Công tác tư tưởng tạo động lực cho sự nghiệp đổi mới

03/10/2013 22:08

(Baonghean) - Ngày 1/8/1930, nhân kỷ niệm ngày “Quốc tế đỏ”, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày Quốc tế đỏ 1/8” kêu gọi binh lính đoàn kết với nhân dân hưởng ứng cuộc đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc, bảo vệ hòa bình. Tài liệu này đã nhanh chóng đi vào quần chúng công nông binh, dấy lên cao trào đấu tranh cách mạng trong cả nước; ngày 1/8 trở thành mốc son lịch sử trong công tác tư tưởng của Đảng.

Theo đề nghị của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã chuẩn y lấy ngày 1/8 hàng năm làm ngày truyền thống công tác tư tưởng của Đảng. Trải qua 83 năm hoạt động, đội quân làm công tác tư tưởng đã trưởng thành vượt bậc, là một binh chủng tinh nhuệ đưa tiếng nói của Đảng đến với mọi tầng lớp nhân dân; công tác tư tưởng trở thành một động lực của cách mạng.

Thời kỳ còn hoạt động bí mật, trong điều kiện chưa nắm được chính quyền, Đảng ta đã sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền tư tưởng để giác ngộ giai cấp công nhân và nhân dân lao động tham gia phong trào cách mạng. Bằng các hình thức tuyên truyền tư tưởng sắc bén, Đảng ta đã giác ngộ và tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, tổ chức lực lượng để làm cuộc cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, đội quân làm công tác tư tưởng đã cổ vũ tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hàng triệu người dân Việt Nam, tạo nên sức mạnh thần kỳ của chiến tranh nhân dân chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, công tác tư tưởng đứng trước nhiệm vụ khó khăn phức tạp hơn. Đảng ta kiên định lập trường chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định con đường Bác Hồ đã chọn là độc lập dân tộc đi lên Chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta một lòng theo Đảng thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tuy nhiên, trong bối cảnh lịch sử mới, trên mặt trận tư tưởng có nhiều vấn đề phức tạp. Các thế lực thù địch không ngừng chống phá cách mạng Việt Nam bằng những thủ đoạn diễn biến hòa bình rất thâm độc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Trong nội bộ nhân dân, tình hình tư tưởng cũng có những diễn biến phức tạp. Nạn tham nhũng chưa được đẩy lùi, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…Thực trạng đó làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Trước những khó khăn, thử thách đó, đòi hỏi công tác tư tưởng phải sắc bén hơn, nhanh nhạy hơn, có sức thu hút mạnh hơn mới đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn. Công cuộc đổi mới được khởi xướng từ đại hội VI của Đảng (1986) với quan điểm xuất phát là đổi mới tư duy, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Từ đó đến nay, trải qua chặng đường gần 30 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển thần kỳ được cả thế giới ghi nhận, chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Tuy nhiên, trên lĩnh vực tư tưởng, do chưa thích nghi kịp với sự phát triển của kinh tế thị trường nên vẫn còn lực cản trong tiến trình đổi mới.

Tư tưởng bảo thủ, trì trệ trong một bộ phận cán bộ, nhân dân đang níu kéo sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Muốn đất nước phát triển thì phải giải phóng tiềm năng con người, trong đó yêu cầu đầu tiên là phải giải phóng tư tưởng của nhân dân khỏi những ràng buộc lạc hậu, bảo thủ. Trên ý nghĩa đó, công tác tư tưởng là một động lực của đổi mới. Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử đó, những người làm công tác tư tưởng phải tự đổi mới một cách toàn diện, vừa là chiến sỹ tiên phong của Đảng trên mặt trận tư tưởng, vừa là người khai thông tư tưởng của nhân dân để tạo động lực cho sự nghiệp đổi mới.

Báo Nghệ An

Công tác tư tưởng tạo động lực cho sự nghiệp đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO