Con hư tại bố hay tại mẹ?

18/04/2015 13:37

Khi những đứa con trong một gia đình hư hỏng người ta thường đổ lỗi cho người mẹ. Nhưng những nghiên cứu tâm lý lại cho thấy trẻ nhỏ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách cư xử của người cha. Vậy “con hư” là “tại mẹ” hay “tại bố’?

Theo quan điểm cũ, những đứa con trưởng thành và hình thành nhân cách ra sao chủ yếu phụ thuộc vào sự dạy dỗ của người mẹ. Bởi thế cho nên mới có câu “con hư tại mẹ” và người mẹ, bên cạnh những lời tán dương khi những đứa con ngoan ngoãn giỏi giang còn phải nhận trách nhiệm nếu đứa trẻ phạm lỗi. Trong khi đó trách nhiệm của người cha thì hoàn toàn không được nhắc đến.

Người cha đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển và trưởng thành của con trẻ? Liệu có phải “con hư” chỉ do “tại mẹ” hay không? Điều đó đã được hé lộ khi cuộc nghiên cứu về những ông bố bắt đầu.

Người đầu tiên nghiên cứu về ảnh hưởng của người cha đến nhân cách con trẻ là nhà tâm lý học đã về hưu Ronald Rohder. Ông phát hiện ra rằng những đứa trẻ được gần cha thường cư xử ấm áp và chừng mực hơn những đứa trẻ chỉ được mẹ chăm sóc.

Kết quả cho thấy tầm ảnh hưởng từ cách cư xử của cha và mẹ lên những đứa trẻ là tương đương nhau. Thậm chí người cha còn có ảnh hưởng lớn hơn từ một số khía cạnh. Chẳng thế mà mỗi gia đình đều có “nếp nhà” và con cái được xem như tấm gương phản chiếu lại lối sống của cha mẹ chúng.

Năm 2012, trong bài báo Nhân cách và Tâm lý xã hội, Rohder và các đồng nghiệp của ông đã công bố những kết quả nghiên cứu của mình. Trong đó khẳng định một đứa trẻ thiếu sự yêu thương sẽ rất dễ trở thành một kẻ hay cáu bẳn và có những cảm xúc không ổn định.

Thậm chí, kết quả của hơn 500 nghiên cứu còn cho thấy những đứa trẻ thiếu sự quan tâm của cha thường có biểu hiện tiêu cực hơn những đứa trẻ thiếu sự quan tâm của mẹ.

Khi người cha không quan tâm hoặc giữ thái độ thờ ơ với con trẻ, các em thường gặp những vấn đề về cách cư xử, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, thậm chí nghiện ma tuý hoặc phá phách ngay cả khi vẫn nhận được tình yêu thương vô điều kiện của người mẹ.

Điều này đã cho thấy rất rõ ràng cho tầm quan trọng của người cha trong quá trình nuôi dạy con cái, và khi “con hư” người cha cũng phải nhận trách nhiệm tương đương, thậm chí nhiều hơn người mẹ.

Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi bác sĩ tâm thần Raul Ramchandani, Đại học Imperial London, trong những năm đầu đời việc nhận được sự yêu thương từ người cha có tác động rất lớn đến sự phát triển của con, giúp những các em cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của mình.

Có sự khác biệt rất rõ ràng trong cách cư xử và khả năng xã hội giữa những em bé được cha quan tâm và những em bé không nhận được điều này, ngay từ khi các bé mới được vài tháng tuổi. Điều này còn dễ nhìn thấy ở những bé trai hơn cả ở những bé gái.

Trẻ nhỏ học hỏi những điều khác nhau ở cha và mẹ của chúng. Những người mẹ luôn tập trung dạy con cái mình về lòng biết ơn, cách cư xử đúng mực và sự khiêm nhường trong khi một người cha dạy con về tính cạnh tranh và độc lập, sự can đảm, dám làm dám chịu, dám chấp nhận rủi ro đồng thời truyền cảm hứng về lòng tốt, sự tín nhiệm và tình yêu thương mà không cần bất cứ một quy tắc hay giới hạn rõ ràng nào.

Khác với sự cưng chiều của mẹ, một người cha luôn biết cách nói “không” với những yêu cầu của con và chỉ giúp đỡ khi thực sự cần thiết. Người cha luôn cho con cơ hội trải nghiệm, tự giải quyết vấn đề, được thất bại và được làm lại.

Dĩ nhiên, việc một đứa trẻ trở nên hư hỏng và có những suy nghĩ lệch lạc không thể gán hết trách nhiệm cho riêng cha hay mẹ của chúng. Cha là mặt lý trí, mẹ là mặt tình cảm định hình nền tảng cho tính cách và nhân cách của những đứa con và cùng phải có trách nhiệm cùng con gìn giữ, xây đắp từ chính nền tảng ấy.

Người cha, giống như mẹ cũng là nhân tố quyết định trong việc dạy dỗ con cái và cần quan tâm đến hạnh phúc và sự phát triển của con giống như mẹ vẫn làm.

Năm mươi năm trước đây, việc một người đàn ông vào bếp nấu ăn và chăm sóc con cái thật nực cười, nhưng hiện tại chính những điều đó tạo nên một người cha đích thực.

Theo Depplus.vn/MASK

Mới nhất
x
Con hư tại bố hay tại mẹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO