Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn hiện nay

14/09/2015 09:59

(Baonghean) - CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ngày càng được nhận thức sâu sắc hơn và Đảng ta đề ra những chủ trương, định hướng cũng như ban hành hệ thống chính sách kịp thời, đầy đủ, phù hợp từng giai đoạn phát triển của đất nước. Báo Nghệ An xin chuyển tải nội dung trao đổi của đồng chí Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh những vấn đề mới đặt ra trong CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

Quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu, điển hình như: Nông nghiệp (NN) phát triển với nhịp độ khá cao theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đều tăng nhanh. Trong gần 30 năm đổi mới, NN Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản đều có tốc độ phát triển đáng kể. Nếu như giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 1986 đạt 65,1 nghìn tỷ đồng, năm 2005 đạt 182 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần, thì đến năm 2014 đã vào khoảng 830 nghìn tỷ đồng, trong đó: NN đạt 617,5 nghìn tỷ đồng; lâm nghiệp đạt 23,9 nghìn tỷ đồng; thủy sản đạt 188,6 nghìn tỷ đồng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 đạt 5,98% so với năm 2013, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, đóng góp 0,61%.

Nhiều mô hình thành công

Chế biến dứa ở Nhà máy Nafoods ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu).Ảnh: mai hoa
Chế biến dứa ở Nhà máy Nafoods ở xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu). Ảnh: mai hoa

Kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản cũng đã có bước tiến vượt bậc. Năm 1986, kim ngạch XK nông, lâm, thuỷ sản chỉ 400 triệu USD, đến năm 2007 đã đạt tới 12 tỷ USD, năm 2014 đạt 30,86 tỷ USD. Một số mặt hàng có kim ngạch XK tăng nhanh và đứng đầu thế giới như: gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản.... Không chỉ vậy, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế NN theo hướng sản xuất hàng hoá lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường cũng đã giúp các liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng và địa phương. Trong đó, nhiều mô hình đã thành công (như mô hình cánh đồng mẫu lớn; mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín; mô hình HTX, tổ hợp tác kiểu mới; mô hình DN công nghệ cao trong nông nghiệp; các tổ chức hợp tác theo quy mô cộng đồng làng, xã dưới hình thức hợp tác xã dịch vụ NN, công ty cổ phần...). Sự ra đời và phát triển của các mô hình tổ chức sản xuất mới trong NN rất phong phú, đa dạng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng miền, điều kiện sản xuất đặc thù của mỗi loại sản phẩm... đang mở ra tương lai cho sự phát triển của nền NN nước nhà.

Nông dân và doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo cho chuỗi giá trị sản phẩm NN thông qua các liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Quan hệ sản xuất được xây dựng ngày càng phù hợp, huy động được sự đóng góp của đa dạng các thành phần kinh tế vào lĩnh vực NN, đặc biệt hiện có đến 24.000 trang trại được đăng ký chứng nhận theo tiêu chí mới. Đến thời điểm cuối năm 2014, cơ cấu NN và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản tiếp tục phát triển, nhiều DN đã đứng vững, duy trì và mở rộng sản xuất; xuất hiện nhiều cơ sở mới, trong đó một số chế biến nông, lâm, thủy sản bằng công nghệ cao. Có thể nói, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn, giúp cho bộ mặt kinh tế nông thôn có thay đổi lớn. Bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn.

Chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thì trong quá trình thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Trong đó, các văn bản pháp luật chậm được ban hành, sửa đổi, bổ sung nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành NN. Các chính sách để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn... chưa đồng bộ, chưa đầy đủ. Cơ cấu sản xuất NN và kinh tế nông thôn ở nhiều nơi chuyển dịch chậm; cơ cấu lao động nông thôn cơ bản vẫn là thuần nông. Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của một số nông sản phẩm còn thấp. Tiến trình xã hội hóa đầu tư để tăng kinh phí cho nghiên cứu triển khai trong NN còn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu. Chất lượng quy hoạch còn hạn chế, thiếu sự liên kết, thống nhất giữa các loại quy hoạch, chưa gắn kết chặt chẽ với nguồn lực thực hiện.

Ngoài ra, việc phát triển các thành phần kinh tế trong lĩnh vực NN còn hạn chế, khi DN tư nhân là nhân tố quan trọng trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, nhưng quy mô còn nhỏ, chủ yếu là hoạt động dịch vụ và chỉ phát triển mạnh ở ven đô thị hoặc nơi có kết cấu hạ tầng tương đối phát triển. Việc triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình chuỗi sản xuất, thương mại, chế biến và phân phối sản phẩm khép kín, mô hình nông dân góp cổ phần với DN bằng giá trị quyền sử dụng đất, mô hình các HTX, tổ hợp tác kiểu mới, liên kết theo hợp đồng hay mô hình DN công nghệ cao dù được đánh giá là nhân tố mới nhưng còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện. Các HTX, tổ hợp tác gặp khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách của nhà nước, nhất là chính sách ưu đãi về tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng, ưu đãi đất đai...; sự vào cuộc của chính quyền địa phương ở một số nơi chưa quyết liệt, còn lúng túng trong việc chuyển đổi sản xuất hàng hóa quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn cả đầu vào lẫn khâu tiêu thụ...

Với những thực tế ấy, câu hỏi đặt ra là làm sao, làm thế nào để đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nhanh hơn, bền vững hơn?

Sớm ban hành Luật Bảo hiểm nông nghiệp

Theo tôi, trong giai đoạn tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu. Đầu tiên, đó là việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực NN. Điều này rất quan trọng, có tác dụng làm cơ sở cho mọi hoạt động đổi mới. Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản, nghiên cứu ban hành Luật Thủy lợi để thay thế cho Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi. Tiến hành tổng kết chính sách thí điểm bảo hiểm nông nghiệp nhằm sớm ban hành Luật Bảo hiểm nông nghiệp để bảo hiểm các hoạt động đầu tư, sản xuất NN của nông dân. Hai là phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất, trong đó tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất NN (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng miền; phát triển sản xuất với quy mô hợp lý các loại nông sản hàng hoá XK có lợi thế nông sản thay thế nhập khẩu. Thứ ba, đó là giải pháp về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường. Trong giải pháp này, cần cơ cấu lại thị trường nội địa, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; chú trọng hơn nữa vào phát triển thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số theo hướng khuyến khích phát triển DN xã hội đảm bảo lợi ích người sản xuất trực tiếp. Đối với thị trường XK, duy trì thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh.

Thứ tư, về ứng dụng KH&CN, việc cần thiết nhất là phải đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, nhất là việc nghiên cứu và chuyển giao, nâng cao chất lượng giống cây trồng, giống vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; ứng dụng công nghệ sinh học và xây dựng các khu NN công nghệ cao; nâng cao khả năng phòng ngừa và khắc phục dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi... Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các DN và HTX đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm thủy sản... Giải pháp thứ năm là về phát triển các mô hình liên kết, trong đó hình thành các hình thức tổ chức SX-KD hiện đại và chuyên nghiệp, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết dọc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm NN, liên kết với công nghiệp và kinh tế đô thị.

Ngoài ra, theo tôi, còn có các giải pháp về phát triển hạ tầng NN, nông thôn, nhất là nâng cao năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê biển và rừng phòng hộ ven biển, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, cụm dân cư, tạo điều kiện sống an toàn cho nhân dân, chủ động triển khai các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Về chính sách hỗ trợ tài chính, cần đa dạng hóa các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư phát triển mạnh hơn cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn. Trong đó, ưu tiên nâng cấp và xây dựng mới các hệ thống thủy lợi đồng bộ, bảo đảm an toàn về nước và có chính sách cho DN tham gia mô hình liên kết DN - nông dân được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để triển khai thực hiện mô hình liên kết. Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, điều quan trọng là tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT - XH từng địa phương, từng vùng và sát với nhu cầu, gắn với giải quyết việc làm.

Sông Hồng (Thực hiện)

Mới nhất
x
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO