“Con sẽ từ chối uống nước giặt giẻ lau bảng“
Mẹ hỏi Nhím: "Nếu bị cô giáo phạt uống nước giặt giẻ lau bảng thì con sẽ làm gì?".
Khi Nhím từ Pháp về Việt Nam ăn Tết, thầy giáo gửi danh sách các câu hỏi của các bạn cùng lớp muốn tìm hiểu về đất nước quê hương của Nhím. Một bạn đặt câu hỏi: “Việt Nam đã kí vào công ước quyền trẻ em hay chưa, trẻ em có được đến trường, có được quan tâm hay không?”. Tất nhiên câu trả lời của Nhím là “Có”.
Cách dạy trẻ tư duy sớm của mẹ Nhật. Ảnh minh họa |
Thế nhưng hàng ngày, mẹ Nhím đọc tin tức, những câu chuyện ngay trong môi trường giáo dục thật sự đau lòng.
Gần đây nhất là chuyện cô giáo phạt học sinh lớp 3 uống nước giặt khăn lau bảng, chỉ vì em nói chuyện riêng trong lớp.
Dù lỗi của em học sinh là gì, thì hình phạt của cô giáo cũng man rợ và thiếu tính người.
Mẹ đem chuyện này hỏi Nhím, giờ đã là học sinh lớp 5, rằng nếu trong trường hợp đó, con sẽ làm gì. Nhím bảo sẽ từ chối không uống vì thấy như thế là quá độc ác, không ai có thể súc miệng bằng nước bẩn như thế được.
Mẹ hỏi tiếp, nếu giả như cô dọa dẫm, sẽ mách với ba mẹ rằng ở lớp con hư thì sao? Nhím trả lời không chần chừ:
“Ôi! Con thà bị ba mẹ mắng, còn hơn phải súc miệng bằng nước bẩn. Nếu cô phạt như thế, lúc về nhà con sẽ nói với ba mẹ, và hôm sau đi học con sẽ nói với hiệu trưởng để đuổi việc cô ấy luôn. Người như thế không nên làm cô giáo”.
Mẹ cảm thấy rất vui mừng với cách xử lý tình huống của Nhím. Trong mắt mẹ, con luôn là một cô bé nhút nhát và yếu đuối, mong manh và dễ vỡ, nhưng lại cũng có bản lĩnh và lập trường của riêng mình.
Một may mắn của Nhím là được lớn lên trong môi trường trẻ con được lắng nghe, được quan tâm, bảo vệ và tôn trọng, vì thế nên không ngại ngần thể hiện quan điểm, tiếng nói của mình. Trẻ em cũng ít khi phải chịu sự áp đặt vô lý từ người lớn cho nên dễ dàng phản ứng, không chấp nhận những hành động bất thường.
Kể cả ở nhà cũng vậy, ba mẹ hiếm khi đem quyền làm cha mẹ để ép Nhím làm việc nọ việc kia, chỉ đưa các lựa chọn, phân tích thiệt hơn rồi cho tự quyết định.
Khi bình luận về câu chuyện cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước bẩn, một người quen - là một người hoạt động tích cực trong các vấn đề liên quan đến trẻ em - có nói rằng trong khi chúng ta chưa thể điều chỉnh được cô giáo, môi trường giáo dục hay xã hội, thì hãy bắt đầu thay đổi từ trong gia đình.
Bố mẹ hãy dạy cho con cách nêu quan điểm, khả năng tự vệ cũng như các phép tắc ứng xử phù hợp trong các môi trường, từ đó, con biết cách từ chối khi bị ai đó yêu cầu con làm những việc không đúng.
Mình cũng khá băn khoăn về lời khuyên này, vì xã hội, văn hóa Việt Nam còn nặng tính áp đặt, kiểu trẻ con phải nhất nhất nghe lời người lớn. Nhất là đối với trẻ, thầy cô có những uy quyền nhất định khiến chúng nó răm rắp nghe, thậm chí, nhiều bố mẹ ở nhà không chỉ bảo được con, còn nói với cô rằng "trăm sự nhờ cô".
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mình thấy, đúng là muốn thay đổi, thì phải thay đổi toàn diện, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài.
Trước khi mong chờ những chuyển biến tích cực từ bên ngoài thì ngay chính trong gia đình, bố mẹ phải thay đổi trước đã, đừng áp đặt, mà hãy biết lắng nghe, biết tôn trọng quan điểm, ý kiến và tiếng nói của con trẻ trong nhà.