Công tác đào tạo nghề - Những vấn đề đặt ra

08/08/2013 10:44

Với 62 cơ sở dạy nghề và có dạy nghề, Nghệ An là một trong những tỉnh có quy mô các trường dạy nghề lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, số lượng các trường dạy nghề đông cũng kéo theo một áp lực lớn về tuyển sinh, về đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật. Trong cuộc đua đó, gánh nặng luôn “đè” lên vai những trường có quy mô nhỏ, các trường thuộc vùng sâu, vùng xa.

(Baonghean) - Với 62 cơ sở dạy nghề và có dạy nghề, Nghệ An là một trong những tỉnh có quy mô các trường dạy nghề lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, số lượng các trường dạy nghề đông cũng kéo theo một áp lực lớn về tuyển sinh, về đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật. Trong cuộc đua đó, gánh nặng luôn “đè” lên vai những trường có quy mô nhỏ, các trường thuộc vùng sâu, vùng xa.

Khó trong tuyển sinh và đầu tư cơ sở vật chất

Với một hệ thống trường nghề khá quy mô (chiếm 42,76% khu vực Bắc Trung Bộ), Nghệ An được đánh giá là một trong những tỉnh có số lượng trường dạy nghề đông nhất cả nước. Tuy nhiên, công tác dạy nghề của tỉnh ta lại bộc lộ nhiều bất cập như mạng lưới cơ sở dạy nghề mặc dù phát triển nhanh nhưng quy mô đào tạo còn nhỏ, năng lực không đồng đều, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa hợp lý, chưa thu hút được học viên; cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo lao động kỹ thuật cao. Cơ cấu đào tạo chưa phù hợp, thiếu cân đối giữa đào tạo các cấp độ nghề, năng lực đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu, giảng dạy còn nặng về lý thuyết, nguyên lý, thiếu thực tế, mô hình.

Bất cập dễ nhận thấy nhất hiện nay là về cơ sở vật chất. Mặc dù toàn tỉnh có 62 cơ sở dạy nghề nhưng số trường có quy mô, được đầu tư bài bản chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn lại hầu hết trong tình trạng cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn chất lượng cao. Về Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Đô Lương, dẫn chúng tôi đi xem thực trạng của nhà trường, ông Hoàng Danh Trung - Phó Hiệu trưởng cho biết: Trường được thành lập đã hơn mười năm, nâng cấp lên trường trung cấp nghề từ năm 2010, nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vẫn chưa được “nâng cấp”.

Theo đề án, đầu tư trang thiết bị dạy học để đáp ứng quy mô trường trung cấp nghề là 100 tỷ đồng, trong khi đó 3 năm trở lại đây mới đầu tư được 3 tỷ đồng. Toàn trường chỉ có một dãy nhà học hai tầng đã xuống cấp, dãy nhà xưởng cấp 4 thì cũ kỹ, trông như một ngôi nhà hoang, rêu xanh mọc đầy. Bề thế nhất là dãy nhà ba tầng đang xây dựng dở dang. Trong phòng thực hành nghề may, cô giáo Nguyễn Thị Lương chỉ cho chúng tôi xem phần nền nhà lồi lõm, mái ngói thủng lỗ chỗ. Dàn máy may thực hành chủ yếu loại máy hiệu JuKi được đầu tư hơn mười năm trước. Em Lê Hữu Thành, sinh năm 1995, ở xã Lĩnh Sơn, (Anh Sơn) đang theo học nghề may tại trường chia sẻ “em dự định học nghề may để sang Nga làm việc nhưng cũng lo vì toàn thực hành trên hệ thống máy may đời cũ, không biết sang bên đó có sử dụng được máy móc hiện đại của họ không”.

Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật Công nghiệp Vinh, là trường trung tâm của thành phố nhưng hiện phải học phân tán “chia năm sẻ bảy”, trụ sở chính và cơ sở đào tạo nghề ngắn hạn nằm ở hai vị trí khác nhau trên đường Đinh Công Tráng (phường Lê Mao), khu giảng đường nằm ở đường Hồ Hán Thương (phường Cửa Nam), khu nhà xưởng nằm trên đường Trần Phú (phường Hồng Sơn). Trang thiết bị cũng chỉ dừng lại ở những điều kiện tối thiểu, chưa được trang bị máy móc, thiết bị thực hành hiện đại dù trường có nhiều ngành như điện công nghiệp, điện lạnh, công nghệ ô tô.

Tại Trường Trung cấp nghề kinh tế, kỹ thuật công nghiệp Nghi Lộc, ông Phạm Xuân Hồng, Hiệu trưởng nhà trường thừa nhận: Hiện hầu hết các môn học số lượng thiết bị thực hành đều chưa đáp ứng đủ theo như yêu cầu. Điển hình là ngành công nghệ ô tô môn mô hình cắt bộ chi tiết, theo quy định cần phải được trang bị 9 bộ nhưng hiện chỉ có 1, bộ dụng cụ nguội cần 3 nhưng cũng chỉ mới trang bị được 1. Vì thế, để đáp ứng đủ nhu cầu thực hành của học sinh và chương trình đào tạo, nhà trường phải tổ chức tăng ca, học thêm ngoài giờ.

Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu đồng bộ, thiếu hợp lý trong đầu tư. Bản thân các nhà trường cũng chưa chủ động trong việc xây dựng đề án, kế hoạch đầu tư trang thiết bị, còn mang tư tưởng trông chờ ỷ lại. Nhiều địa phương xem đó là việc riêng của ngành lao động, của tỉnh nên không hỗ trợ đầu tư nâng cấp trường, hay trang thiết bị dạy nghề, dù trường đứng trên địa bàn huyện, phục vụ công tác đào tạo nhân lực của huyện.

Bất cập trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kéo theo bất cập trong quá trình tuyển sinh, nhất là ở các trường tuyến huyện, trường miền núi. Hàng năm, căn cứ vào nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, tỉnh đều giao chỉ tiêu và cấp kinh phí đào tạo cho tất cả các trường thuộc khối công lập. Thế nhưng, số lượng học viên không đủ so với chỉ tiêu. Cứ đến mùa tuyển sinh là các trường phải chạy lo sao cho đủ “đầu vào”. Thậm chí một số trường còn có cơ chế “chi hoa hồng”, cho những người tư vấn, giới thiệu được nhiều học viên vào học. Một ngôi trường quy mô, với thế mạnh về đào tạo công nghệ ô tô như Trường Cao đẳng nghề kinh tế kỹ thuật số 1, thì ngành này một năm chỉ với 35 – 40 chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng tỷ lệ thu hút học viên cũng chỉ đạt từ 80 – 85%.

Ngay cả những trường có uy tín, thương hiệu, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tương đối tốt thì số lượng tuyển sinh vẫn chủ yếu tập trung ở các ngành “hot”, còn nhiều ngành khác, số học viên chỉ đào tạo cầm chừng. Trường Dạy nghề số 4 - Bộ Quốc phòng hiện có 15 ngành nghề đào tạo, mặc dù không đến nỗi khó khăn trong tuyển sinh như một số trường khác, nhưng theo Đại tá Lê Anh Dũng - Hiệu trưởng nhà trường thì cũng chỉ được một số ngành như công nghệ ô tô, điều hòa, điện lạnh… là đạt chỉ tiêu. Tương tự, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh mặc dù năm ngoái tuyển sinh cao đẳng nghề vượt 30% nhưng cũng có một số ngành mặc dù chỉ tiêu tuyển sinh có 25 học viên, không phải đóng học phí mà vẫn không có người học.

Nguyên nhân chính của tình trạng này đó là tâm lý “thích làm thầy hơn làm thợ” của nhiều học sinh và phụ huynh hiện nay. Bên cạnh đó, là do chương trình đào tạo, cũng như nhiều ngành nghề đào tạo của các trường chưa sát với thực tế; chưa quan tâm đến việc nắm bắt, khảo sát tình hình, thị hiếu, tâm lý, nhu cầu của các học viên và địa phương. Ví như, trong các trường, đào tạo ngành nghề cơ khí, công nghiệp ô tô, tiểu thủ công nghiệp nhiều, nhưng lại chưa tập trung vào các ngành, nghề mũi nhọn, thế mạnh để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, như: xi măng, vật liệu xây dựng, thủy điện, bia, chăn nuôi đại gia súc và chế biến sữa, vận hành và sửa chữa tàu thủy…

Để tìm hiểu về vấn đề trên, chúng tôi đến Công ty cổ phần bao bì và kinh doanh tổng hợp Nghệ An, đơn vị có 190 lao động sản xuất trực tiếp, trong đó 100% lao động được đào tạo nghề. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cũng chỉ mới được thực hiện sau khi các công nhân này vào làm việc tại nhà máy. Số đã qua đào tạo thì cũng phải đào tạo lại, bởi máy móc của công ty đa phần đều nhập về từ châu Âu, công nghệ mới. Đơn vị cũng muốn tạo điều kiện cho công nhân đi học, nâng cao tay nghề, nhưng hiện chưa có một trường nghề nào đào tạo riêng cho ngành bao bì - ông Phạm Quang Lĩnh, Trưởng Phòng Tổ chức cho biết.

Theo ông Nguyễn Trọng Thuyên -Trưởng khoa Công nghệ ô tô, Trường Cao đẳng nghề Kinh tế - Kỹ thuật số 1: Tâm lý học sinh thường sính bằng cấp, sính tên gọi của trường mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo. Cùng là cao đẳng nghề nhưng các em lại đổ xô vào các khoa nằm trong các trường đại học, chứ không thích bằng của các trường cao đẳng nghề. Ông Nguyễn Huy Lương -Trưởng phòng Đào tạo, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp Vinh cho rằng: Mạng lưới các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh quá dày đặc với 18/21 huyện, thành, thị có trường trung cấp nghề hoặc dạy nghề. Với những trường bé như chúng tôi, về huyện thì vướng “huyện”, còn ở thành phố, để “chọi” được với các “ông lớn” là điều không tưởng. Cần có sự phân cấp rõ ràng, đưa các trường về đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình, tránh lãng phí cơ sở vật chất và trang thiết bị, giáo viên,

Thực tế, số học sinh tiềm năng, có thể theo học nghề ở tỉnh ta không hề ít, nhưng số người đăng ký lại rất thấp. Như trong năm học 2011 – 2012, toàn tỉnh có 1.017 em tốt nghiệp THCS không tiếp tục học lên THPT nhưng chỉ có 17 em rẽ sang hướng học nghề - vào học trung cấp chuyên nghiệp. Tỷ lệ công nhân kỹ thuật cao qua đào tạo cũng chỉ mới đạt 5,54% năm 2010 và khoảng 9% năm 2012, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới hơn 45%, trong đó công nhân bậc cao (5, 6, 7) chiếm tỷ lệ hơn 1%. Vì sao lại có sự bất cập này, trong khi đó học sinh học nghề lại được Nhà nước hỗ trợ học phí, chi phí ăn ở. Câu trả lời nằm ở chất lượng đào tạo, nội dung đào tạo của chính các nhà trường.



Nhiều máy may ở Trường Trung cấp kinh tế kỹ thuật Đô Lương đầu tư
đã lâu nay lạc hậu.

Những mô hình hiệu quả

Tuy nhiên, trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh ta đã có những điểm sáng, đạt hiệu quả cao trong công tác đào tào nghề. Điển hình như Trường Trung cấp Nghề KTCN Yên Thành – ngôi trường được Tổng cục dạy nghề chọn xây dựng mô hình “trường dạy nghề nông thôn kiểu mẫu”. Đóng chân trên địa bàn một huyện thuần nông, nguồn lao động dồi dào, nhu cầu được học nghề lớn, nhà trường đã không ngừng vận động đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, liên tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo nghề… để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Ngay từ đầu mỗi năm học, trường đã phối hợp với các trường THCS, THPT và các địa phương thông tin tuyên truyền đến tận các gia đình, thôn xóm; phân công cán bộ, giáo viên bám sát các khu vực và xây dựng chỉ tiêu rõ ràng. Trường cũng chủ trương đào tạo phù hợp với từng đối tượng lao động, ngành nghề đào tạo để có thể giảm bớt cho học sinh những khó khăn khi tham gia học nghề hoặc có điều kiện phát huy tốt nghề của mình ngay tại địa phương. Trong 12 ngành nghề đăng ký đào tạo, thời điểm hiện nay trường tập trung đầu tư trọng điểm vào 3 - 4 nghề. Ví dụ, nghề may, vì trên địa bàn có một xí nghiệp may của Nhật Bản, các huyện lân cận như Đô Lương, Diễn Châu đều có công ty may có nhu cầu tuyển dụng lao động. Đối với nghề ngắn hạn, chú trọng nghề trồng, sản xuất nấm và chăn nuôi là những nghề nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện.

Nhà trường không khuyến khích đào tạo những ngành nghề không có cơ sở phát triển, vượt quá khả năng, qui mô thực tại và không có hiệu quả sau khi kết thúc khóa học của các học viên. Điều quan trọng là trường luôn gắn đào tạo với giải quyết việc làm, xem đây là yếu tố quyết định thu hút học sinh và lao động đến với trường nghề - ông Trần Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Trường còn thiết lập được mối quan hệ với nhiều công ty, tập đoàn lớn, tạo quy trình khép kín từ tuyển sinh, đào tạo và giới thiệu việc làm. Vì vậy, từ 3 năm trở lại đây, Trường Trung cấp nghề KTCN Yên Thành đã đưa nhiều học viên tốt nghiệp đi làm việc tại Công ty lắp ráp máy 3, Công ty lắp ráp máy 7, Công ty Cienco4, Công ty may Lan Lan (Thái Bình). Cụ thể, năm 2012, trường có 156/156 học sinh tốt nghiệp có việc làm, năm 2013 có 115/115 học sinh ra trường có việc làm.

Ở Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt - Đức, hàng năm, nhà trường đầu tư gần 5 tỷ đồng để phục vụ cho công tác đào tạo nghề. Đặc biệt, trường đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đào tạo từ xa bằng internet đa chiều tốc độ cao. Để nâng cao chất lượng dạy và học, hàng năm, cùng với việc mời chuyên gia trong nước đến bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho thầy, cô giáo và giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, toàn quốc, nhà trường còn mời chuyên gia Đức tham gia biên soạn các giáo trình khung cho một số nghề mới. Từ năm học 2004 đến nay, mỗi năm nhà trường hỗ trợ kinh phí cho 20 lượt cán bộ, giáo viên đi học đại học, cao học trong và ngoài nước.

Trong 10 năm lại nay, trường đã đào tạo được hơn 10.000 công nhân kỹ thuật có tay nghề cao cung cấp cho các ngành kinh tế của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ. Để tạo điều kiện cho các học sinh sau khi ra trường, hàng năm, nhà trường đã liên kết và tạo cầu nối với các đơn vị trong và ngoài nước để tạo cơ hội cho sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Trường cũng đã hợp tác với BQL xuất khẩu lao động ngoài nước - BQP, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tìm kiếm đơn đặt hàng và giới thiệu người lao động đi làm việc tại các nước như Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan, Ả Rập Thống nhất (UAE)…

Không chỉ các Trường nghề nỗ lực trong công tác đào tạo nghề, mà với phương châm “ cầm tay chỉ việc”, một số trung tâm dạy nghề cấp huyện ở miền núi cũng đã thành công với những mô hình chăn nuôi hiệu quả. Dù chưa được cấp kinh phí, thiếu giáo viên phải hợp đồng ngoài, nhưng 6 tháng qua, Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề huyện Anh Sơn vẫn mở được 12 lớp học nghề cho nông dân, trong đó 8 lớp chăn nuôi gia súc gia cầm, 2 lớp làm nấm, 2 lớp trồng mía, nhiều mô hình của bà con vùng dân tộc đã khẳng định hiệu quả

Tại xóm Trà Lân - xã Phúc Sơn (Anh Sơn), 35 học viên tham gia lớp học nghề trồng nấm do Trung tâm tổ chức đã nhanh chóng có sản phẩm. Sau hơn 1 tháng, mô hình đã thu hoạch được 4 kỳ sản phẩm nấm sò, nấm rơm, mỗi kỳ 4kg. Đến nay, có 4 hội viên đã biết tự trồng nấm tại nhà mình. Chị Nguyễn Thị Chính - Chi hội trưởng hội phụ nữ vừa là lớp trưởng lớp học nghề trồng nấm nói: Các gia đình ở đây ngoài đồng ruộng, không có nghề gì thêm, nay trung tâm mở lớp học nghề chúng tôi rất phấn khởi, có thêm nghề, có thêm thu nhập vì nấm rơm nguyên liệu dễ tìm, đầu tư ít, lại nhanh cho thu hoạch.

Ở bản Vĩnh Kim xã Hoa Sơn, phần lớn bà con đều tham gia mô hình nuôi gà lương phượng . Mỗi hộ sau khi học nghề, được đầu tư 50 con giống. Quá trình nuôi, được các kỹ sư của trung tâm hợp đồng hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc phòng dịch bệnh cho gà nên gà chóng lớn, chưa đầy 3 tháng, đã có trọng lượng 1,5-1,7kg/con. Ở Đỉnh Sơn cũng có trên 30 chục hộ nuôi gà lương phượng do trung tâm hướng nghiệp dạy nghề huyện trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật.

Bản Cao vều - xã Phúc Sơn, nhờ những mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm do Trung tâm dạy nghề với hơn 30 hộ tham gia nuôi lợn nái, lợn thịt, gà, vịt, dê, bà con ở đây không còn phải đi chặt củi bóc măng để bán, vừa làm cho rừng khánh kiệt mà vẫn không xoá được đói nghèo.

Đâu là giải pháp?

Thực tế cho thấy, khả năng nắm bắt thực tiễn để xây dựng kế hoạch tuyển sinh, chương trình đào tạo sát đúng với từng thời điểm, từng địa phương gắn với xu thế của thị trường và chủ động liên kết với các doanh nghiệp, các công ty để đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng gắn với giải quyết việc làm, đảm bảo đầu ra cho người học là một trong những yếu tố sống còn của các trường nghề hiện nay.

Bên cạnh đó để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thu hút học sinh đến với trường nghề, cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên theo xu hướng tinh về nghề. Thực tế hiện nay, chất lượng giáo viên ở một số trường nghề còn thấp và chưa đồng đều, tâm lý ngại đổi mới phương pháp dạy học đi đôi với tình trạng “dạy chay” rất phổ biến. Giáo viên trong các trường nghề vẫn nặng về “dạy chữ”, ít quan tâm “dạy nghề”. Tại cuộc họp nghe và cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ năm học mới đây đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy cho rằng “Đôị ngũ giáo viên dạy nghề của tỉnh ta hiện nay còn yếu, thầy kém thì không thể có trò tốt. Do vậy, phải rà soát, bổ sung giáo viên dạy nghề có trình độ cao, tay nghề cao, khắc phục tình trạng dạy chay, học chay”.

Tăng cường ngân sách Nhà nước, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển các trường, nghề chất lượng cao, các nghề tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực ASEAN, chuẩn quốc gia và cơ sở dạy nghề ở các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Nâng cấp và đầu tư mới các thiết bị dạy nghề phù hợp với thực tế sản xuất. Tránh tình trạng phải đào tạo lại trước khi sử dụng lao động đã qua đào tạo. Các trường cần phải tự vươn lên đảm bảo đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề tối thiểu cho các nghề đào tạo. Áp dụng công nghệ tiên tiến vào giảng dạy, giảm thời lượng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành. Đối với các trường còn thiếu về trang thiết bị nên chủ động liên kết với các cơ sở, xưởng sản xuất để không chỉ thực hành đơn thuần trên “mô hình”, mà học viên còn được trải nghiệm ở xưởng, thực tập với các máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại đang hiện hành. Bởi “thực hành nghề quyết định kỹ năng nghề”.

Điều quan trọng là phải xác định hiện nay tại tỉnh ta, tỷ lệ lao động trong môi trường nông nghiệp vẫn chiếm số đông. Do vậy, các trường, nhất là trường ở khu vực nông thôn cần tập trung vào những ngành nghề phù hợp liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, máy móc, cơ khí, ứng dụng KHKT vào sản xuất... phù hợp với công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay. Đối với lao động nông thôn, nên tăng cường hoạt động thực địa trên đồng ruộng, vườn, ao, chuồng, các mô hình kinh tế cụ thể... linh hoạt về mặt thời gian, phương pháp.

Chủ động mở những khóa đào tạo ngắn hạn vào các thời điểm nông nhàn, tạo điều kiện khuyến khích lao động nông thôn học nghề. “Các trường nghề ở khu vực nông thôn phải biết “liệu cơm gắp mắm”, không nên ôm đồm, mà nên căn cứ vào khả năng, điều kiện thực tế để tập trung đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn, thế mạnh của địa phương và nhu cầu người lao động...” - ông Trần Văn Tuấn - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề KTCN Yên Thành khẳng định.

Cũng cần phải nhấn mạnh, phần lớn người lao động ở tỉnh ta còn nghèo, không có điều kiện kinh phí để theo học các lớp đào tạo dài hạn, xa địa phương (có thể không phải đóng học phí, nhưng kinh phí ăn ở, đi lại cũng là gánh nặng đối với hộ nghèo, học viên nghèo). Vì vậy, cần điều chỉnh mức học phí hợp lý cho từng đối tượng, vùng, miền; có chính sách hỗ trợ cho người học nghề bằng cách hoặc nhà trường cho người lao động nợ học phí và trả dần sau khi ra trường, có việc làm; hoặc Nhà nước cho vay vốn để học nghề và sẽ trả dần theo từng giai đoạn... Các tổ chức hội hoặc chính quyền địa phương có thể phối hợp, hoặc chủ trì triển khai chính sách này.

Nghệ An đang trên đường phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Bắc Trung bộ. Vì vậy, cần xác định lực lượng lao động có tay nghề là một nguồn lực quan trọng. Mục tiêu, nhu cầu lao động qua đào tạo nghề đến năm 2020 là 390.000 người, trong đó lao động kỹ thuật là 125.000 người. Do vậy, việc đầu tư phát triển hệ thống các trường dạy nghề là một hướng đi đúng, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; với nhu cầu thực tiễn hiện nay. Quan trọng nhất là đào tạo nghề phải gắn với quy hoạch của từng địa phương, chú trọng chất lượng đào tạo, hỗ trợ, giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề, tránh để thất thoát và lãng phí về kinh phí, nhằm đảm bảo được chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.


Bài, ảnh: Hà Ly - S. Thuần

Mới nhất
x
Công tác đào tạo nghề - Những vấn đề đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO