Công du châu Á: Phép thử "ảnh hưởng toàn cầu" của Tổng thống Obama

(Baonghean) - Sau thất bại nặng nề của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua, chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama được xem là chuyến công cán nhiều thách thức. Đây sẽ là cơ hội cuối cùng để ông Obama tái khẳng định mục tiêu tăng cường ảnh hưởng tại châu Á. Đồng thời, chuyến thăm 3 nước Trung Quốc, Myanmar và Australia với 3 hội nghị cấp cao quan trọng sẽ là phép thử “mức ảnh hưởng” toàn cầu của Tổng thống Obama. 

Với lịch trình dày đặc, tâm điểm trong chuyến công du của Tổng thống B.Obama là Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 22 (trong 2 ngày 10 và 11/11) tại Bắc Kinh (Trung Quốc); Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Naypyidaw (Myanmar) và Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G 20) tại Thành phố Brisbane, bang Queensland của Australia. 
Chuyến thăm châu Á sẽ là phép thử “mức ảnh hưởng” toàn cầu  của Tổng thống Obama. 	Ảnh: CNN
Chuyến thăm châu Á sẽ là phép thử “mức ảnh hưởng” toàn cầu của Tổng thống Obama. Ảnh: CNN
Chuyến đi này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Obama đang đối mặt với nhiều thách thức từ những vấn đề trong nước. Đảng Dân chủ của ông đã thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua khi để mất quyền kiểm soát Thượng viện và nhường lại vị trí này cho phe Cộng hòa. Dĩ nhiên, đây sẽ là bất lợi cực kỳ lớn cho 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, cả về đối nội lẫn đối ngoại. Đây cũng là lý do dẫn đến nhận định “chuyến công du châu Á của Tổng thống Obama sẽ đầy rẫy khó khăn”. Theo ông Ernest Bower, cố vấn cấp cao về châu Á tại trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS), các nhà lãnh đạo châu Á đang theo dõi chuyến công du của ông Obama với một băn khoăn rằng “Barack Obama giờ là ai sau cuộc bầu cử giữa kỳ". Họ cũng muốn xem ông có còn khả năng và nguồn lực chính trị để thực hiện các cam kết trước đó hay không.
Không thể phủ nhận, một trong những chính sách đối ngoại đáng chú ý nhất của ông Obama kể từ khi trở thành chủ nhân Nhà Trắng là tuyên bố “xoay trục” sang châu Á Thái Bình Dương năm 2011. Trong hơn 3 năm, Chính phủ của Tổng thống Obama đã có những bước đi thiết thực để hiện thực hóa chính sách này. Tháng 4 năm ngoái, Mỹ và Philippines đã ký một thỏa thuận an ninh mới với thời hạn 10 năm, cho phép quân đội Mỹ tăng cường sự hiện diện trên lãnh thổ quốc đảo này. Tháng 7 vừa qua, Nhật Bản - một đồng minh khác của Mỹ ở châu Á cũng đã xem xét việc diễn giải lại Hiến pháp hòa bình, nhằm mở đường cho quân đội Mỹ hỗ trợ một quốc gia "bạn bè" trong trường hợp bị tấn công. Mỹ cũng đã nhất trí cải thiện hợp tác quốc phòng với Australia và kéo dài thêm 10 năm thỏa thuận hợp tác quân sự song phương với Ấn Độ...
Tuy nhiên, tất cả những điều này dường như chưa đủ để chứng tỏ tầm ảnh hưởng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, nhất là khi Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh tại khu vực. Một số nhà bình luận cho rằng, Tổng thống Mỹ - vốn đang bị các cuộc khủng hoảng trên thế giới bủa vây, và “trục xoay” tới châu Á vẫn chỉ là lời nói hơn là hiện thực. Quả thực, chính sách xoay trục tới châu Á của ông Obama lâu nay vốn nghiêng mạnh về hợp tác quân sự hơn là hợp tác ngoại giao và kinh tế. Chính vì thế, chính quyền Mỹ cũng muốn tận dụng chuyến công du châu Á lần này của Tổng thống Obama để khoanh vùng lại cách tiếp cận đối với việc xoay trục tập trung vào yếu tố ngoại giao và kinh tế. 
Sự chuyển biến này dễ dàng nhận ra khi Tổng thống Obama có mặt tại Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết thúc đẩy quan hệ nước lớn "kiểu mới" giữa hai bên. Đây không phải lần đầu tiên khái niệm này được đưa ra, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Mỹ đang muốn tìm tiếng nói chung với Trung Quốc, ít nhất là trong vấn đề kinh tế, trước khi giải quyết những bất đồng về chính trị. 
Bên cạnh đó, cuộc gặp của Tổng thống Obama với lãnh đạo các đồng minh khu vực, trong đó có Thủ tướng Australia Tony Abbott, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, và có cuộc hội đàm đầu tiên với tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng là dịp để vị Tổng thống xứ cờ hoa trực tiếp củng cố mối quan hệ với các đồng minh châu Á. Dự kiến tại Hội nghị G20 sắp tới ở Australia, Tổng thống Obama sẽ có bài phát biểu quan trọng khẳng định chính sách cũng như vai trò của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Tất nhiên, lời nói cần gắn với hành động.
Bởi vậy, một số ý kiến cho rằng, để đẩy mạnh chính sách xoay trục trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama nên thực hiện một cố gắng gắn kết hơn nữa, như thúc đẩy tiến tới thỏa thuận cuối cùng về Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương, xoa dịu tình hình trên Biển Đông, Biển Hoa Đông, khẳng định giá trị của Mỹ trong mối quan hệ Mỹ - Trung, khuyến khích cải cách tại Myanmar hay tận dụng lợi thế của nền công nghiệp năng lượng ở châu Á... Tuy nhiên, để làm tốt những mục tiêu này, chặng đường 2 năm còn lại của Tổng thống Obama sẽ vô cùng bận rộn. Xem ra, chuyến công du châu Á lần này rõ ràng là phép thử sức ảnh hưởng toàn cầu của Tổng thống Obama trong nửa nhiệm kỳ cuối cùng.
Thanh Huyền

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.