Công nghệ phát hiện ung thư nhờ mắt tôm bọ ngựa
Lấy cảm hứng từ cấu tạo đặc biệt của mắt tôm bọ ngựa, các nhà khoa học phát triển một loại camera có thể phát hiện nguy cơ ung thư ở người.
Cấu tạo đặc biệt của đôi mắt giúp tôm bọ ngựa có thể phát hiện và phân biệt sự khác nhau giữa tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh. Ảnh: Live Science. |
Theo nghiên cứu của Đại học Queensland, Australia, cơ chế phát hiện tế bào ung thư của mắt tôm bọ ngựa nhờ khả năng nhận diện ánh sáng phân cực, vốn phản xạ trực tiếp sự khác nhau giữa các loại tế bào ung thư và tế bào khỏe mạnh.
"Chúng ta nhìn thấy màu sắc với trạng thái màu, sắc thái và các vật thể tương phản nhau, như một quả táo đỏ trên một cây xanh. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng một số loài động vật có thể sử dụng ánh sáng phân cực để phát hiện và phân biệt các đối tượng", Science Alert dẫn lời Justin Marshallm, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho hay.
Đặc điểm của mắt tôm bọ ngựa đã thôi thúc nhóm chuyên gia cùng các nhà khoa học Anh và Mỹ nghiên cứu một loại camera có chức năng phát hiện ung thư. Về mặt lý thuyết, con người có thể tự phát hiện nguy cơ mắc ung thư, nếu như loại camera nói trên được ứng dụng phổ biến trên các thiết bị hàng ngày như điện thoại thông minh.
Việc phát triển loại camera này được hy vọng sẽ trở thành nền tảng cho nhiều phương pháp phát hiện ung thư không xâm lấn khác trong tương lai.
Theo.VnExpress