Công nghiệp chế biến thủy sản: Chưa tương xứng tiềm năng!

30/05/2014 15:01

(Baonghean) - Được đánh giá là địa phương có điều kiện phát triển kinh tế thủy sản, trong đó có nguồn nguyên liệu từ khai thác và nuôi trồng khá cao, nhưng do công nghiệp chế biến thủy sản manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu khiến giá trị sản phẩm đạt thấp. Dù đã có sự quan tâm bằng những giải pháp cụ thể nhưng đầu tư cho công nghệ chế biến thủy sản của tỉnh Nghệ An vẫn chưa tương xứng...

Cơ sở chế biến cá  phi lê  của anh Nguyễn Văn Hùng, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu.
Cơ sở chế biến cá phi lê của anh Nguyễn Văn Hùng, xã Diễn Ngọc, Diễn Châu.

TIN LIÊN QUAN

Nghệ An được đánh giá là tỉnh hội tụ nhiều yếu tố để phát triển kinh tế thủy sản, trong đó, nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến là rất lớn. Với chiều dài 82km bờ biển, nhiều cửa biển, sông tạo điều kiện thuận lợi để ngành khai thác tiếp tục có những bước đột phá. Sản lượng khai thác thủy sản trong những năm qua không ngừng tăng về lượng cũng như về chất. Sản lượng năm 2012 đạt hơn 76.000 tấn, năm 2013 đạt 84.700 tấn. Trong đó, nhờ việc chuyển đổi nghề, đầu tư thuyền to, máy lớn mà tỷ trọng khai thác vùng khơi chiếm gần 60% với nhiều sản phẩm có giá trị như mực, cá thu, cá hố... Song song với đó là sản lượng nuôi trồng ngày càng tăng, nhất là nuôi thương thẩm tạo nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Với hơn 23.000 ha nuôi, sản lượng nuôi trồng của năm 2013 hơn 42.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi mặn lợ đạt 9.000 tấn. Rõ ràng, nhìn vào những con số trên có thể thấy rằng, đây là điều kiện tốt để lĩnh vực công nghiệp chế biến thủy sản phát triển, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và qua đó đưa kim ngạch xuất khẩu tăng tốc. Tuy nhiên, thực tế bức tranh công nghiệp chế biến, trong đó chế biến cho xuất khẩu còn hết sức manh mún, và lạc hậu.

Về chế biến nội địa, hiện toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp cổ phần và gần 10 doanh nghiệp tư nhân tham gia chế biến với các sản phẩm chủ yếu là nước mắm, bột cá và mắm các loại. Tại các địa phương: Thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thị xã Cửa Lò còn có các làng nghề chế biến thủy sản và hơn 100 cơ sở kho đông lạnh. Hàng năm, các cơ sở này cung ứng cho thị trường gần 20 triệu lít nước mắm, trên 3.500 tấn bột cá và 6.500 tấn mắm các loại. Phải khẳng định rằng, các cơ sở này đã tạo dựng được thương hiệu sản phẩm và có chỗ đứng nhất định trên thị trường, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, các mặt hàng vẫn còn đơn điệu, giá trị thấp. Các cơ sở chế biến dựa vào sức mình là chính mà chưa có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ví dụ như huyện Quỳnh Lưu, địa phương được đánh giá có đủ điều kiện để hoạt động công nghiệp chế biến phát triển nhưng trong thực tế còn rất hạn chế. Ông Hồ Nghĩa Đường, Phó phòng Công Thương huyện Quỳnh Lưu cho biết: Hoạt động chế biến thủy sản trên địa bàn huyện chưa tập trung, còn manh mún. Hầu hết các làng nghề trên địa bàn huyện chủ yếu là xuất phát từ hộ gia đình, chưa có doanh nghiệp đứng ra tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm nên hoạt động chưa đạt giá trị cao. Sản phẩm chủ lực là cá hấp sấy các loại, phục vụ xuất khẩu tiểu ngạch và tiêu dùng nội địa. Việc chế biến hàng khô phụ thuộc vào thời tiết, hầu hết làm thủ công. Sản phẩm đơn điệu chỉ dừng lại ở khâu gia công nguyên liệu nên giá trị sản phẩm chưa cao, chưa có sức cạnh tranh.

Đối với chế biến xuất khẩu thì còn èo uột hơn, khi đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có một doanh nghiệp nào đủ mạnh để xuất khẩu trực tiếp, chính ngạch ra nước ngoài, chứ chưa nói đến những thị trường khắt khe như EU, Nhật. Hiện có một số doanh nghiệp tư nhân như Phương Mai tại phường Quỳnh Dị, Kim Liên tại phường Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai)... có hoạt động chế biến sản phẩm rồi xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc nhưng do chỉ sơ chế nên chưa có tính cạnh tranh cao. Hiện Công ty CP Thủy sản Vạn Phần (Diễn Ngọc, Diễn Châu) đã xuất khẩu được một lượng hàng nước mắm sang thị trường Malaysia và Lào. Nhưng đáng chú ý nhất vẫn là Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản II (Thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lưu). Mặc dù trong điều kiện khó khăn, vốn hoạt động chỉ có 450 triệu đồng, nhà xưởng, thiết bị cũ kỹ... nhưng công ty vẫn hoạt động ổn định.

Năm 2013, công ty chế biến được 471 tấn nguyên liệu, doanh thu đạt gần 90 tỷ đồng, thu ngoại tệ đạt gần 4,3 triệu USD. Tuy nhiên, hoạt động chế biến của công ty chủ yếu làm gia công hoặc xuất ủy thác qua các công ty ở miền Nam. Ông Phan Đình Đức, Giám đốc công ty cho biết: Hiện công ty đang gặp rất nhiều khó khăn như vốn ít, phải vay vốn bên ngoài để hoạt động; thiết bị đã lạc hậu nhưng do mặt bằng kinh doanh chật hẹp nên không thể mở rộng. Hơn nữa, do nguồn hàng không ổn định nên hoạt động của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Và những doanh nghiệp vừa mới bước ra từ cổ phần hóa như công ty rất cần được sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn của tỉnh và các ngành liên quan.

Năm 2005, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt 16 triệu USD nhưng sau 7 năm, tức đến năm 2012, con số này chỉ tăng lên được 19 triệu USD và đến năm 2013 là 21 triệu USD. Mặc dù, trong những năm qua, tỉnh đã có những giải pháp nhất định nhưng giá trị sản phẩm chế biến xuất khẩu vẫn tăng chậm, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế. Trong năm 2013, tỉnh đã thu hút được Tập đoàn Royol Foods Thái Lan đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá hộp xuất khẩu có tổng mức đầu tư 28 triệu USD, với công suất 100 tấn/ngày tại KCN Nam Cấm. Nhưng từ ngày khởi công (tháng 10/2013) đến nay, dự án vẫn chỉ là khu đất trống. Ông Nguyễn Việt Trí, Phó phòng Tài chính – Kế hoạch (Sở Nông nghiệp & PTNT) đánh giá: Mặc dù lĩnh vực công nghệ chế biến thủy sản đã được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhưng giá trị sản phẩm chế biến xuất khẩu đạt thấp, nhất là giá trị xuất khẩu trực tiếp. Các doanh nghiệp xuất khẩu hầu hết có quy mô nhỏ, thiếu vốn, cơ sở hạ tầng vùng quy hoạch chế biến chưa được đầu tư, quy mô xưởng, mặt bằng sản xuất quá nhỏ. Cùng với đó là trang, thiết bị, trình độ quản lý cũng như công tác tiếp cận thị trường còn yếu kém.

Mặc dù hoạt động công nghiệp chế biến thủy sản giữ vai trò quan trọng, làm cầu nối giữa sản xuất với thị trường, qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng trong những năm qua, sự đầu tư của Nhà nước vẫn còn rất hạn chế. Trong đó, việc đầu tư chiều sâu cho các cơ sở chế biến xuất khẩu còn chậm và ít. Như tại Công ty CP xuất nhập khẩu thủy sản II, việc đầu tư nâng cấp nhà máy đảm bảo đạt Code vào thị trường EU đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Trong những năm qua, việc đầu tư hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh còn quá khiêm tốn và chưa tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp này vay vốn tín dụng cho sản xuất. Công tác quy hoạch khu chế biến tập trung tại một số địa phương còn chồng chéo và chưa khoa học nên quá trình triển khai trong thực tế gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Việt Trí cho biết thêm: UBND tỉnh cần tiếp tục tạo cơ chế thông thoáng để thu hút nhà đầu tư vào và cần phải bố trí nguồn vốn tập trung mạnh mẽ vào công nghiệp chế biến.

Thực hiện Kết luận số 07-KL/TU ngày 14/5/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các ban, ngành xây dựng Chương trình phát triển kinh tế thủy sản Nghệ An thời kỳ 2011-2015 và có tính đến 2020. Theo đó, mục tiêu đề ra đối với hoạt động công nghiệp chế biến thủy sản về giá trị năm 2014 đạt 23 triệu USD, năm 2015 đạt 25 triệu USD, năm 2020 đạt 50 triệu USD. Để đạt mục tiêu trên, trong thời gian tới, tỉnh và các ngành liên quan cần đầu tư hỗ trợ phát triển tàu cá xa bờ, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng, con giống để tăng nguồn nguyên liệu ổn định cho chế biến; có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp điều kiện sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị, cơ giới hóa và đẩy mạnh thu hút đầu tư của nước ngoài vào chế biến để nâng cao trình độ sản xuất và tiếp cận với nền công nghiệp chế biến hiện đại của thế giới. Bên cạnh đó, tỉnh cần xây dựng các vùng chế biến tập trung để khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và phát triển chế biến nhằm khắc phục tình trạng sản xuất manh mún như hiện nay. Trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, tỉnh cần tăng cường huy động các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn từ các chương trình hỗ trợ, dự án để phát triển công nghiệp chế biến thủy sản ngày càng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Phạm Bằng

Mới nhất

x
Công nghiệp chế biến thủy sản: Chưa tương xứng tiềm năng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO