"Cỗ xe tăng" Đức ngăn xe bọc thép Nga!

04/03/2014 10:37

(Baonghean) - Khi phương Tây hậu thuẫn thành công việc lật đổ Tổng thống Yanukovich ở Ukraina và dựng nên chính phủ mới thân phương Tây, dư luận không khỏi nóng lòng chờ đợi xem “bộ đôi” Tổng thống Putin và Thủ tướng Mevedev sau khi “lo liệu” xong xuôi Olympic mùa Đông Sochi 2014 sẽ “ứng xử” ra sao để đảm bảo các lợi ích Nga ở Ukraina.

Không phụ lòng chờ đợi của những người tin tưởng vào sức mạnh Nga, “đế chế” hùng mạnh Putin-Mevedev đã lập tức thể hiện thái độ không bỏ rơi Ukraina bằng tuyên bố khẳng định trách nhiệm can thiệp dựa trên các cơ sở pháp lý. Nói là làm, ngay sau đó quân đội Nga đã có mặt và kiểm soát gần như trọn vẹn bán đảo Crimea mà không phải dùng đến súng đạn. Tuy nhiên, khi dư luận thế giới đang lo ngại về khả năng diễn ra “Chiến tranh lạnh lần 2” hoặc “đại chiến thế giới lần 3”, thì Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kịp thời tháo ngòi nổ để tránh những đụng độ mà nếu xảy ra thì hậu quả thật là khôn lường.

Không phải Trung Quốc – một thế lực mới “trỗi dậy” đang có quan hệ lợi ích khá gần gũi với Nga, cũng chẳng phải Pháp – một quốc gia mới được Mỹ tôn lên làm đồng minh hàng đầu, mà chính nước Đức đã xuất hiện đúng lúc và đảm nhận sứ mệnh “can gián” cuộc đụng độ hoàn toàn có thể sẽ xảy ra giữa Nga và Ukraina, mà thực chất là giữa hai ông lớn Nga và Mỹ. Khi bánh xe bọc thép cùng với đầy đủ các lực lượng hải – lục – không quân Nga hùng dũng tiến về Ukraina và dễ dàng kiểm soát “tiền đồn” Crimea, người ta nghĩ rằng phía Nga sẽ chủ động nổ súng tấn công vì Ukraina lúc này “nước xa không cứu được lửa gần”, cùng với đó là hiện trạng một Ukraina chẳng khác mấy cảnh vườn không nhà trống với nền kinh tế suy kiệt và bộ máy chính trị mới dựng còn hết sức non yếu.

Dù cho phương Tây cực lực phản đối và đa số nước trong G8 đang đe dọa từ chối cuộc họp tại Nga, nhưng nước Nga cũng không thể “chùn chân” bởi 3 cơ sở pháp lý được Quốc hội nhất trí: Để bảo vệ căn cứ hải quân Nga ở Crimea do Chính phủ Ukraina ký kết cho phép Nga sử dụng đến năm 2042; Để bảo vệ công dân và tài sản của Nga trên lãnh thổ nước khác theo Nghị quyết về trách nhiệm bảo vệ của Liên Hợp quốc thông qua năm 2005; Để đáp ứng lời kêu cứu của Thủ tướng cộng hòa tự trị Crimea về việc đề nghị Nga có mặt để giúp đỡ Cộng hòa tự trị này bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ và an ninh. Ấy vậy nhưng, chỉ sau một cuộc điện đàm xuất phát từ phía Thủ tướng Merkel, Tổng thống Putin đã chấp thuận “đối thoại chính trị” để giải quyết vấn đề Ukraina. Theo thông cáo báo chí của Chính phủ Đức cho hay, nội dung cốt lõi mà cuộc điện đàm đạt được chính là việc Tổng thống Putin đã chấp thuận đề nghị của Thủ tướng Đức nhằm thành lập ngay một nhóm điều tra cũng như một nhóm liên lạc dưới sự lãnh đạo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) gồm 57 quốc gia, trong đó có các nước thuộc Liên minh châu Âu, Nga, Ukraine và Mỹ, nhằm mở ra một cuộc đối thoại chính trị.

Điều đáng nói là trước sự cứng rắn của phía Nga, Thủ tướng Đức vẫn không ngần ngại “cáo buộc nhà lãnh đạo Nga vi phạm luật quốc tế bằng sự can thiệp không thể chấp nhận được vào Crimea”, khu vực tự trị phía Nam Ukraine. Cơ sở mà nữ chính trị gia lão luyện này vin vào chính là việc Nga đã vi phạm bản ghi nhớ Budapest năm 1994 về đảm bảo an ninh mà Nga đã cam kết tôn trọng độc lập và chủ quyền của Ukraine cũng như hiệp ước năm 1997 về Hạm đội Biển Đen của Nga, đang đóng quân tại Crimea. Bản ghi nhớ Budapest đã được Anh, Ukraine, Nga và Mỹ ký kết với nhau. Do đó, bà Merkel yêu cầu ông Putin phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Tuy nhiên, thông cáo từ điện Kremlin cho hay Tổng thống Putin dù đồng ý tiến tới đối thoại chính trị nhưng ông vẫn kiên quyết bảo vệ hành động của Nga trong việc chống lại “lực lượng chủ nghĩa dân tộc cực đoan” ở Ukraine và khẳng định các biện pháp được thực thi cho đến này là “hoàn toàn thích hợp” với các cơ sở pháp lý vững chắc (như đã nói ở phần trên). Điện Kremlin cũng đồng thời khẳng định cần phải tiếp tục “các cuộc tham vấn dưới cả hình thức song phương lẫn đa phương nhằm hợp tác để bình thường hóa tình hình chính trị xã hội ở Ukraine”.

Nếu cuối năm 2013 Nga đảm nhiệm thành công nhiệm vụ tháo ngòi nổ để tránh một cuộc tấn công quân sự có giới hạn của Mỹ đối với Syria, nay đến lượt Đức đứng ra dàn hòa cho một cuộc đụng độ là “vô giới hạn” giữa Nga và thế lực thân phương Tây mới được dựng lên tại Ukraina. Tuy nhiên, vấn đề Syria đến nay vẫn chưa có thể gọi là ổn thỏa, và những vấn đề xung đột về lợi ích giữa Nga và Ukraina lại càng chưa đâu vào đâu. Dư luận thế giới bây giờ lại tập trung hướng về phía Đức để chờ xem “cỗ xe tăng” Đức có thực sự ngăn cản được bánh xe bọc thép của Nga!

Chí Linh Sơn

Mới nhất

x
"Cỗ xe tăng" Đức ngăn xe bọc thép Nga!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO