Con Cuông: Hiệu quả từ giống cam Vân Du

26/08/2013 18:24

(Baonghean) - Con Cuông một thời nức tiếng với giống cam truyền thống. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, giống cam truyền thống đã “thất truyền”. Hiện nay, huyện đang tập trung khôi phục lại bằng giống cam truyền thống Vân Du trong nước mang lại giá trị kinh tế.

Các già làng ở Yên Khê tâm sự: Giống cam truyền thống ở Con Cuông có từ rất lâu đời, người bản địa thường gọi là “quả kiềng” vỏ dày phơn phớt vàng, bổ ra màu vàng óng, ăn vào có mùi vị thơm ngon đặc trưng. Giống cam này chủ yếu được gieo bằng hạt, tuy nhiên, thời gian cho quả lại kéo dài 7-8 năm. Trước đây nhiều gia đình trồng theo kiểu tự cung, tự cấp nên năng suất thấp. Một thời gian người dân chặt bỏ giống cam này thay thế bằng các loại giống cây trồng khác, cùng với nhiều lý do khác giống cam này hiện đã bị mất gốc.

Ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết: Từ năm 2004 đến nay huyện Con Cuông đã thực hiện Đề án “khôi phục cây cam giai đoạn 2004-2015”. Xã Yên Khê chủ yếu đưa vào trồng giống cam Vân Du (giống cam trong nước) bước đầu mang lại hiệu quả rõ nét. Nhiều hộ dân nhờ trồng cam đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí làm giàu.

Dọc đường vào bản Tân Hương bên những vách lèn đá là ngút ngàn màu xanh của cam. Ông Lô Văn Cư ở bản Tân Hương đang chăm sóc vườn cam xởi lởi: Theo đề án khôi phục cam của huyện, năm 2007 gia đình tôi vay tiền đầu tư trồng 1 ha cam giống Vân Du. Huyện hỗ trợ 70% giá giống cam, tôi quyết định trồng diện tích cam lớn là vùng đất quanh chân núi đá vôi này tầng đất rất phù hợp để trồng cam. Qua 4 năm, có thể khẳng định giống cam Vân Du ở Yên Khê phát triển nhanh, sức kháng bệnh tốt, bây giờ là thời điểm cho quả bói. Cam Vân Du quả tròn đều và vỏ mỏng, có vị ngọt thanh.

Năm 2011 vườn cam của ông Cư cho thu nhập trên 300 triệu đồng, năm 2012 thu nhập trên 400 triệu đồng. Nhìn vườn cam chi chít quả, ông Cư khoe: Cam giai đoạn 5-6 tuổi trở lên mới đạt năng suất cao, vụ này chắc trúng to, dự tính mỗi gốc đạt trên 50 kg quả. 400 gốc đạt 20 tấn, bán với giá 20.000 đ/kg đạt 800 triệu đồng. Theo như ông Cư thì, đầu ra cho cam rất thuận lợi, bởi từ lâu cam Con Cuông đã có tiếng khắp vùng. Vào mùa thu hoạch, các tư thương từ khắp nơi đi xe máy, ô tô vào tận vườn mua với giá từ 20.000 đồng -22.000 đồng/kg. Trừ chi phí đầu tư, năm nay có lẽ phải thu về khoảng 600 triệu đồng.



Vườn cam Vân Du của gia đình anh Lương Văn Hải ở bản Tân Hương, Yên Khê, Con Cuông.

Kế bên là vườn cam của anh Lương Văn Hải. Chỉ cách đây hơn 2 năm, gia đình anh Hải khó khăn lắm, nhưng nay đã trở thành tỷ phú. Anh Hải kể: Trước đây vùng đất này đã từng trồng giống cam sành nhưng thất bại, chúng tôi định chuyển sang trồng chè, thì năm 2006 được huyện, xã vận động, gia đình tôi mạnh dạn trồng 1,2 ha cam giống Vân Du (500 gốc). Nhờ chăm sóc đúng với quy trình kỹ thuật nên 3 vụ thu hoạt đạt bình quân trên 300 triệu đồng/vụ.

Vụ cam 2013 khoảng tháng 10 âm lịch sẽ cho thu hoạch, tình hình phát triển của vườn cam đến thời điểm này cho thấy rất khả quan, cây cho quả đều đạt khoảng trên 50 kg quả/gốc. Dự tính, cho thu nhập trên 900 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi từ 500-600 triệu đồng. Theo như anh Hải kể thì giống cam Vân Du khá dễ trồng nhưng phải tuân thủ quy trình chăm sóc. Nếu chăm sóc thừa dinh dưỡng, cây mau hợp tán, quả ít. Cam luôn cần lượng nước để đảm bảo sinh trưởng, tuy nhiên, vùng Yên Khê thường xuyên bị khô hạn. Để đối phó với hạn thì gia đình anh Hải kết hợp với lao động thuê mượn tập trung vun gốc, phủ các loại lá cây làm mát gốc. Dùng xe bò lốp chở thùng phi vào tận khe suối để lấy nước tưới cho cam.

Ông Vi Văn Đậu - Chủ tịch UBND xã Yên Khê cho biết: Đến thời điểm này Yên Khê có trên 50 ha cam (chủ yếu giống cam Vân Du), trong đó có gần 10 ha cam hàng hóa đã cho thu hoạch. Bước đầu giống cam Vân Du mang lại giá trị kinh tế cao và thay thế giống cũ bản địa trước đây hoàn toàn hợp lý. Để đa dạng hóa giống cam, trong năm Yên Khê đang triển khai trồng trên 2 ha giống cam V2, (cam chín muộn) nhằm đáp ứng thị trường Tết Nguyên đán. Năm 2012, Yên Khê đã được UBND tỉnh quyết định phê duyệt đầu tư sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất cây chè, cam kết hợp cấp nước sinh hoạt, tổng trị giá gần 15 tỷ đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng với bà con Yên Khê, dự án thủy lợi này hoàn thành sẽ đảm bảo nguồn nước tưới cho cam, đây là điều kiện để bà con “dám” đầu tư thâm canh để tăng năng suất cam.

Ông Nguyễn Ngọc Thái - Trưởng Trạm Khuyến nông Con Cuông cho hay: Đến thời điểm này toàn huyện trồng được trên 90 ha (giống cam Vân Du), chủ yếu tập trung nhiều nhất ở các xã Yên Khê, Bồng Khê… Giống cam Vân Du đã khẳng định được ưu thế trên đất Con Cuông, cho năng suất và chất lượng tốt. Khách hàng ưa chuộng, vào mua thu hoạch, các tư thương lên tận nơi để mua, có thời điểm “khan” hàng. Loại giống này được chọn lọc từ những cây gieo hạt của giống cam Sunkist ở Trại nghiên cứu cam Vân Du (Thanh Hoá), trồng nhiều ở các nông trường vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh trong những năm 70 - 80. Cây cao trung bình, tán gọn có gai trên cành, thích nghi rộng. Năng suất cao, khối lượng quả trung bình 180 - 200 gam/quả, có 10 - 15 hạt/quả, ngon thơm, thu hoạch vào tháng 10 - 11.

Theo đề án, đến năm 2015 Con Cuông sẽ trồng trên 250 ha cam, như vậy diện tích cam trồng chưa đạt chỉ tiêu. Nguyên nhân là: Đầu tư cho cây cam cần phải vốn lớn, mặc dù huyện đã quan tâm về cơ chế, chính sách như hỗ trợ giống cam và hỗ trợ lãi suất vốn vay vay 20 triệu đồng/hộ, nhưng nhiều hộ dân chưa đủ điều kiện để trồng cam. Thời điểm này, Con Cuông đang triển khai trồng 30 ha cam: Yên Khê 28 ha, còn lại ở Thạch Ngàn. Trong đó có 4 ha cam V2 được trồng ở Yên Khê 2 ha và xã Thạch Ngàn 2 ha còn lại là giống cam Vân Du. Về cơ chế, chính sách huyện hỗ trợ về kỹ thuật và 25.500 đồng/cây giống.

Để khắc phục khó khăn về kinh phí, nhiều hộ dân ở Con Cuông đã liên doanh, liên kết góp vốn để trồng cam. Hy vọng tương lai không xa Con Cuông sẽ là vùng cam nổi tiếng, cây cam sẽ giúp người dân ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.
Bài, ảnh:


Văn Trường

Con Cuông: Hiệu quả từ giống cam Vân Du
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO