Coi chừng… thua trên sân nhà

20/02/2013 19:04

(Baonghean) - Sự lo lắng là không hề thừa khi dạo quanh thị trường Nghệ An ngay trong dịp tết vừa qua, các ky ốt và siêu thị ở TP Vinh bên cạnh các sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng đã xuất hiện sản phẩm đến từ những thị trường lâu nay được coi là “sân sau” của hàng Việt Nam như rượu, bia của Lào hay gạo của Campuchia. Điều đáng nói là các sản phẩm trên giá không hề rẻ, như gạo của Campuchia có giá 18.000 đồng/kg; bia Lào tại siêu thị có giá cao hơn một số loại bia trong nước.

Nước ta nói chung và Nghệ An nói riêng là nơi có nhiều nhà máy bia và công suất sản xuất rượu, bia hàng năm còn xếp vào hàng “top ten” thế giới. Sản phẩm này đã có chỗ đứng trên thị trường và hàng năm nạp ngân sách khá. Nước ta là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, trong đó xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới khi 3 năm lại đây xuất trên dưới 7 triệu tấn/năm.

Bên cạnh đó, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, chè… cũng đứng đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu.

Khi hội nhập vào kinh tế thế giới và để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, chúng ta chấp nhận một số sản phẩm, hàng hóa cao cấp thương hiệu mạnh thế giới đồng nghĩa với giá cao thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Thế nhưng, cách xuất hiện của các sản phẩm trên, nhất là các sản phẩm đến từ thị trường vốn không phải là thế mạnh của họ, khiến chúng ta phải suy nghĩ. Thậm chí khi so sánh với gạo và bia trong nước có chủng loại và giá tương đương, sản phẩm của nước bạn có mẫu mã còn “bắt mắt” hơn nên có khách hàng sau một thoáng chần chừ đã chọn sản phẩm mới trên để dùng thử xem thế nào.

Là người Việt Nam, chúng ta xót xa khi hàng ngày ra chợ, vào siêu thị chứng kiến mặt hàng bia, rượu hay gạo chất lượng tương đương nhau nhưng do được đầu tư về công nghệ chế biến và có mẫu mã bao bì đẹp, nên mặc dù hàng ngoại giá đắt gấp 2, gấp 3 lần vẫn được người tiêu dùng lựa chọn.

Đành rằng, khi đất nước đã hội nhập sâu vào thị trường thế giới, hàng hóa của chúng ta thâm nhập thị trường nước bạn thì ngược lại, hàng nước bạn cũng có thể vào nước ta nhưng việc các sản phẩm không hơn của chúng ta cũng “chen chân” và cạnh tranh được với sản phẩm trong nước thì không thể không lo lắng.

Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, một chuyên gia cao cấp về quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Hội nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2005 của nước ta là một thành công nhưng thắng lợi chỉ thật sự khi các doanh nghiệp chúng ta biết nắm cơ hội, đưa thương hiệu, sản phẩm của mình từ sản xuất cho thị trường 90 triệu dân ra toàn thế giới. Ngược lại, nếu không làm được điều đó thì nước ta sẽ là thị trường tiêu thụ béo bở cho cơ sở sản xuất nước ngoài. Một lúc nào đó, người tiêu dùng vì quyền lợi của chính mình hết kiên nhẫn với hàng nội thì nền sản xuất trong nước sẽ ra sao? Nói chúng ta đứng trước nguy cơ “thua trên sân nhà” là ở chỗ đó!


Nguyễn Hải

Mới nhất
x
Coi chừng… thua trên sân nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO