Coi trọng việc quản lý các công trình cấp nước
Phần lớn những công trình cấp nước tự chảy ở các huyện miền núi không phát huy được hiệu quả (chiếm hơn 86% công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh). cùng với đó, nhiều công trình cấp nước tập trung tại vùng trung du, đồng bằng có vốn đầu tư lớn, nhưng cũng rơi vào tình trạng kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, là do công tác quản lý yếu kém của chính quyền địa phương cũng như của người được hưởng lợi.
(Baonghean) - Phần lớn những công trình cấp nước tự chảy ở các huyện miền núi không phát huy được hiệu quả (chiếm hơn 86% công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh). cùng với đó, nhiều công trình cấp nước tập trung tại vùng trung du, đồng bằng có vốn đầu tư lớn, nhưng cũng rơi vào tình trạng kém hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này, là do công tác quản lý yếu kém của chính quyền địa phương cũng như của người được hưởng lợi.
Hiện tại, địa bàn nông thôn Nghệ An có trên 430 công trình, hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Ích Xuân - Trưởng phòng Kế hoạch - Trung tâm nước sinh hoạt & VSMTNT Nghệ An cho biết: “Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh được đầu tư từ 3 nguồn vốn, gồm của chương trình MTQG nước sạch & VSMTNT, chương trình cụm xã, chương trình 134/CP, 135/CP, chương trình TF…; Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của các tổ chức quốc tế như UNICEP, JACA, OXPAM, DANIDA… và nguồn đóng góp của người dân. Do nhiều kênh về nguồn vốn đầu tư, nên quy trình, công nghệ sản xuất nước sạch và cả mô hình quản lý công trình cũng rất đa dạng, nên đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý của các cấp, ngành liên quan”.
Được biết, hiện nay tại địa bàn các huyện miền núi có hơn 370 công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy (chiếm hơn 86% công trình cấp nước tập trung trên địa bàn). Các công trình này thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư thông qua chương trình cụm xã, chương trình 134/CP, 135/CP, chương trình TF… và nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của các tổ chức quốc tế. Do các công trình cấp nước tự chảy sau khi hoàn thành được bàn giao lại cộng đồng tự quản lý, sử dụng, nên thực sự không phát huy được hiệu quả.
Trong quá trình khai thác, sử dụng nước sạch từ công trình tự chảy tại cộng đồng, không giao trách nhiệm cho người quản lý cụ thể, hoặc phân công nhưng cũng không đảm đương được công việc, vì không có trình độ chuyên môn… do vậy khi một số công trình chỉ bị sự cố nhỏ, hoặc hư hỏng nhẹ, không được sửa chữa kịp thời đành bỏ phí cả công trình tiền tỷ. Mặc dù các ngành chức năng đã nhiều lần khuyến cáo và đầu tư vốn tu sửa lại một số công trình tự chảy, nhưng sau khi bàn giao lại cho cộng đồng quản lý, chỉ một thời gian ngắn lại không khai thác được.
Cũng theo ông Xuân - Trưởng phòng Kế hoạch - Trung tâm nước sinh hoạt & VSMTNT: “Để công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy phát huy được hiệu quả, trước hết cần tiến hành khảo sát tại các huyện miền núi, qua đó đánh giá thực trạng và phân loại, để rồi có phương án cụ thể đối với từng công trình cấp nước. Tại những công trình đã hư hỏng nặng, cần dỡ bỏ, còn các công trình có thể khôi phục được sẽ tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để sửa chữa lại phục vụ cho bà con. Tuy nhiên, công việc cấp bách nhất hiện nay là phải tiến hành kiện toàn lại bộ máy quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy và nhất thiết người phụ trách phải có chuyên môn về lĩnh vực cấp nước, cùng với đó cần gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vấn đề này, nơi nào để xẩy ra tình trạng công trình hư hỏng, xuống cấp, cần được xử lý kịp thời”.
Công trình nước sạch ở Khu tái định cư Huôi Duộc - Huôi Man (khu tái định cư thủy điện Hủa Na - Quế Phong) chưa phát huy được hiệu quả.
Trong hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt ở tỉnh ta, cấp nước bơm dẫn (công trình cấp nước tập trung) là mô hình hoạt động có hiệu quả nhất, do áp dụng cách quản lý theo hình thức HTX, tổ hợp tác. Thông qua đó xây dựng được phương án hoạt động – kinh doanh cụ thể và nhờ tạo được nguồn thu (thông qua việc bán nước sạch) các HTX, tổ hợp tác đã có vốn để tái sản xuất, mở rộng hệ thống đường ống nước… Điều này có thể thấy rõ tại các nhà máy cấp nước ở Hưng Nguyên, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành…
Thực hiện việc xã hội hóa trong lĩnh vực cấp nước, vừa qua Trung tâm nước sinh hoạt & VSMTNT Nghệ An đã tiến hành nhận quản lý 3 nhà máy nước sạch tại Hưng Nguyên (gồm nhà máy nước Hưng Tân, Hưng Thắng và Hưng Phúc). Ông Nguyễn Hữu Trung - Cán bộ phòng quản lý cấp nước - Trung tâm nước sinh hoạt & VSMTNT cho biết: “Những nhà máy này trước đây do địa phương quản lý, nhưng do thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên công trình hoạt động kém hiệu quả. Sau khi bàn giao, Trung tâm nước sinh hoạt & VSMTNT đã tăng cường thêm cán bộ kỹ thuật, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh phù hợp và cung cấp đầy đủ hóa chất phục vụ cho xử lý nước… Nhờ đó chất lượng nước sạch được bảo đảm, giảm tỷ lệ thất thoát nước và mở rộng mạng đường ống phục vụ thêm được nhiều khách hàng.
Đến nay, các nhà máy này đều phát huy hiệu quả”. Nhà máy nước sạch Hưng Phúc sau khi bàn giao về Trung tâm nước sinh hoạt & VSMTNT quản lý, đã có thêm nhiều khách hàng ký kết hợp đồng tiêu thụ nước sạch, hiện nay có 686 khách hàng, trong thời gian tới sẽ mở rộng mạng đường ống sang các xã lân cận để khai thác hiệu quả công suất của nhà máy 388m3/ngày. Nhà máy nước Hưng Tân, sau khi được bàn giao cũng đã có phương án sản xuất – kinh doanh hiệu quả, hiện có 814 khách hàng sử dụng nước sạch và mở mạng đường ống cấp nước sang Hưng Xá phục vụ thêm 670 khách hàng. Nhà máy nước Hưng Thắng, ngoài việc cấp nước cho 651 hộ còn mở rộng sang Hưng Tiến với 550 khách hàng…
Rõ ràng, với các mô hình quản lý HTX, tổ hợp tác hay đơn vị chuyên ngành thì các công trình cấp nước sinh hoạt ở nông thôn đã phát huy được hiệu quả. Đây cũng là cách làm hay, để các cấp, ngành và nhất là các huyện miền núi nghiên cứu, học hỏi để đổi mới cách quản lý, nhằm bảo đảm được tính bền vững cho các công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy.
Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh