng đất từ Nhà nước sang tư nhân.

Ngoài ra, theo Nghị định 32 của Chính phủ, tài sản doanh nghiệp gắn liền với đất thuê hàng năm thì không được tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nộp tiền đất một năm thì lại được gắn vào giá trị doanh nghiệp. Ông Phớc nói "đây là lỗ hổng cần xử lý để không thất thoát đất đai khi chuyển sang cổ phần hoá doanh nghiệp".

Vừa qua, cổ phần hoá chậm cũng do khâu này, theo người đứng đầu ngành Tài chính. Năm 2021, chỉ 18 doanh nghiệp được thoái vốn, cổ phần hoá được 4 đơn vị, tổng thu ngân sách hơn 4.200 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn sáng 8/6. Ảnh: Hoàng Phong

Ông Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã tham vấn nhiều ý kiến để sửa các quy định về đất đai trong quá trình phê duyệt phương án cổ phần hoá.

Theo đó, sẽ quy định đất thuê của doanh nghiệp Nhà nước để sản xuất kinh doanh, khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần, tư nhân cũng phải sử dụng đúng mục đích này. Nếu họ không có nhu cầu sử dụng thì trả lại, Nhà nước sau đó sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất cho doanh nghiệp, tổ chức đấu giá để thu tiền vào ngân sách.

Ông Phớc nói việc này có lợi là thúc đẩy năng lực nền kinh tế, tức là doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá sẽ nâng cao năng lực sản xuất, chứ không phải sau cổ phần hoá thải hồi công nhân, giải tán doanh nghiệp, rồi đem đất đi bán, lấy địa tô chênh lệch chuyển qua đất ở.

"Địa tô chênh lệch sẽ không rơi vào túi doanh nghiệp, mà do Nhà nước điều tiết", trưởng ngành Tài chính nêu quan điểm.

Đánh giá phần trả lời trên chưa sát câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc Bộ trưởng Bộ Tài chính nói rõ quan điểm, rằng có nên đưa quy trình sắp xếp nhà đất vào quy trình cổ phần hoá thì có hợp lý hay không.

Bộ trưởng Phớc trả lời, việc gắn quy trình sắp xếp nhà đất vào quy trình cổ phần hoá "cũng hợp lý", vì nhà đất là tài sản của Nhà nước thì trước khi chuyển sang phải có sắp xếp.

Ngoài ra, hiện quy định xác định lợi thế thương mại, đưa tiền thuê đất nộp tiền một lần vào giá trị doanh nghiệp... nhiều chuyên gia đánh giá chưa hợp lý. Vì đánh giá lợi thế thương mại hiện chưa có tiêu chí đánh giá chính xác. Nếu đưa vào giá trị doanh nghiệp, "hôm nay có thể cao, ngày mai có thể rẻ". Vì thế, ông nói sẽ sửa quy định này để tránh bị lợi dụng.

Theo VnExpress.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Cổ phần hoá doanh nghiệp 'tắc' vì đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO