Công chức “ăn cắp giờ công”, đâu là cái gốc?

02/05/2013 17:17

(Baonghean) - Hiện nay, nhiều tỉnh, thành đã có nhiều quy định và cách làm để chống công chức ăn cắp giờ công. Tuy nhiên, cách làm của các địa phương vẫn đang còn hình thức. Vậy làm sao để “chống ăn cắp giờ công” tận gốc? Hiện nay, nhiều đại biểu Quốc hội cho biết, cả nước có khoảng 30 - 50% công chức các công sở không có việc làm. Nếu tính theo tỷ lệ đó thì trong gần 3 triệu công chức ăn lương hiện tại, có tới 900.000 đến 1,5 triệu người thừa.

Mỗi năm, nếu tính lương bình quân 5 triệu đồng /tháng, thì những người thừa này hưởng không từ 36.000 tỷ đồng đến 50.000 tỷ đồng/năm tiền thuế của dân. Đó là một hình thức tham nhũng rất hợp pháp. Nếu Chính phủ có biện pháp kiên quyết giảm biên chế 30- 50% số công chức, thì chắc chắn không còn cảnh rỗi việc đi ra quán la cà. Hiện nay, ở các cơ quan Trung ương, các bộ, các sở ở tỉnh rất nhiều phòng, ban trùng lặp công việc. Có rất nhiều người làm chung một việc. Đa số việc trưởng phòng, phó phòng làm, nhân viên ngồi chơi. Số công chức thừa ra này đếm không hết.



Minh họa: Nam Phong

Muốn sắp xếp lại bộ máy thật chặt chẽ, người nào cũng đủ việc làm ngày 8 tiếng, mỗi tháng 26 ngày, ngành Nội vụ nên áp dụng hệ thống tổ chức bộ máy khác hiện nay. Áp dụng cơ chế chuyên viên, bỏ các phòng của các vụ, các sở, thậm chí bỏ các vụ của một số bộ. Hiện nay bộ máy đã phình to đến mức con đường từ một chuyên viên đến Bộ trưởng trong một bộ xa thăm thẳm. Phải thay đổi cách tổ chức bộ máy theo hình thức chuyên viên, để bộ trưởng, tỉnh trưởng có thể nắm đến từng cán bộ, chuyên viên của mình.

Ví dụ, mỗi vụ, phòng theo công việc chỉ cần từ 4 đến 5 chuyên viên giỏi là công việc chạy đều. Sau khi tổ chức lại bộ máy vụ (bộ), sở (tỉnh), số cán bộ sẽ thi chọn chuyên viên phụ trách từng việc hoặc hai ba việc một người. Tiêu chí, nội dung công việc do Bộ trưởng hoặc Chủ tịch tỉnh ban hành. Ai không đảm đương được công thì cho nghỉ hưu hoặc chuyển sang các cơ quan sản xuất, xí nghiệp để cho số lao động này tự làm tự trả lương... Hình thức tổ chức phòng theo hướng chuyên viên có lợi nhiều mặt. Các chuyên viên tự chủ công việc, tự mình đề xuất với lãnh đạo công việc, không phải qua khâu trung gian. Họ không có thì giờ rỗi để lai lai ngoài giờ, giảm được việc ăn tiền thuế của dân mà không làm việc.

Việc giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy không thể là một lời hứa suông, đây là một công việc cấp bách liên quan đến sự trong sạch và nhanh nhạy của bộ máy nhà nước đối với cuộc sống, liên quan đến uy tín của Đảng và chính quyền trước dân, liên quan đến việc tiêu tốn một khoản tiền thuế khổng lồ của dân một cách vô lý!

Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ và Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và Quốc hội về việc bộ máy càng ngày càng phình to, công chức không có việc làm, chứ không thể “kỷ luật”, “bêu rếu” công chức “ăn cắp giờ công” như hiện nay...


Ngô Minh (TP. Huế)

Mới nhất

x
Công chức “ăn cắp giờ công”, đâu là cái gốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO