Công nghệ hiện đại - thủ phạm phá hoại hạnh phúc gia đình

28/06/2017 06:32

(Baonghean.vn) - Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học, công nghệ số đã ra đời và làm đổi thay mạnh mẽ mọi mặt của cuộc sống. Internet cùng các thiết bị thông minh đã dần trở nên quen thuộc và không thể thiếu trong đời sống thường ngày.

Tuy nhiên, các thiết bị số len lỏi vào từng gia đình đã làm thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, hay nghiêm trọng hơn, còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ giữa các thành viên và tương lai con trẻ.

Dành ít thời gian cho gia đình

Những gia đình hiện đại thường ít có sự gắn kết và một trong những nguyên nhân là do cuộc sống bị chi phối bởi các thiết bị công nghệ.

Thay vì cùng nhau trò chuyện, các thành viên trong gia đình lại tự giải trí với các thiết bị công nghệ khác nhau. Ảnh minh họa
Thay vì cùng nhau trò chuyện, các thành viên trong gia đình lại tự giải trí với các thiết bị công nghệ khác nhau. Ảnh minh họa

Một thực trạng khá quen thuộc trong nhiều gia đình hiện nay là sau giờ cơm tối, mỗi người trong gia đình đều tự giải trí với những thiết bị như smartphone, máy tính bảng, laptop. Không có sự trò chuyện giữa bố mẹ và con cái, thậm chí giữa những cặp vợ chồng. Điều này đồng nghĩa với việc giao tiếp ít hơn, các thành viên sẽ dần ít hiểu nhau hơn, rồi có thể dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có. Trách nhiệm của họ với công việc chung của gia đình bị lơ là, sự không hiểu nhau dẫn đến nghi ngờ, bất hòa, cãi vã...

Thêm vào đó, nhiều bạn trẻ lạm dụng các thiết bị điện tử, điện thoại với nhiều hình thức giải trí như mạng xã hội, chơi game, nghe nhạc khiến thời gian cá nhân chiếm nhiều hơn, quỹ thời gian cho gia đình ngày càng ít đi. Mỗi thành viên chìm đắm trong không gian riêng của mình, để kết nối với thế giới chứ không còn kết nối lẫn nhau, làm cho hạnh phúc gia đình bị suy giảm đáng kể. Ở mức độ nghiêm trọng hơn, nó khiến tình cảm dần lạnh nhạt, khô cứng, con người cô đơn trong chính tổ ấm của mình, hoàn toàn có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Thể chất, tinh thần các thành viên bị xáo trộn

Sự lạm dụng công nghệ cũng gây ảnh hưởng cả đến thể chất, tinh thần, lối sống và thói quen sinh hoạt của các thành viên trong gia đình. Thời gian dành cho việc sử dụng các thiết bị này đã chiếm hết thời gian dành cho các hoạt động vui chơi bạn bè, rèn luyện thể chất, giao tiếp xã hội, thăm hỏi họ hàng...

Suy giảm thị lực khi người sử dụng dùng trong bóng tối. Ảnh minh họa
Suy giảm thị lực khi người sử dụng dùng trong bóng tối. Ảnh minh họa

Chính vì vậy, nó làm suy giảm sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần, cũng như ảnh hưởng cả tới những mối quan hệ xã hội bên ngoài gia đình của họ. Những thiết bị này cũng khiến các thành viên gia đình có xu hướng thức khuya và ngủ muộn hơn. Có những khi, họ thức thâu đêm chỉ để chơi game, xem phim hay giao tiếp với bạn bè qua mạng xã hội.

Thói quen sinh hoạt vì thế mà dần bị thay đổi, và việc ngủ ít khiến cơ thể mệt mỏi, làm giảm sự tập trung, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như chuyện công việc, học hành. Ngoài ra, ánh sáng từ những thiết bị số, về lâu dài, cũng có thể làm suy giảm thị lực khi người sử dụng dùng trong bóng tối.

Sai lệch trong nuôi dạy con cái

Rất ít ông bố bà mẹ cùng con học hát, học múa… mà thường chỉ bật nhạc, video cho con nghe và học theo và ngày một ít gần gũi với con hơn. Nhiều bố mẹ còn sử dụng những phần mềm để quản lý và theo dõi con cái thay vì trực tiếp chỉ dạy và nói chuyện với con. Trẻ em vì vậy sẽ không được trò chuyện, chia sẻ với bố mẹ nhiều, dẫn đến thiếu thốn tình cảm gia đình và sự quan tâm chăm sóc.

Mọi thứ trên internet, vốn ẩn chứa nhiều thông tin độc hại. Ảnh minh họa
Mọi thứ trên internet, vốn ẩn chứa nhiều thông tin độc hại. Ảnh minh họa

Những trẻ em ở độ tuổi lớn hơn cũng rơi vào tình trạng tương tự. Sự thiếu quản lý của bố mẹ đã để mặc các em thỏa sức tự do với mọi thứ trên internet, vốn ẩn chứa nhiều thông tin độc hại. Như vậy, trẻ em rất dễ dẫn tới hư hỏng hay phát triển lệch lạc về tư duy, nhận thức, ảnh hưởng đến tương lai sau này.

Hạn chế tới sự phát triển toàn diện của trẻ

Thị giác, giác quan vận động, trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của trẻ đang trong giai đoạn mới chớm nở, lại không được tự do phát triển một cách bình thường ngay từ đầu, mà bị bó hẹp trong những gì hiện lên trên màn hình. Những thứ đó chỉ có thể được kích thích, rèn dũa, phát triển trong thế giới thực muôn màu, đầy sinh động, chứ không phải trong thế giới ảo.

Quá mải mê vào công nghệ, trẻ tăng nguy cơ bị tự kỷ. Ảnh minh họa
Quá mải mê vào công nghệ, trẻ tăng nguy cơ bị tự kỷ. Ảnh minh họa

Chúng có thể học hỏi được nhiều điều ở thế giới thực qua toàn bộ các giác quan: nghe, nhìn, ngửi, chạm, và cả nếm. Còn trong thế giới ảo, mọi thứ chỉ hạn chế ở những hình ảnh, âm thanh phát ra từ các thiết bị. Nếu bị lệ thuộc vào công nghệ từ quá sớm, trẻ sẽ không học được những điều cơ bản, như cách sử dụng cơ thể, tư duy, các giác quan, cách hòa nhập vào thế giới xung quanh, với thiên nhiên và con người...

Ở độ tuổi nhỏ, khi trí não chưa phát triển, trẻ cũng sẽ dễ bị rối trí và lầm lẫn giữa thế giới thực với thế giới ảo. Chúng vẫn sẽ lớn lên, nhưng lại trở thành một đứa trẻ công nghệ chứ không phải một đứa trẻ bình thường.

Quá mải mê vào công nghệ còn gây hạn chế tới khả năng giao tiếp và các kỹ năng xã hội khác của trẻ. Chúng chỉ chìm đắm vào các thiết bị mà không tiếp xúc, giao tiếp với ai bằng ngôn ngữ, cử chỉ, không chơi với bạn bè cùng lứa tuổi. Điều này làm tăng nguy cơ trẻ bị bệnh tự kỷ, vì việc ít trò chuyện, giao tiếp sẽ dẫn đến xu hướng sống khép mình lại, không mở lòng ra với mọi người và thế giới xung quanh.

Nguyên tắc khi sử dụng công nghệ, vì hạnh phúc gia đình

- Cha mẹ nên tắt các thiết bị công nghệ ít nhất 20 phút mỗi ngày để dành thời gian trò chuyện, chơi đùa với con cái.

- Hạn chế sử dụng các thiết bị công nghệ, thay vào đó, mỗi thành viên trong gia đình nên dành thời gian để tham gia các hoạt cùng nhau như cùng nhau đi mua sắm, nấu ăn, đi du lịch.

- Chính cha mẹ nên làm gương tốt trong việc hạn chế xem ti vi, truy cập internet và nên khuyến khích con cái sử dụng thời gian vào các hoạt động vui chơi, rèn luyện thể chất, thăm bạn bè người thân, đi tham quan…

- Cùng ăn cơm tối, nghe con cái trò chuyện về việc học hành, về kế hoạch chung của cả nhà… cũng đủ giúp hâm nóng tình cảm gia đình và khiến mỗi thành viên cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc./.

Hoa Lê

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Công nghệ hiện đại - thủ phạm phá hoại hạnh phúc gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO