Công trình 14 tỷ đồng phục vụ 1 lớp nấu ăn
((Baonghean.vn) - Mặc dù được đầu tư hơn 14 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, nhưng để kéo lao động về học tập tại trung tâm khó khăn, lý do là chỉ có 5 biên chế.
Tại cuộc làm việc với UBND huyện Quế Phong chiều 13/4 về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đồng chí Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ ra nhiều vấn đề cần quan tâm như: Tỷ lệ đói nghèo cao; quản lý, phân định các nguồn lực đầu tư xóa đói, giảm nghèo chưa rõ; bình xét hộ nghèo có nơi, có lúc chưa dân chủ, khách quan. Tư tưởng ỷ lại của một số cán bộ và hộ nghèo vẫn còn tồn tại; nguy cơ tái nghèo cao; tệ nạn xã hội đã, đang tác động tiêu cực đến xóa đói, giảm nghèo rất rõ rệt... |
Là huyện nghèo thuộc chương trình 30a của Chính phủ, công tác xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Quế Phong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thời gian qua.
Bên cạnh tập trung triển khai kịp thời, dân chủ, đúng đối tượng các chủ trương, chính sách hỗ trợ giảm nghèo các cấp, huyện cũng có những đổi mới, sáng tạo trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình địa phương.
Đặc biệt, huyện đã triển khai thực hiện 25 dự án, mô hình kinh tế có tác động tích cực đến công tác giảm nghèo, như cây chanh leo, cây lùng, cây dược liệu chè hoa vàng, lợn Sao Va, cá lồng, dưa nại, dưa rẫy.
Đồng chí Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Mai Hoa |
Huyện cũng phân công các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn nhận đỡ đầu, hỗ trợ giúp đỡ 2- 3 hộ nghèo/năm. Song song với đó tổ chức điều tra, đánh giá và phân loại hộ nghèo được chú trọng thực hiện.
Trên cơ sở xác định 4 nhóm nguyên nhân nghèo (do gia đình có người mắc tệ nạn xã hội; thiếu lực lượng lao động; lười lao động; không đủ nguồn lực phát triển kinh tế, chủ yếu rơi vào các gia đình trẻ mới tách hộ), huyện cũng đề ra các giải pháp tác động phù hợp.
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện tính đến thời điểm tháng 12/2016 vẫn đang chiếm 45,95%.Giải pháp được quan tâm nhất trong công tác giảm nghèo, đó là giải quyết việc làm cho người lao động.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Văn Minh làm rõ 4 nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nghèo cao trên địa bàn Quế Phong. Ảnh: Mai Hoa |
Song thực tế, theo ông Nguyễn Đậu Long – Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, vấn đề này đang rất khó khăn do lao động không được đào tạo nghề. Mặc dù huyện đầu tư hơn 14 tỷ đồng xây dựng Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, nhưng để kéo lao động về học tập tại trung tâm khó khăn. Lý do là trung chỉ có 5 biên chế, không có giáo viên cơ hữu; hầu hết các lớp được mở đều phải thuê giáo viên ở các trường nghề về dạy, dẫn đến chi phí cao.
Trong mấy năm, trung tâm phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề số 1, thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ mở duy nhất 1 lớp trung cấp nấu ăn, với 35 học viên; còn việc kết hợp với các doanh nghiệp để đào tạo lao động đi làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp thì chưa làm được. Do lao động không được đào tạo nghề nên cơ hội tìm việc làm khó khăn. Tính năm 2016, toàn huyện giải quyết việc làm mới được khoảng 1.600 lao động, trong đó có 120 xuất khẩu lao động ở các thị trường thu nhập thấp.
Đề cập đến giải pháp, đồng chí Lữ Đình Thi – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đề nghị các cấp, các ngành cần vào cuộc đẩy nhanh việc giao đất, giao rừng cho người dân yên tâm phát triển sản xuất; đưa Quế Phong vào vùng nguyên liệu giấy phục vụ cho nhà máy MDF Nghĩa Đàn...
Đoàn giám sát trao đổi với lãnh đạo xã Quế Sơn, huyện Quế Phong về các giải pháp giảm nghèo triển khai thời gian qua trên địa bàn. Ảnh: Mai Hoa |
Kết luận tại cuộc làm việc, đồng chí Hoàng Viết Đường - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tỉnh đánh giá cao những nỗ lực của Quế Phong trong công tác giảm nghèo thời gian qua. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng chỉ ra một số hạn chế, đó là tỷ lệ đói nghèo cao; quản lý, phân định các nguồn lực đầu tư xóa đói, giảm nghèo chưa rõ; bình xét hộ nghèo có nơi, có lúc chưa dân chủ, khách quan. Tư tưởng ỷ lại của một số cán bộ và hộ nghèo vẫn còn tồn tại; nguy cơ tái nghèo cao; tệ nạn xã hội đã, đang tác động tiêu cực đến xóa đói, giảm nghèo rất rõ rệt...
Nhấn mạnh yêu cầu tạp trung và quyết liệt hơn trong công tác giảm nghèo, đồng chí Hoàng Viết Đường đề nghị huyện tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nhằm thực hiện chủ tiêu giảm nghèo bình quân 4 – 5%/năm. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao hiệu qủa sản xuất, kinh doanh những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm của huyên. Coi trọng thu hút đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghệp, nông nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại...
Tiếp tục quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Quôc hội, Chinh phủ về giải pháp giảm nghèo bền vững; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, ý chí vươn lên thoát nghèo trong cán bộ và nhân dân; lấy tiêu chí giảm nghèo bền vững để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân người đứng đầu. Quan tâm lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, chương tình 30a, chương tình 134, chương trình 167, vay vốn tín dụng ưu đãi, nhằm thực hiện tốt xóa đói, giảm nghèo; ưu tiên sử dụng các nguồn lực đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả.
Mai Hoa
TIN LIÊN QUAN |
---|