"Cổ tích" giữa đời thường
(Baonghean) - Với người dân xóm Tràng Sơn, xã Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, mỗi khi nhắc nhở con cháu học hành, đều lấy tấm gương giàu nghị lực của em Phan Thị Thương để răn dạy. Chân tay không lành lặn, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng liên tục nhiều năm liền Thương đều là học sinh giỏi…
Chúng tôi về xã Tràng Sơn vào một ngày cuối tuần. Cái nắng đầu mùa bỏng rát. Căn nhà nhỏ mới sửa sang của gia đình anh Phan Văn Ngà và chị Nguyễn Thị Tâm nằm sâu trong một ngõ vắng. Nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc bàn xộc xệch và chiếc ti vi cũ kỹ. Anh Ngà và chị Tâm đều đi vắng, chỉ có hai đứa trẻ đang hí hoáy với những xô chậu phía dưới bếp. Thấy có người lạ, hai anh em lên nhà, bẽn lẽn rót nước mời khách. Thương thỏ thẻ: “Bữa ni chủ nhật, cháu nghỉ học mới được về nhà. Cháu học ở trung tâm nhân đạo nên sáng thứ 2 mẹ chở đi, chiều thứ 6 mẹ lại đến chở về”.
Nhìn gương mặt xinh xắn, ánh mắt tròn xoe của Thương, không ai nghĩ em là cô bé mang nỗi đau tật nguyền. Đôi bàn tay chỉ có 2 ngón út, đôi chân không có bàn, mọi sinh hoạt của Thương đều phụ thuộc 2 ngón tay “trời cho” ấy. Thương lấy bút vở ra viết cho chúng tôi xem. Hai ngón tay út giữ chặt lấy bút, Thương uồm mình lên phía trước đầy mệt nhọc. Những nét chữ tròn trịa, ngay ngắn hiện lên khiến tôi cảm phục vô cùng. Thương bảo: “Mới đầu tập viết thì hơi khó một chút, giờ viết quen rồi, có thể viết nhanh được như các bạn”. Nhìn Thương hí hoáy viết, tôi lại nhớ đến hình ảnh thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký trong cuốn sách tập đọc thời tiểu học…
Em Phan Thị Thương tập viết. |
Một lát sau, chị Tâm, mẹ của Thương đi làm đồng về. Khuôn mặt còn nhễ nhại mồ hôi nhưng khi nói đến Thương, đôi mắt chị ánh lên niềm tự hào lẫn chua xót. Chị Tâm chia sẻ: “Thời gian mang thai Thương, tôi đã có những dự cảm chẳng lành. Bởi cái thai trong bụng rất ít khi quấy đạp. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có điều kiện để ăn uống, tẩm bổ. Khi Thương cất tiếng khóc chào đời, tôi không ngờ, đứa con mình đứt ruột sinh ra lại thiếu cả hai chân, hai tay. Thương mình thì ít mà thương con thì nhiều”. Thế rồi, Thương lớn lên trong tình yêu, chở che của gia đình…
Bố Thương, anh Phan Văn Ngà lại đau bệnh thường xuyên nên một mình chị Tâm xoay xở đủ đường. Nhà chỉ có mấy sào ruộng khoán, hằng ngày, bà con lối xóm ai có việc gì thuê, chị Tâm đều gắng gượng làm thêm để nuôi con. Nhiều lúc mệt mỏi, chán nản nhưng nhìn hai đứa con thơ, chị lại không đành lòng buông xuôi. Nhiều đêm, nhìn đứa con gái đáng thương lẽo đẽo ngồi bên cạnh anh học bài, chị hiểu, dù khó khăn đến đâu, chị vẫn phải cho Thương đến trường. Đứa con gái sinh ra đã khiếm khuyết về cơ thể, chị không thể để nó “thiếu chữ” được. Thế rồi, ngày ngày, hai vợ chồng lại thay nhau chở con đến trường. Nhiều hôm anh Ngà ốm, chị Tâm phải chăm chồng ở bệnh viện, không có ai đèo Thương đến trường, em lại thủi thủi ở nhà một mình tập viết. Thương bố mẹ vất vả, hằng ngày, ngoài việc học tập, em còn học cách tự chăm sóc bản thân, khó khăn lắm mới phải nhờ đến bố mẹ.
Những ngày đầu đi học, nhìn con gái cặm cụi tập viết, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, lòng chị quặn thắt. Lúc đó, chị chẳng dám nghĩ đến một ngày, con gái mình sẽ viết được những suy nghĩ của mình ra giấy. Thương con, chị chỉ biết lặng lẽ đồng hành cùng con trên quãng đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Chị cũng không ngờ rằng, cô con gái bé nhỏ của mình lại có một nghị lực phi thường đến vậy. Hằng ngày, ngoài giờ đến lớp, Thương miệt mài tập viết. Có lúc hai ngón tay út đỏ rẫy, khuỷu tay thâm tím. Nhà chẳng có nổi bộ bàn ghế để ngồi học, Thương thường ngồi viết trên giường. Đưa tay gạt những giọt nước mắt, chị Tâm chia sẻ: “Có khi hai ba hôm đi làm về mệt quá không xem con học bài, đến khi lấy vở tập viết ra xem, thấy những dòng chữ ngay ngắn, tôi rất mừng. Không ngờ con gái lại giỏi thế”. Nhờ có thầy cô và bạn bè động viên, giúp đỡ, Thương tiến bộ rất nhanh, nhiều năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Sang năm học lớp 2, Thương được chuyển về học tại Trung tâm nhân đạo huyện Đô Lương. Ngày đầu mới xa nhà, Thương tỏ ra dè dặt, chị Tâm nhiều đêm nhớ con không thể chợp mắt. Thế nhưng, với nghị lực phi thường, cô học trò nhỏ đã nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới. Nhìn đứa con nuôi mãi không chịu lớn, chị lo lắng, sau này, Thương có đủ sức khỏe để chống chọi được số phận nghiệt ngã? Với chị, Thương không ốm đau, bệnh tật là chị hạnh phúc lắm rồi. Những gì Thương làm được hôm nay đã vượt quá sự mong đợi của chị. Không chỉ học giỏi, Thương còn nhiệt tình giúp đỡ những bạn học kém hơn nên được bạn bè và thầy cô rất yêu quý. Giờ đây, trung tâm đã trở thành ngôi nhà thứ hai của Thương.
Năm nay Thương 10 tuổi, trông em chẳng lớn hơn các bạn học sinh lớp một là bao. Chỉ có ánh mắt của em là đã bớt phần thơ dại. Bởi cô bé nhỏ bé ấy đã ý thức được khiếm khuyết trên cơ thể mình, ý thức được tương lai. Trong thoáng mắt tư lự, em chợt hỏi tôi: “Em không có chân có tay thì học được những ngành gì chị nhỉ?”. Câu hỏi của em khiến tôi giật mình. Thương không còn vô tư của một cô bé lên 10 nữa.
Người xưa có câu: “Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay”, với Phan Thị Thương, chỉ với 2 ngón tay nhỏ bé, em đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường bằng ý chí và nghị lực. Thương chưa bao giờ nghĩ đến, một ngày kia mình sẽ bỏ dở sự học. Bao ước mơ, dự định vẫn đang ấp ủ. Thương chính là ngọn lửa thắp sáng những khát vọng sống, khát vọng vượt lên số phận. Trò chuyện với em, tôi cảm thấy như được tiếp thêm nghị lực và niềm tin yêu cuộc đời. Rồi đây, Thương sẽ viết tiếp những câu chuyện cổ tích giữa đời thường của những người đi trước như Nguyễn Ngọc Ký, Hoa Xuân Tứ…
N.L