Con đường lập nghiệp của Danh

28/07/2014 21:19

(Baonghean) - Nằm ngay mặt đường Nguyễn Du, Thành phố Vinh, đoạn gần trạm thu phí cầu Bến Thuỷ có một tiệm sửa chữa xe máy luôn đông khách, được mở chừng 8 năm nay. Nhờ uy tín, chất lượng phục vụ tốt mà tiệm sửa chữa xe máy mang tên Thành Danh không chỉ ăn nên, làm ra mà đây còn là địa chỉ tin cậy của nhiều thanh niên tìm đến học nghề.

Anh Nguyễn Viết Danh hướng dẫn cho thợ sửa chữa.
Anh Nguyễn Viết Danh hướng dẫn cho thợ sửa chữa.

Ghé cửa hàng vào lúc đông khách nên dù có đến 4-5 người làm nhưng vẫn tất bật. Chủ cửa hàng là anh Nguyễn Viết Danh, một thanh niên mới ngoài 30 tuổi. Mỗi khi có khách tới, anh nhanh nhẹn lại hỏi thăm, tư vấn tận tình. Thái độ phục vụ nhiệt tình ấy đã tạo thiện cảm và níu chân khách hàng trong nhiều năm qua. Tạm dừng công việc, anh Danh kể về những ngày đầu lập nghiệp. Là con thứ hai trong gia đình có hai chị em, bố mất sớm (lúc anh đang học cấp 2). Hồi đó, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo ở phường Trung Đô.

Cuộc sống nghèo khó đã hun đúc quyết tâm làm ăn. Tốt nghiệp cấp 3, anh Danh tìm đến Trung tâm dạy nghề thành phố xin học. Anh chỉ học nghề trong vòng 3 tháng, vừa đỡ tốn chi phí, vừa nhanh có nghề để có thể kiếm tiền. Học xong, anh bắt đầu tìm đến các cửa hàng sửa chữa xe máy lớn trong thành phố vừa học vừa làm. Năm đầu tiên anh đi làm thợ phụ không lương để tích lũy kinh nghiệm trong công việc và nâng cao tay nghề. Bước sang năm thứ 2, thứ 3, tay nghề đã vững hơn nên anh được trả lương. “Hồi đó, mức lương những thợ như chúng tôi chỉ được trả chừng 300 nghìn đồng/tháng. Sau 3 năm vừa học vừa làm tôi cũng đã tích luỹ cho mình được một số kinh nghiệm và tự tin để mở cửa hàng riêng. Do ít vốn, gia đình tôi phải vay mượn hơn chục triệu đồng để thuê cửa hàng, sắm các máy móc, đồ nghề. Nếu cứ an phận làm thợ thì mãi cũng chỉ có mức lương lao động làm thuê nên tôi quyết tâm mở cửa hiệu riêng để làm chủ” – anh Danh chia sẻ.

Thời gian đầu mở cửa hàng (cách đây 10 năm), một mình anh vừa sửa chữa, vừa đi lấy phụ tùng, vừa phải trang trải tiền thuê ốt, mua trang, thiết bị và trả nợ ngân hàng nên thu chỉ đủ bù chi. Sau đó, anh chuyển sang địa điểm mới, vị trí cửa hàng của anh khá thuận lợi nằm ngay mặt đường Nguyễn Du, lại có vỉa hè rộng, vị trí dễ hút khách. Lấy uy tín, chất lượng phục vụ làm trọng nên khách hàng đến với cửa hàng của anh ngày một đông. Để đáp ứng nhu cầu của khách, anh Danh tuyển thêm các thợ phụ. Có nhiều người đến với cửa hàng lúc chưa thạo nghề, nhưng được anh tận tình “cầm tay chỉ việc” nên tay nghề ngày một cao và gắn bó với cửa hàng. Bởi với anh, hầu hết những người đến xin học nghề ở đây đều ở quê, hoàn cảnh khó khăn, cũng như bản thân anh ngày trước. Bởi vậy, anh coi anh em thợ, học việc như những người thân thiết, nhiệt tình giúp đỡ chỉ dạy cho họ. Sự tận tình của chủ cửa hàng cùng với môi trường làm việc tốt đã ngày càng thu hút nhiều thanh niên tìm đến xin học việc.

Sau chừng 5 năm, cửa hàng sửa chữa của anh có thêm nhiều người làm, anh Danh mạnh dạn đầu tư thêm máy móc; máy làm lốp xe ga, ô tô, máy bắn hơi để phục vụ các nhu cầu đa dạng của khách hàng. Vừa tạo nhiều cơ hội việc làm cho anh em thợ. Các loại máy móc công nghệ thay đổi theo thời gian nên khi có một loại xe, công nghệ mới ra đời, anh đều cập nhật, nghiên cứu thông tin. Anh còn tự tìm hiểu, liên hệ với các hãng sản xuất xe máy lớn để được tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật ngắn hạn nhằm trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề. Những kiến thức mà anh có được anh đều truyền đạt lại một cách tỷ mỷ, đầy tâm huyết cho anh em thợ và học việc. Anh vừa kể vừa nhẩm tính khoảng 5 năm lại đây đã có khoảng 20 thanh niên đến theo học nghề ở cửa hàng và còn theo đuổi nghề. Nhiều người sau khi có tay nghề đã về quê mở cửa hàng, làm ăn phát đạt như: anh Dương ở Khánh Thành (Yên Thành), anh Tình ở Xuân Lâm (Nam Đàn)…

Khi đang dở câu chuyện thì một thợ phụ đến nhờ anh hướng dẫn vì gặp “ca bệnh khó”. Anh hướng dẫn tỉ mỉ cho thợ sửa, rồi cẩn thận kiểm tra và giao cho khách. Rồi anh giới thiệu: “Đây là em Nguyễn Văn Sơn, quê ở Hưng Lợi (Hưng Nguyên), học nghề ở cửa hàng đã được 2 năm nay”. Gia đình khó khăn nên học xong lớp 12, Sơn học nghề để kiếm kế mưu sinh. Được bạn bè giới thiệu, Sơn tìm đến cửa hàng anh Danh học việc. Sau 2 năm vừa học nghề, vừa là thợ phụ tại cửa hàng, đến nay, Sơn đã có tay nghề khá vững vàng. Sơn chia sẻ: Mặc dù không có điều kiện theo học nghề tại các trường, trung tâm nhưng học việc tại cửa hàng cũng là cách học hiệu quả. Ngoài tự học lý thuyết ra, em còn quan sát những thợ khác làm để tự tích luỹ kinh nghiệm. Vừa học, em còn được thực hành luôn. Ban đầu có những khó khăn thì anh Danh là người chỉ dạy, hướng dẫn cụ thể. Nhờ vậy, tay nghề của em được nâng cao. Trong thời gian học nghề này, những thợ phụ như chúng em còn được trả lương 3 triệu đồng/tháng. Em dự định là vừa học, vừa làm tiếp một thời gian nữa sau đó về quê mở cửa hàng sửa chữa xe máy phục vụ người dân trong xã”.

Với anh Danh, làm nghề sửa chữa đòi hỏi người thợ luôn phải cần cù, chịu khó, luôn biết học hỏi và lắng nghe ý kiến của khách... Có như vậy, người thợ mới có thể phát triển nghề nghiệp thành công. Ngoài đảm nhận vai trò là thợ chính, cửa hàng của anh còn có 3 thợ phụ, một học việc nhưng công việc vẫn làm không xuể. Mỗi ngày, cửa hàng của anh nhận sửa chữa xe máy và thay lốp ô tô cho khoảng 15 -20 khách; trong đó có cả những khách hàng là lái xe của những hãng taxi lớn. Nhờ vậy, thu nhập bình quân hàng tháng của anh 15 – 20 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí, trả lương cho thợ.

Mong muốn của ông chủ trẻ Nguyễn Viết Danh là mở rộng quy mô cửa hàng, trang bị thêm các loại máy móc để hướng tới phát triển dịch vụ sửa chữa tận nhà. Đồng thời, chuyển đổi sang sửa chữa ô tô để phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Cùng với đó, anh cũng mong tạo thêm các cơ hội việc làm cho nhiều thanh niên đồng thời dạy nghề cho họ, giúp họ tự lập nghiệp ở các vùng quê.

Đinh Nguyệt

Mới nhất
x
Con đường lập nghiệp của Danh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO