Con cuông: Báo động tình trạng học sinh bỏ học

16/08/2014 09:18

(Baonghean) - Toàn huyện Con Cuông hiện có 50 trường học của 4 cấp học, bao gồm: 14 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 14 trường THCS (trong đó có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS), 2 trường THPT. Tổng số học sinh đến thời điểm cuối năm học 2013 - 2014 là 14.215 em. Theo thống kê của Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông, cập nhật đến ngày 15/4/2014, trên địa bàn có 141 học sinh bỏ học vì nhiều nguyên nhân.

Học sinh người Đan Lai tại điểm trường bản Cò Phạt (Trường Tiểu học Môn Sơn 3 -Con Cuông)
Học sinh người Đan Lai tại điểm trường bản Cò Phạt (Trường Tiểu học Môn Sơn 3 -Con Cuông)

Trong tổng số 141 học sinh bỏ học trong năm học 2013 – 2014 có đến 72 em cấp THCS. Cá biệt có những trường số học sinh bỏ học cao như: THCS Yên Khê 15 em, THCS Thạch Ngàn 13 em, THCS Châu Khê, THCS Lục Dạ cùng có số lượng 9 em… Qua tìm hiểu, cô giáo Đinh Thị Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Yên Khê cho biết, học sinh của trường bỏ học vì nhiều nguyên nhân, có cả khách quan lẫn chủ quan. Trong số 15 học sinh của Trường THCS Yên Khê bỏ học thì có 13 em ở vùng trong, cách trường từ 8 – 10 km. Đó là các bản, làng như Trung Chính, Trung Hương. Cô giáo Đinh Thị Hà chia sẻ: “Nếu nói vì gia đình quá khó khăn mà các em bỏ học là chưa đúng mà còn bởi nhiều yếu tố khác cộng lại. Một số em do học lực yếu, số khác ý thức học tập kém, một số phải ở nhà trông em, theo người lớn làm ăn xa…” Hiệu trưởng Trường THCS Yên Khê cho biết, ngay từ khi các em vào lớp 6 nhà trường đã vận động các gia đình, phụ huynh tạo điều kiện cho con em đến trường. Vậy nhưng tình trạng bỏ học rải rác ở các lớp vẫn xảy ra.

Trên địa bàn huyện Con Cuông hiện có 2 trường cấp 3 là Trường THPT Con Cuông và THPT Mường Quạ. Đến cuối năm học 2013 – 2014, tổng số học sinh của Trường THPT Con Cuông là 1.135 và THPT Mường Quạ là 319 em. Tại 2 trường này có 69 em bỏ học, trong đó, Trường THPT Con Cuông có 48 em. Nguyên nhân của tình trạng này, theo thầy giáo Lê Đăng Vinh – Hiệu trưởng nhà trường là do học sinh yếu kém chiếm tỷ lệ cao, lâu nay Trường THPT Con Cuông tuyển đầu vào rất thấp, chỉ cần 0,25 điểm mỗi môn thi. Bên cạnh đó nhiều học sinh nhà cách trường từ 30 - 40 km nên các em phải thuê nhà trọ ở thị trấn, phải tự lo lắng việc ăn ở, sinh hoạt nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập. Điều đặc biệt, số học sinh bỏ học phần nhiều rơi vào lớp 10. “Học được một thời gian thấy anh, chị đi miền Nam làm ăn nên các em cũng bỏ học đi theo. Trong khi đó, gia đình, phụ huynh chưa dành sự quan tâm cần thiết đối với việc học tập của con em” - thầy giáo Lê Đăng Vinh cho biết. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học là do chế độ, chính sách của Nhà nước về với các trường, đến học sinh quá chậm. Như năm học vừa qua, mãi đến cuối học kỳ II, thời điểm các em học sinh lớp 12 đã tốt nghiệp thì tiền hỗ trợ theo Quyết định 85 mới về đến nơi.

Từ nhiều năm nay, học sinh các khu vực miền núi, khó khăn đang được hưởng các chế độ hỗ trợ của Nhà nước theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Theo đó, mỗi em học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn, ở bằng 50% mức lương tối thiểu, trong đó 40% hỗ trợ tiền ăn, 10% tiền ở; học sinh nội trú được hưởng 80% mức lương tối thiểu. Ngoài ra các em còn được hưởng chế độ trợ cấp gạo hàng tháng theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ vở viết cho học sinh tiểu học... Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều phụ huynh, học sinh và các trường học ở Con Cuông thì lâu nay chỉ có trợ cấp gạo là đảm bảo đúng thời gian, còn tiền hỗ trợ học tập rất chậm. Chính vì vậy, không những không khuyến khích, động viên được học sinh mà gây ra tình trạng chán nản cho các em và gia đình. Qua trao đổi, ông Phan Anh Tài – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông cho hay, lâu nay số tiền hỗ trợ dành cho học sinh theo quy định đến cuối mỗi học kỳ mới được chuyển về. Trong khi đó, Phòng GD&ĐT huyện cũng như các trường trên địa bàn đã nhiều lần đề xuất tỉnh nên chuyển tiền hàng tháng để các trường chủ động phân khai, giao cho mỗi học sinh hoặc gia đình nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện kịp thời.

Thực tế cho thấy, tình trạng học sinh bỏ học và việc chi trả chế độ trợ cấp chậm không chỉ xảy ra ở huyện Con Cuông mà đang diễn ra đối với các huyện miền núi, nơi chiếm phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn. Vì vậy, ngành Giáo dục cần phải tính toán lại. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả nhằm góp phần tạo điều kiện tốt hơn cho học sinh vùng cao đến trường. Bởi điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhất là chính sách đối với vùng đồng bào khó khăn.

Đào Tuấn

Con cuông: Báo động tình trạng học sinh bỏ học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO