Cơ quan tình báo Thổ Nhĩ Kỳ bắt 80 người ở 18 nước
Ankara sử dụng lực lượng tình báo để tiến hành chiến dịch bắt giữ những người bị nghi tham gia đảo chính đang trú ngụ ở nước ngoài.
Các nghi phạm đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt hồi 2016. Ảnh: AP. |
Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt ít nhất 80 người từ nhiều nước, trong nỗ lực truy quét các nghi phạm liên quan đến vụ đảo chính hồi 2016, Washington Post mới đây dẫn lời một quan chức cấp cao ở Ankara.
Theo Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag, các điệp viên nước này đã mở chiến dịch ở 18 quốc gia để tìm kiếm các thành viên thuộc phong trào của giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành. Tuy nhiên ông không tiết lộ tên các nước mà Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch truy bắt và danh tính của 80 nghi phạm.
Chưa rõ các chiến dịch mà ông Bozdag nhắc đến là bắt giữ hay trục xuất cũng như điệp viên Thổ Nhĩ Kỳ có hợp tác với nhà chức trách sở tại hay không. Các tổ chức nhân quyền và truyền thông cho biết Sudan và Pakistan có hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ và trục xuất các thành viên ủng hộ giáo sĩ Gulen.
Tuyên bố được đưa ra một tuần sau khi Thủ tướng Kosovo cho biết có 6 công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị bí mật bắt giữ và đưa ra khỏi nước này. Thủ tướng Kosovo đã sa thải nhiều quan chức cảnh sát do không được thông báo về việc này. Ông Bozdag tuyên bố đây không phải là hành động truy bắt cuối cùng của tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.
"Chúng ta đã tấn công tổ chức khủng bố Feto, ở cả trong nước và quốc tế. Những gì xảy ra ở Kosovo là thành công lớn nhưng nó chỉ là một trong các vụ bắt giữ. Không phải tất cả các chiến dịch đều được công bố", ông Bozdag nói, nhắc đến tên gọi khác của tổ chức được cho là do giáo sĩ Gulen điều hành.
Trong nước, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ hàng chục nghìn người và sa thải hơn 100.000 công chức do bị nghi tham gia vào cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Mỹ dẫn độ ông Gulen, người đang sống ở Mỹ, nhưng Washington cho biết chưa có đủ chứng cứ buộc tội.