Công an Nghệ An hướng dẫn cách phòng tránh lừa đảo qua mạng viễn thông

26/08/2017 08:43

(Baonghean.vn) - Đến nay đã có 7 trường hợp bị một nhóm đối tượng giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông với số tiền gần 2 tỷ đồng. Vậy, làm thế nào để phòng tránh, không bị sập bẫy lừa đảo của nhóm đối tượng này.

» Nghe cú điện thoại, bị lừa 200 triệu đồng

7 nạn nhân bị lừa gần 2 tỷ đồng

Sau khi Báo Nghệ An đăng tải bài viết về trường hợp ông Nguyễn Văn Đ. (SN 1947, trú phường Hưng Dũng, TP Vinh) bị một nhóm đối tượng giả danh công an lừa đảo bằng hình thức qua mạng viễn thông, nhiều bạn đọc phản ánh họ từng nhận được những cuộc gọi tương tự.

Chị Trần Thị Mai, nhân viên văn phòng một cơ quan trên địa bàn TP Vinh cho biết: Có một người xưng là nhân viên viễn thông, gọi vào số máy bàn phòng làm việc và thông báo tôi đang nợ hơn 8 triệu tiền cước điện thoại. Họ còn hướng dẫn tôi bấm phím để biết thông tin cụ thể nhưng tôi nghĩ là lừa đảo nên dập máy.

Ông Nguyễn Văn Đ. vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc mình bị lừa. Ảnh: P.B
Ông Nguyễn Văn Đ. (trú phường Hưng Dũng, TP Vinh) vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự việc mình bị lừa 200 triệu. Ảnh: P.B

Hình thức lừa đảo này tuy mới xuất hiện ở Nghệ An nhưng trong thời gian qua đã có nhiều nạn nhân sập bẫy. Ngày 20/8, ông Nguyễn Thanh H. (SN 1958, trú khối 11, phường Hà Huy Tập, TP Vinh) đang ở nhà một mình thì điện thoại bàn đổ chuông.

Với cách thức tương tự chúng đã sử dụng với ông Đ. ở phường Hưng Dũng, các đối tượng trên đã chiếm đoạt của ông H. 400 triệu đồng. Hay như trường hợp của ông Nguyễn Thiết D. (SN 1960, trú khối An Vinh, phường Hưng Phúc, TP Vinh) cũng bị nhóm đối tượng trên lừa đảo rồi chiếm đoạt 236 triệu đồng.

Theo Thiếu tá Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) thì từ ngày 16/8 -25/8, trên địa bàn Nghệ An đã xảy ra 7 vụ lừa đảo, làm thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Thủ đoạn chung của các đối tượng này là ban đầu giả danh nhân viên viễn thông gọi điện đến số máy bàn nhắc nợ cước điện thoại với số tiền lớn do có nhiều cuộc gọi đi nước ngoài. Sau đó, một đối tượng khác giả danh công an thông báo với nạn nhân, số CMND của họ đã một lập tài khoản ngân hàng và dùng tài khoản đó để buôn bán ma túy và rửa tiền. Vị “công an” này yêu cầu nạn nhân hợp tác để cung cấp các thông tin cần thiết.

Người này yêu cầu nạn nhân có bao nhiêu tiền trong tài khoản, sổ tiết kiệm trong ngân hàng thì phải chuyển hết vào tài khoản của chúng để xác minh số tiền trên có liên quan đến tội phạm buôn bán ma túy và rửa tiền hay không. Chúng yêu cầu nạn nhân phải giữ bí mật nếu không “bọn tội phạm sẽ thủ tiêu” hoặc không làm theo thì “sẽ bắt ngay lập tức”. Khi nạn nhân chuyển tiền vào các số tài khoản trên thì chúng nhanh chóng rút hết để chiếm đoạt.

Theo Thiếu tá Đức, các đối tượng này đều nhắm đến các nạn nhân là phụ nữ hoặc người già, thường ở nhà một mình. Để làm cho nạn nhân tin, chúng sử dụng giao thức truyền giọng nói qua Internet (VoIP) để giả đầu số giống số của cơ quan công an như: +000113; +084000113. Chúng lập ra rất nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau để nạn nhân gửi tiền vào.

Số điện thoại gọi vào máy di động của ông Đ. Ảnh: P.B
Số điện thoại gọi vào máy di động của ông Đ. Ảnh: P.B

Làm thế nào để phòng tránh

Như đã nói ở trên, đây là hình thức lừa đảo mới xuất hiện trên địa bàn Nghệ An nhưng đã gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Trước tình trạng này, Công an tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn gửi công an các địa phương, phòng, ban để chỉ đạo phòng, ngừa đấu tranh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức mới.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự, dự báo trong thời gian tới, nếu không có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, loại tội phạm này sẽ tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, gây hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình ANTT trên địa bàn.

Bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền các thủ đoạn, hình thức lừa đảo thông qua các cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể thì chính người dân cần tự biết cách phòng tránh. Theo Thiếu tá Đức, người dân khi nhận được các cuộc gọi lạ, có dấu hiệu nghi vấn thì cần phải bình tĩnh, không làm theo yêu cầu hoặc dẫn bấm các phim số trên máy điện thoại. Đặc biệt là không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ.

Người dân không cung cấp số tài khoản, thẻ ngân hàng cho người lạ.
Người dân không cung cấp số tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác. Đặc biệt, không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ. Ảnh: P.B

Người dân cũng nên cảnh giác với các cuộc gọi lạ, không nên cung cấp tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác. Khi gặp tình huống như trên cần phải thông báo ngay cho cơ quan công an để cùng phối hợp giải quyết, không tự mình xử lý vì sẽ dễ sập bẫy kịch bản lừa đảo.

Đối với các cán bộ, nhân viên giao dịch của ngân hàng, khi phát hiện người dân đến rút, gửi tiền có biểu hiện không bình thường (lo âu, hốt hoảng, liên tục cầm điện thoại nghe theo chỉ dẫn) thì cần phải kịp thời thông báo cho cơ quan công an, trì hoãn việc giao dịch đến khi lực lượng công an đến xử lý, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Đây là hình thức lừa đảo rất tinh vi và chuyên nghiệp. Sau khi tiếp nhận được các vụ việc của người dân, đơn vị đang tích cực điều tra, làm rõ để sớm truy bắt được các đối tượng lừa đảo. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất chính là người dân phải tự biết cảnh giác, bảo vệ tài sản của mình trước những thủ đoạn lừa đảo tinh vi đang xuất hiện càng nhiều hiện nay./.

Phạm Bằng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Công an Nghệ An hướng dẫn cách phòng tránh lừa đảo qua mạng viễn thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO