Cơ sở pháp lý nào khi chưa tổng kết nhiệm kỳ đã đề nghị giảm bớt bộ máy?
(Baonghean.vn) -Cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, các đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị làm rõ một số nội dung trong các dự án luật này.
Toàn cảnh phiên họp Quốc hội ngày 24/5 Ảnh: TTXVN |
Cho ý kiến vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Nghệ An cho rằng qua nghiên cứu các dự án Luật, đồng thời nghiên cứu báo cáo thẩm tra của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ, cơ bản thống nhất tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội lần đầu; nhất trí tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ nhất, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.
Các đại biểu đoàn Nghệ An tại phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu Trần Văn Mão cho rằng khi sửa đổi cần căn cứ về mặt pháp lý, thực tiễn, các chủ trương, chính sách hiện hành để đạt được mục đích yêu cầu. Dự thảo Luật trình sửa đổi lần này đang nhằm cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế nhưng tập trung nhằm vào cơ quan quyền lực ở địa phương là hội đồng nhân dân các cấp.
Theo đại biểu thì bộ máy quyền lực ở địa phương từ trước đây đến giờ rất ổn định, nếu cứ thay đổi thường xuyên cơ cấu tổ chức của hội đồng nhân dân theo từng nhiệm kỳ sẽ có cách nhìn vào cơ quan quyền lực ở địa phương không thống nhất, không khách quan.
Trước đây bộ máy có Ủy viên Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, 1 Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch HĐND kiêm nhiệm, Trưởng Ban HĐND có thể là chuyên trách, Phó ban là chuyên trách và phải là đại biểu HĐND. Khi sửa Luật đã đề nghị tăng cường quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương và tăng thêm 2 Phó Ban chuyên trách, tăng 1 Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và cấp huyện. Vậy thì, cơ sở pháp lý nào khi chưa tổng kết nhiệm kỳ đã đề nghị giảm bớt bộ máy, trong khi dự thảo Luật không đề cập đến tinh giản biên chế, sáp nhập, chia tách bộ máy cơ quan hành chính Nhà nước.
Cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đại biểu Hồ Đức Phớc -Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đề nghị làm rõ một số nội dung sau: Tại Điều 32, Khoản 2, đề nghị làm rõ: Kiểm định chất lượng công chức trong toàn quốc giao cho ai làm? Có trường đại học, trường đào tạo cán bộ nào làm việc này? Vì có rất nhiều ngành nghề khác nhau, mỗi ngành phải có kiểm định riêng. Vậy giao cho một cơ quan hay một trường thì có đảm bảo chất lượng không?
Đại biểu Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: TTXVN |
Thứ hai, làm thế nào để buộc thôi việc những công chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật?
Thứ ba, bỏ chế độ viên chức trong đơn vị sự nghiệp thì các đối tượng đó có được quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm hay luân chuyển không? Công chức là người trong lực lượng vũ trang không phải là công nhân quốc phòng, không phải sỹ quan, hạ sỹ quan thì sẽ là gì?.
Điều 6, đề nghị giải thích rõ người thế nào là người có tài năng?
Khoản 3, tuyển dụng người là viên chức trong đơn vị sự nghiệp nhưng nếu lãnh đạo muốn sang công chức thì có phải tuyển dụng mới không, nếu tuyển mới thì xếp lương như thế nào?
Cuối cùng, các hình thức kỷ luật. Khoản 3 Tòa án phạt tù giam thì sẽ buộc thôi việc. Theo đại biểu Hồ Đức Phớc chỉ cần kết án tù treo đã phải thôi việc.