Công khai minh bạch sẽ tạo sự đồng thuận

11/03/2014 23:08

(Baonghean) - Ngày 7/3/2014, hàng trăm hộ kinh doanh tại chợ Vinh đã đóng quầy trực tiếp đến trụ sở UBND Thành phố Vinh đề nghị làm rõ việc khai thác tầng 3 đình chính chợ Vinh. Bà con cho rằng, việc BQL chợ đưa tầng 3 vào kinh doanh các mặt hàng quần áo, vải vóc, mỹ phẩm… sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ.

Chợ Vinh mới được xây dựng lại vào năm 2009, đưa vào sử dụng từ năm 2010 gồm 3 tầng nổi, 1 tầng hầm, tổng diện tích sàn 35.050m2 bố trí 1.380 gian hàng, hệ thống cầu thang cuốn tự động. Tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng từ 2 nguồn chính là ngân sách thành phố và huy động từ các tiểu thương kinh doanh tại chợ. Theo thiết kế, tầng hầm bố trí các ngành hàng nặng như hàng sắt, kim khí điện máy. Tầng 1 gồm các ngành hàng nhẹ như thuốc tân dược, trang sức… Tầng 2 là ngành hàng may mặc sẵn, chăn ga, gối đệm. Tầng 3 quy hoạch khu hành chính, văn phòng cho thuê và các dịch vụ khác như ăn uống, làm đẹp…

Quầy hàng quần áo ở tầng 2 đình chính chợ Vinh
Quầy hàng quần áo ở tầng 2 đình chính chợ Vinh

Đến thời điểm này, cơ bản tầng 1 và tầng 2 đã có 100% các gian hàng được đưa vào sử dụng và kinh doanh có hiệu quả. Tuy nhiên, sau 4 năm hoạt động, tầng 3 của chợ Vinh vẫn bỏ hoang với 6.000m2 sàn, gây sự lãng phí lớn. Không được sử dụng, sàn càng bị xuống cấp. Xét thấy nhu cầu kinh doanh của người dân thành phố còn rất lớn, trong khi chợ Vinh chưa khai thác hiệu quả, sau khi có chủ trương của Thành ủy, UBND Thành phố Vinh đã có Công văn số 6074/UBND – TC.KH về việc công khai quy hoạch và đăng ký nhu cầu kinh doanh tại tầng 3 đình chính chợ Vinh, gửi Ban Quản lý chợ Vinh, các phòng, ban của thành phố. Theo đó, Ban Quản lý chợ Vinh dự kiến bố trí và kinh doanh các mặt hàng: quần áo may mặc sẵn, hàng hóa mỹ phẩm, trang sức và giày dép.

Trong quá trình triển khai, BQL chợ Vinh đã tiếp nhận đăng ký nhu cầu kinh doanh của các hộ dân bằng hình thức phát tích kê. Đến nay, đã có đến 98% số quầy được đăng ký. BQL chợ Vinh đã lên kế hoạch chuẩn bị sửa chữa tầng 3. Thế nhưng, chính các tiểu thương đăng ký quầy nay lại kéo nhau lên UBND thành phố để phản đối việc đưa tầng 3 vào kinh doanh với nhiều lý do. Chị Lê Thị Hiên – một trong những tiểu thương ở chợ cho biết: Tầng 3 chợ Vinh lâu nay theo quy hoạch để bố trí khu hành chính, khu văn phòng cho thuê, nay lại triển khai mở quầy, mở ốt bán hàng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi kinh doanh của chúng tôi, vi phạm cam kết góp vốn. Người khác lại lấy lý do đưa tầng 3 vào hoạt động sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của chợ, đến độ an toàn của tòa nhà, và vệ sinh, an toàn cháy nổ… Có tiểu thương lại cho rằng, chúng tôi lên đây còn để đòi thẻ quầy. Chúng tôi bỏ vốn đầu tư thì chúng tôi là nhà đầu tư, trong thẻ phải ghi chúng tôi là nhà đầu tư chứ không thể ghi trong thẻ là “Giấy chứng nhận hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh”.

Chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương buôn bán ở chợ Vinh lại đề nghị UBND thành phố quyết toán chi phí xây dựng chợ để bà con được biết, đồng thời cho rằng, nếu thành phố sử dụng khu vực tầng 3 làm nơi buôn bán mặt hàng quần áo, vải vóc là không hợp lý mà ở đây nên sử dụng để làm dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí theo đúng như quy hoạch ban đầu. “Hiện nay, chợ Vinh đang có 1.350 hộ buôn bán, mỗi ngày có hàng trăm thậm chí là hàng ngàn khách hàng vào mua sắm nhưng không có một chỗ để ăn uống. Bà con chúng tôi mong muốn đưa các quầy hàng ăn uống lên tầng 3 để đảm bảo mỹ quan, sạch sẽ, an toàn và không ảnh hưởng đến quyền lợi của tiểu thương đang buôn bán trong chợ,...”.

Bà con tiểu thương cho rằng việc cải tạo tầng 3 đình chính chợ Vinh thành nơi bán hàng hóa như tầng 1, tầng 2 với số lượng lên đến 514 ki ốt là vi phạm Điều 2 và Điều 5, Quy chế huy động vốn của các đối tượng có nhu cầu thuê địa điểm kinh doanh đã góp vốn đầu tư xây dựng chợ theo Quyết định số 1229/2007 của UBND Thành phố Vinh. Bởi Quy chế quy định: “Toàn bộ tầng 3 được sử dụng để bố trí khu hành chính, văn phòng cho thuê và diện tích cho thuê khác..”. Họ sợ rằng nếu tầng 3 cũng kinh doanh hàng như tầng 1, tầng 2 thì “tổng ki ốt sẽ quá nhiều”, “không đảm bảo mục đích góp vốn”, “trong 15 năm không thể thu hồi vốn góp được”. Thứ hai, bà con lo ngại “Việc lắp đặt thêm thang máy và thang cuốn để đi lên tầng 3 là vi phạm thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt”. Thứ 3, họ cho rằng “Việc phát triển chợ Vinh thành trung tâm thương mại lớn của vùng Bắc Trung bộ là không khả thi bởi người mua ít, người bán nhiều”.

Hàng ăn uống phía ngoài chợ Vinh.
Hàng ăn uống phía ngoài chợ Vinh.

Trao đổi với ông Trần Quang Lâm - Trưởng phòng Kinh tế Thành phố Vinh, ông Lâm cho biết: Thu hút kinh doanh vào tầng 3 chợ Vinh là chủ trương của thành phố, xuất phát từ việc tầng 3 lâu nay với diện tích 6.000m2 đang bỏ hoang, không được sử dụng. Từ khi đình chính chợ Vinh khánh thành đến nay không có nhà đầu tư nào vào thuê mặc dù thành phố cố gắng thu hút. Mới đây, qua hiệp hội cầu nối Việt - Nhật, có một số đối tác của Nhật sang khảo sát tầng 3 chợ Vinh, nhưng xét thấy cơ sở hạ tầng của Thành phố Vinh không đáp ứng yêu cầu nên thôi. Ngoài ra còn có Công ty Sông Tiền (TP Vinh) xin đầu tư. Theo Nghị định 02/2003 của Chính phủ về quản lý đầu tư chợ, Nhà nước không bỏ vốn đầu tư chợ, nên thành phố đã có chủ trương thu hút vốn của bà con tiểu thương để khai thác tầng 3 hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai bà con chưa nhất trí. Thành phố sẽ tiếp tục đối thoại, tuyên truyền với nhân dân.

Tại buổi đối thoại với bà con tiểu thương ngày 7/3 do ông Nguyễn Văn Chỉnh, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vinh chủ trì, bà con tiểu thương lần lượt nêu lên những nguyện vọng, kiến nghị của mình. Hầu hết các ý kiến khẳng định, lâu nay, khu vực tầng 3 đình chính chợ Vinh chưa được đưa vào khai thác, sử dụng, gây nên sự lãng phí rất lớn. Chủ trương của UBND thành phố trong việc đưa khu vực tầng 3 vào sử dụng là đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chủ trương này, cần phải xem xét một cách kỹ hơn, toàn diện hơn nhu cầu về kinh doanh thực sự và không ảnh hưởng đến buôn bán của tiểu thương ở tầng 1, tầng 2.

Ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố đã giải thích với bà con tiểu thương về việc thành phố không vi phạm quy chế huy động vốn xây dựng chợ, đồng chí khẳng định: Quy chế này (ban hành 2007), qui định rõ: “Toàn bộ tầng 3 được sử dụng để bố trí khu hành chính, khu văn phòng cho thuê và diện tích cho thuê khác… sẽ được quy định riêng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này”. Điều này có nghĩa là việc sử dụng tầng 3 không thuộc trách nhiệm và quyền hạn của bà con tiểu thương, mà bà con tiểu thương chỉ có quyền đóng góp ý kiến. Thứ 2: Các đối tượng có nhu cầu thuê địa điểm kinh doanh tại tầng hầm, tầng 1, tầng 2 đình chính chợ Vinh đã nộp tiền theo Quy chế huy động vốn được ký hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh và được miễn nộp tiền thuê địa điểm kinh doanh trong thời hạn 15 năm (180 tháng) kể từ ngày đình chính chợ Vinh đi vào hoạt động. Thành phố cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý Chợ Vinh cấp thẻ chứng nhận nhằm đảm bảo quyền đầu tư đối với địa điểm kinh doanh cụ thể và số tiền đã nộp. Từ đó đến nay các hộ đã kinh doanh ổn định, thành phố đã miễn tiền thuê địa điểm kinh doanh được hơn 4 năm và không ai có khiếu nại gì về vấn đề này.

Cầu thang cuốn ở chợ Vinh ít khi được sử dụng.
Cầu thang cuốn ở chợ Vinh ít khi được sử dụng.

Về việc xây dựng cầu thang cuốn và cầu thang máy: Theo Công văn số 323 của Sở Xây dựng Nghệ An ngày 4/3/2014 gửi UBND Thành phố Vinh thì việc lắp đặt bổ sung 4 thang cuốn và 1 thang máy vẫn đảm bảo an toàn chịu lực. Trên cơ sở ý kiến của Sở Xây dựng, thành phố đang xem xét và nếu thấy cần thiết thì phải đầu tư, đảm bảo cho phù hợp, an toàn về người và tài sản của nhân dân, đảm bảo công tác phòng, chống cháy nổ và không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các hộ tại đình chính.

Tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Văn Chỉnh nhấn mạnh: Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, thăm dò nhu cầu kinh doanh ngành hàng của bà con tiểu thương chợ Vinh và các hộ ở ngoài chợ để có phương án khai thác hợp lý, tránh làm phương hại đến lợi ích của người kinh doanh ở tầng 1, tầng 2. Đồng thời ưu tiên quyền lợi đăng ký góp vốn của bà con tiểu thương chợ Vinh trước. Một số dịch vụ có thể sẽ bố trí là: thể dục thẩm mỹ, ăn uống giải khát, bên cạnh các ngành hàng đang có doanh số bán cao.

Hiện nay, sau khi đối thoại làm rõ các vấn đề, tiểu thương đều nhất trí với chủ trương khai thác tầng 3 của đình chính chợ Vinh. Tuy nhiên, sự việc xảy ra cũng cần phải thấy rằng cách làm của Ban Quản lý chợ Vinh chưa nhuần nhuyễn, mà nói như lãnh đạo thành phố là: Lẽ ra phát phiếu thăm dò ý kiến đầu tư thì Ban lại phát “phiếu đăng ký quầy hàng kinh doanh tầng 3 chợ Vinh”. Thực tế, nếu chủ trương này của Ban Quản lý, UBND thành phố được tuyên truyền bài bản; triển khai một cách tuần tự, rõ ràng, công khai minh bạch thì sẽ nhận được sự đồng thuận trong tiểu thương. Công khai minh bạch và lắng nghe ý kiến của tiểu thương sẽ là giải pháp giúp BQL chợ Vinh điều chỉnh nhu cầu ngành hàng cho phù hợp với sự phát triển của chợ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhưng cũng đảm bảo quyền lợi của bà con tiểu thương đã đầu tư kinh doanh tại đây, đáp ứng yêu cầu tăng nguồn thu ngân sách của thành phố.

Châu Lan - Nguyên Khoa

Mới nhất
x
Công khai minh bạch sẽ tạo sự đồng thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO