Công an huyện Nam Đàn giải quyết đơn khiếu nại của công dân
(Baonghean) - Nhận Phiếu chuyển đơn số 41.PC/BĐ/BNA đề ngày 20/1/2015 của Báo Nghệ An, kèm theo đơn của ông Hồ Đình Thắng. Theo đơn, ông Hồ Đình Thắng khiếu nại: Vụ án giải quyết không khách quan; Trong vụ án có Phạm Viết Ý cùng tham gia nhưng cơ quan điều tra không xử lý, sau khi sự việc xảy ra cơ quan CSĐT không cho ông Thắng đi giám định ngay mà để khi điều trị xong mới cho đi giám định; Đề nghị cơ quan điều tra cho giám định lại thương tật.
Ngày 7/1/2015, Công an huyện Nam Đàn có Công văn số 141/CSĐT báo cáo kết quả giải quyết đơn khiếu nại của ông Hồ Đình Thắng, xóm 3, xã Khánh Sơn (Nam Đàn) với nội dung sau:
Nội dung vụ việc:
Vào khoảng 17 giờ, ngày 18/7/2014, ông Phạm Viết Lộc (SN 1953), xóm 3, Khánh Sơn 1, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn đang đứng ở đoạn đường liên xã thì thấy ông Hồ Đình Thắng (SN 1974), trú tại xóm 3, Khánh Sơn 1, xã Khánh Sơn đi xe máy qua. Do bức xúc trong việc ông Thắng nói với người khác về con của mình (Phạm Viết Ý, SN 1990) là "tham ô, hủ hóa, lấn đường..." và không đồng ý để chi bộ xét đề nghị kết nạp Đảng cho Phạm Viết Ý, nên ông Lộc chặn xe ông Thắng, dùng tay phải đấm vào mặt ông Thắng làm ông Thắng bị thương. Thấy bố đánh ông Thắng, sợ ông Thắng tấn công lại bố mình, Phạm Viết Ý có sẵn chiếc gậy tre trên đường đi xin mỡ (mỡ bôi trơn các động cơ xe máy) về đã dùng gậy này đánh xuống đường làm gãy chiếc gậy, mục đích là ngăn không để 2 người đánh nhau nữa. Cùng lúc này ông Lộc sợ Ý đánh ông Thắng nên nói "Đây là việc của tau, mi không được can dự vào". Ông Thắng lùi lại được khoảng 60m thì được mọi người can ngăn. Sau đó ông Thắng đi bệnh viện 115 điều trị.
Các hoạt động điều tra đã tiến hành:
- Sau khi sự việc xảy ra, Công an xã Khánh Sơn đã đến hiện trường, lập biên bản sự việc, biên bản xem xét dấu vết trên thân thể ông Thắng, biên bản thu giữ vật chứng là chiếc gậy tre, đồng thời ghi lời khai đối với ông Phạm Viết Lộc, Phạm Viết Ý, ghi lời khai các nhân chứng. Đến ngày 20/7/2014, Công an Khánh Sơn đã ghi lời khai ông Hồ Đình Thắng tại nhà riêng. Do ông Thắng có đơn đề nghị giám định thương tật nên ngày 28/7/2014, Công an Xã Khánh Sơn đã chuyển toàn bộ hồ sơ lên Công an huyện Nam Đàn để giải quyết theo luật định. Công an huyện Nam Đàn đã tổ chức điều tra, xác minh, trưng cầu giám định thương tật cho ông Hồ Đình Thắng. Ngày 28/8/2014, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Nghệ An có kết luận giám định số 205-14/TTPY gửi đến Công an huyện Nam Đàn kết luận tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe của ông Hồ Đình Thắng là 2%.
Căn cứ tài liệu chứng cứ thu thập được, cơ quan điều tra kết luận hành vi cố ý gây thương tích của ông Phạm Viết Lộc đối với ông Hồ Đình Thắng chưa đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích theo Điều 104, Bộ Luật hình sự nên đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 33, ngày 28/9/2014 và xử lý hành chính đối với ông Phạm Viết Lộc theo Điểm a, Khoản 2, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013 "Đánh nhau, hoặc xúi giục người khác đánh nhau bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng (ông Lộc đã chấp hành xong). Ngày 28/9/2014 cơ quan CSĐT có Thông báo số 61 về việc không khởi tố vụ án hình sự gửi đến ông Hồ Đình Thắng.
Ngày 30/9/2014, VKSND huyện Nam Đàn có Thông báo số 77 đồng ý quyết định không khởi tố vụ án số 33 ngày 28/9/2014 của cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đàn là có căn cứ đúng quy định tại các Điều 107, 108 của Bộ Luật tố tụng hình sự.
Ông Hồ Đình Thắng không đồng ý với kết luận điều tra của cơ quan CSĐT và kết luận giám định của Cơ quan Giám định pháp y tỉnh Nghệ An nên có đơn đề nghị giám định lại.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đàn đã hướng dẫn ông Thắng làm đơn đề nghị giám định lại. Sau khi có đơn đề nghị giám định lại của ông Thắng, cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đàn đã trưng cầu giám định lại thương tật cho ông Hồ Đình Thắng tại Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an.
Ngày 17/12/2014, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an có Kết luận số 4642/C54, kết luận: Tỷ lệ phần trăm tổn hại sức khỏe tại thời điểm giám định của ông Hồ Đình Thắng là 2% (hai phần trăm).
Như vậy, việc điều tra của cơ quan công an là khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Về hành vi của Phạm Viết Ý, quá trình điều tra ngoài lời tố cáo của ông Thắng ra không có tài liệu nào phản ánh Ý có tham gia đánh ông Thắng. Do đó, không đủ căn cứ xử lý Ý.
Việc Phạm Viết Ý đi nước ngoài làm ăn là được chính quyền địa phương làm thủ tục cho Ý từ năm 2013 đến tháng 8/2014, Phạm Viết Ý được cơ quan chức năng của Đài Loan cấp thị thực nhập cảnh vào Đài Loan để lao động theo hợp đồng lao động giữa cơ quan tuyển dụng lao động Việt Nam và phía Đài Loan. Sau khi có đủ giấy tờ cần thiết, Phạm Viết Ý đã sang Đài Loan, đó là quyền lợi của công dân được pháp luật quy định. Phạm Viết Ý không bỏ trốn ra nước ngoài như đơn nêu.
Việc ông Thắng khiếu nại cơ quan điều tra không tiến hành trưng cầu giám định thương tích ngay sau khi ông bị thương mà đợi đến khi điều trị khỏi mới giám định. Về vấn đề này tại Điểm a, Khoản 3, Điều 155 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định: "Nguyên nhân chết người, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động”. Do đó, muốn xác định mức độ tổn hại sức khỏe của người bị thương thì phải đợi khi nào người đó điều trị ổn định mới có căn cứ xác định mức độ tổn hại sức khỏe.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đàn đã thông báo cho ông Hồ Đình Thắng về kết quả giải quyết đơn (3 lần).
Vậy, cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đàn báo cáo đến Báo Nghệ An biết, trả lời công dân.
Công an huyện Nam Đàn