Còn nhiều trở ngại

(Baonghean) - Qua 10 năm thực hiện đề án xây dựng thiết chế văn hóa-thể thao (VH-TT) đồng bộ và phát triển đời sống văn hóa cơ sở, đến nay, tỉnh ta đã có 83% số phường, xã xây dựng thiết chế VH-TT (397/480 phường xã), gần 100% phường, xã có quy hoạch đất xây dựng thiết chế và có đội ngũ chuyên trách VH-TT từ 1-3 người. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra vẫn rất lớn về nhiều mặt.

Qua nhiều lần điều chỉnh, cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng thiết chế VH-TT cơ sở vẫn là một khó khăn lớn nhất. Do nhiều nguyên nhân như biến động giá cả thị trường, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thủ tục hành chính phiền hà…, mức hỗ trợ quá thấp so với yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, việc quy hoạch đất xây dựng thiết chế VH-TT cũng là một vấn đề giải nhất. Dù đã có gần 100% số phường xã và hơn 60% số thôn bản đã có quy hoạch đất dành cho thiết chế VH-TT nhưng phần lớn lại chưa đạt chuẩn về diện tích. Với miền núi cần có kinh phí lớn san ủi mặt bằng, với đồng bằng, đô thị là kinh phí đền bù, hơn nữa nếu là đồng bằng còn gặp thêm khó khăn khi cần mở rộng vào đất nông nghiệp, nếu làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng phải được Chính phủ phê duyệt. Nhiều địa phương cả cấp phường, xã và thôn bản đã xây dựng được nhà văn hóa, sân vận động lại cũng rơi vào khó khăn tương tự là khó đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ VH-TT&DL quy định (cả sức chứa và diện tích). Chúng tôi có dịp khảo sát một số xã ở Quỳnh Lưu có thiết chế VH-TT khá đồng bộ như Quỳnh Văn, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Đôi… thực trạng chung khó đạt chuẩn là phổ biến, các xã đều đạt 100% số xóm xây được nhà văn hóa, sân chơi thể thao nhưng hầu hết đều chưa đạt chuẩn. Bà Huỳnh Thị Quỳnh, Phó Chủ tịch xã Quỳnh Bảng cho hay, Quỳnh Bảng có 18 xóm đều xây dựng được thiết chế VH-TT nhưng chỉ 2 xóm gần đạt chuẩn, nhiều thiết chế VH-TT đang xuống cấp, nay theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới lại càng khó đạt chuẩn.

Bản Nật Dưới xã Châu Hoàn (Quỳ Châu) đón nhận danh hiệu Đơn vị văn hoá.

Ảnh: Anh Tuấn

Với các địa phương miền núi tuy có được hỗ trợ từ ngân sách nhưng đến nay số xã được hỗ trợ chưa nhiều, xã được hỗ trợ xây nhà văn hóa thì chưa có sân vận động hoặc ngược lại, do nhiều yếu tố nên khó khăn đặt ra là mức hỗ trợ vẫn còn quá thấp, trước 2009 mới từ 140-560 triệu đồng/nhà văn hóa, sau 2009 nâng lên 700 triệu đồng/nhà văn hóa, nhưng thực tế phải từ 2-3 tỷ đồng/nhà văn hóa mới đạt chuẩn theo quy định của Bộ VH-TT&DL. Tương tự mức hỗ trợ xây dựng sân vận động cấp xã từ 100-200 triệu đồng/sân, nhưng thực tế để đạt chuẩn phải từ 1-2 tỷ đồng đồng/sân. Mức hỗ trợ xây dựng thiết chế VH-TT cấp thôn bản lại càng khó khăn hơn, chẳng hạn đến nay mức hỗ trợ 10 triệu/nhà văn hóa vẫn chưa thực hiện được với các làng bản miền núi. Do đó, ở nhiều địa phương miền núi số làng bản xây được nhà văn hóa, sân vận động rất thấp, số đã xây được phần lớn lại bị xuống cấp càng khó khăn hơn. Chẳng hạn huyện Quế Phong vẫn còn tới 146 thôn bản chưa có nhà văn hóa (mới có 48/194 thôn bản), 12 thôn bản chưa có sân chơi thể thao, 74 thôn bản chưa có hệ thống loa phát thanh, huyện Tương Dương  mới có 93/154 thôn bản có nhà văn hóa nhưng lại có 34 nhà đã xuống cấp, 87 thôn bản chưa có sân chơi thể thao, huyện Kỳ Sơn còn 121/189 thôn bản chưa có nhà văn hóa (chiếm 64%).

Mặt khác, kinh phí phục vụ cho các hoạt động VH-TT cấp xã đã khó khăn, cấp thôn bản càng khó khăn hơn. Theo quy định từ cơ chế, chính sách, hàng năm cấp xã được ngân sách đầu tư cho các hoạt động VH-TT từ 60-80 triệu đồng, nhưng rất ít địa phương đảm bảo đạt tới 60 triệu đồng/năm. Với các địa phương miền núi do ngân sách quá eo hẹp, tỷ lệ hộ nghèo cao nên lại càng khó khăn. Do khó khăn về nguồn lực nên hoạt động vận hành các thiết chế VH-TT cơ sở là rất hạn chế, chủ yếu vào các dịp có ngày lễ, Tết mới có hoạt động.

Thêm một khó khăn nữa là về địa điểm đặt các thiết chế VH-TT chưa thuận lợi với người dân. Chẳng hạn với các thiết chế cấp xã như hội trường kiêm nhà văn hóa, thư viện, phòng truyền thống… thường đặt trong khuôn viên trụ sở xã nên người dân e ngại lui tới thường xuyên. Hơn nữa phòng đọc, phòng truyền thống cấp phường, xã hầu hết còn nghèo nàn về sách báo, tài liệu nên tác dụng rất hạn chế. Ngay cả Bưu điện văn hóa xã được đầu tư khá lớn nhưng vẫn thường xuyên vắng vẻ, khó phát huy tác dụng, bởi với vùng đồng bằng đã “bị bão hòa” về nhu cầu thông tin, với miền núi do giao thông cách trở.

Để khắc phục những khó khăn trong xây dựng và vận hành các thiết chế VH-TT cơ sở, thời gian tới, các địa phương từ cấp thôn bản trở lên đều phải đưa mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và vận hành các thiết chế VH-TT của địa phương mình thực sự là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên, do vậy phải được đưa vào Nghị quyết của cấp ủy, HĐND và các đoàn thể quần chúng. Các công việc về xây dựng và vận hành thiết chế VH-TT từ khâu quy hoạch đất đến việc huy động các nguồn lực là công việc của toàn dân, cần phải làm đúng quy trình theo quy chế dân chủ cơ sở. Về huy động nguồn lực xây dựng và vận hành thiết chế VH-TT, các địa phương, nhất là miền núi cần năng động sáng tạo lồng ghép các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp, kể cả các tổ chức phi chính phủ quốc tế, đồng thời có cơ chế nhằm phát huy nguồn lực từ xã hội hóa trong nhân dân. Mặt khác, các địa phương cần chú trọng củng cố, tăng cường hoạt động của các tổ chức đoàn thể quần chúng, các CLB… để phát huy hiệu quả các thiết chế VH-TT. Kinh nghiệm từ nhiều địa phương cho thấy, nơi nào các hoạt động đoàn thể, các CLB mạnh thì việc xây dựng và phát huy các thiết chế VH-TT cũng nâng lên.

Mai Hồ Minh

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.