Cộng đồng quốc tế đồng lòng hướng về Biển Đông

16/05/2015 08:35

(Baonghean) - Ngày 12/5 vừa qua, thời báo Wall Street đưa tin về việc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ash Carter yêu cầu Lầu Năm Góc xem xét điều tàu chiến, máy bay tới khu vực gần các bãi đá ngầm mà Trung Quốc đang cải tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cùng ngày, diễn ra cuộc tập trận chung giữa các tàu sân bay Mỹ với Hải quân Malaysia, Nhật và Philippines trên Biển Đông. Những thông tin trên đã một lần nữa khiến chủ đề tranh chấp ở Biển Đông nóng lên, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an về vấn đề này.

Phóng viên (P.V): Thưa Thiếu tướng, độc giả Báo Nghệ An đang rất quan tâm đến việc cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những quốc gia lớn dần tỏ thái độ phản đối quyết liệt hơn với những hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Xin Thiếu tướng cho biết rõ hơn về những hành động phi pháp đó?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Hiện nay, cộng đồng quốc tế đang kịch liệt phản đối việc Trung Quốc cải tạo 7 đảo chìm trên Biển Đông, đó là các đảo: Châu Viên, Én Đất, Ga-ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Chữ Thập, Vành Khăn. Trong đó, 6 đảo đầu Trung Quốc chiếm của Việt Nam vào ngày 14/3/1988, đảo cuối cùng chiếm của Philippines vào tháng 2/1995. Theo nhiều nguồn tin phương Tây, đặc biệt là hệ thống định vị toàn cầu của Anh và Mỹ, đến giờ phút này, 2 hòn đảo được Trung Quốc cải tạo ráo riết nhất là Gạc Ma - diện tích tăng lên 200 lần và Chữ Thập - diện tích tăng lên 10 lần so với nguyên trạng. Đặc biệt, đảo Chữ Thập đã vượt qua đảo Ba Bình để trở thành đảo đá lớn nhất trong quần đảo Trường Sa.

Theo đánh giá chung của cộng đồng quốc tế, đây là công cuộc cải tạo đảo đá chưa từng xảy ra trong lịch sử thế giới, cả về quy mô lẫn tốc độ. Ý đồ của Trung Quốc thông qua hành động này có lẽ cũng là chiêu bài chiến lược chưa từng thấy: hiện thực hoá chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông mà không cần phát động chiến tranh. Có nghĩa là bằng việc xây dựng căn cứ quân sự, Trung Quốc sẽ “ung dung” thâu tóm cả an ninh - chính trị - thương mại - hàng hải của khu vực, từ đó vươn ra thế giới.

P.V: Nhưng thưa Thiếu tướng, các nước trong khu vực trực tiếp xảy ra tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông và cộng đồng quốc tế nói chung chắc chắn không để cho Trung Quốc dễ dàng đạt được ý đồ của mình?

Tàu Trung Quốc đang hút bùn cải tạo đất tại nhóm đảo Vành Khăn.Ảnh: Reuter
Tàu Trung Quốc đang hút bùn cải tạo đất tại nhóm đảo Vành Khăn. Ảnh: Reuter

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chính xác. Bằng chứng là trong thời gian qua, Philippines, Việt Nam và một số quốc gia khác trong khu vực đã có những động thái tỏ rõ thái độ cương quyết, không khoan nhượng với Trung Quốc trên Biển Đông. Đơn cử như việc Philippines đệ trình lên Toà án Quốc tế của Liên Hợp quốc bộ hồ sơ dày 4.000 trang kiện Trung Quốc chiếm đóng phi pháp dải đá Scarborough thuộc chủ quyền Philippines. Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định với Trung Quốc và với thế giới là Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý để chứng minh chủ quyền trên Biển Đông. Ở ngoài khu vực, năm 2014 vừa rồi, cả Hạ viện và Nghị viện Mỹ đã ra Nghị quyết phản đối các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lại đề xuất gửi tàu chiến, máy bay có tầm hoạt động trong vòng bán kính 22 km đến khu vực xung quanh những bãi đá mà Trung Quốc đang tiến hành cải tạo. Đô đốc Harry Harris - Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cũng cho rằng cần phải điều chuyển 60% các hạm đội tàu của Mỹ từ châu Âu - Đại Tây Dương sang châu Á - Thái Bình Dương để ứng phó với những hành động của Trung Quốc. Những thông tin này đã khiến Hoa Ngôn Ánh - người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phải phát biểu hôm 14/5 rằng, nếu Mỹ thực sự đưa tàu chiến, máy bay chiến đấu đến Biển Đông, sẽ hoàn toàn bất lợi cho Trung Quốc.

Bên cạnh Mỹ, không thể không kể đến Nhật Bản - một cường quốc của khu vực và thế giới, lại đang trực tiếp vướng vào tranh chấp biển đảo, với Trung Quốc. Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, ngày 27/4 vừa qua, hai nước này đã ký thoả thuận điều chỉnh trong chương trình hợp tác quân sự Mỹ - Nhật, được ký kết từ năm 1997. Bản điều chỉnh mới này có khá nhiều thay đổi và mục tiêu của chương trình hợp tác này được nhấn mạnh là để bảo đảm hoà bình, an ninh khu vực trên Biển Hoa Đông và Biển Đông. Ngày 15/5, Nhật Bản trình Quốc hội hai đạo luật an ninh mới, cho phép mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Nhật Bản ra ngoài biên giới nước này và có khả năng Hải quân Nhật sẽ tham gia tuần tiễu tại Biển Hoa Đông.

Cũng trong ngày này, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang có chuyến thăm Bắc Kinh và ông này không hề né tránh vấn đề tranh chấp trên Biển Đông. Bất chấp mục đích của chuyến đi là để thiết lập mối quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng Ấn Độ, ông Modi vẫn tách bạch hai vấn đề một cách hết sức rõ ràng.

Tóm lại, tôi cho rằng chưa bao giờ cộng đồng quốc tế lại tỏ thái độ phản ứng mạnh mẽ, kiên quyết như vậy với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp trên biển.

P.V: Trong bối cảnh cả cộng đồng quốc tế đang “sục sôi” như vậy, liệu đây có phải là cơ hội tốt để Việt Nam đạt được những ưu thế nhất định trong ván cờ trên Biển Đông?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng như vậy, việc cộng đồng quốc tế tích cực lên tiếng phản đối những hành động phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông là tín hiệu đáng mừng cho cuộc tranh đấu mà Việt Nam bền bỉ theo đuổi từ nhiều năm nay. Chúng ta không đơn độc trong cuộc chiến đòi công lý, bảo vệ chủ quyền dân tộc, mà có cả cộng đồng quốc tế ủng hộ, hậu thuẫn. Nhân cơ hội này, Việt Nam có thể bày tỏ thái độ cương quyết hơn nữa, đặc biệt là đối với việc Trung Quốc đang tiếp tục công cuộc cải tạo các đảo đá chìm ở biển Đông. Đặc biệt, trong bối cảnh gần hơn là các nước trong khu vực đang hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN, vượt ra khỏi một khối hợp tác kinh tế đơn thuần mà hướng đến một cộng đồng chung tay bảo vệ cho hoà binh, an ninh khu vực.

P.V: Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện này!

Thục Anh(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cộng đồng quốc tế đồng lòng hướng về Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO