Công trình xử lý nước thải hiện đại - Hạn chế ô nhiễm môi trường
Cùng với việc cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại 10 bệnh viện công lập trong tỉnh thì mới đây 4 bệnh viện đa khoa tuyến huyện ở Thanh Chương, Yên Thành, TX. Cửa Lò, Nghi Lộc được dự án LienAid (Singapo) tài trợ vốn đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
(Baonghean) - Cùng với việc cải tạo nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tại 10 bệnh viện công lập trong tỉnh thì mới đây 4 bệnh viện đa khoa tuyến huyện ở Thanh Chương, Yên Thành, TX. Cửa Lò, Nghi Lộc được dự án LienAid (Singapo) tài trợ vốn đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn.
Nghệ An hiện có 41 bệnh viện thì chỉ có 14 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải. Đó là các bệnh viện: Đa khoa tỉnh, đa khoa Thành phố Vinh, đa khoa Anh Sơn, đa khoa Quế Phong, Bệnh viện Quân khu 4, Bệnh viện Phong - Da liễu T.Ư Quỳnh Lập và 7 bệnh viện tư nhân khác. Các bệnh viện còn lại nước thải từ các nhà vệ sinh chỉ được xử lý bước 1 bằng các bể tự hoại, sau đó được xả thẳng ra môi trường xung quanh. Nước thải bệnh viện vô cùng nguy hại, không chỉ chứa chất các mầm bệnh mà còn cả hóa chất độc hại tồn dư lâu dài theo thời gian, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Duy Quế - chuyên viên Sở Y tế thì trước khi được đầu tư, nâng cấp, hệ thống xử lý nước thải, thì hệ thống xử lý nước thải ở các bệnh viện gồm: Bệnh viện đa khoa (ĐK) Quỳ Châu, Bệnh viện Y học cổ truyền, BV nội tiết, BV Tâm thần, BV Sản Nhi, BV ĐK Nam Đàn, Hưng Nguyên, Tương Dương, Thanh Chương, Yên Thành, Cửa Lò, Nghi Lộc đều không đạt tiêu chuẩn, nước thải được xử lý thủ công, tức là lọc bằng bể phốt rồi xả ra môi trường, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao.
Người dân sống xung quanh các bệnh viện đều phải chịu đựng và bức xúc, đặc biệt ở các bệnh viện sản nhi, bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Nhưng nay, được sự tài trợ của Dự án LienAid tài trợ 9,9 tỷ đồng, tương đương 70% giá trị công trình, 30% còn lại là vốn đối ứng của tỉnh, 4 bệnh viện tuyến huyện là đa khoa Cửa Lò, Nghi Lộc, Thanh Chương, Yên Thành đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải mới.
Cụm bể xử lý nước thải theo công nghệ của Nhật được đầu tư ở Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.
Dự án trên đầu tư các bể chứa, bể lắng lọc, bể khử trùng, nhà điều hành và thiết bị xử lý nước thải, còn hệ thống đường ống thu gom từ các khoa phòng về khu xử lý do các bệnh viện phải đầu tư xây dựng. Theo dự án: Hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện ĐK Thanh Chương được đầu tư trị giá 2,84 tỷ đồng, hệ thống xử lý nước thải bệnh viện ĐK Yên Thành trị giá 2,68 tỷ đồng, hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện ĐK Nghi Lộc trị giá 2,26 tỷ đồng, còn hệ thống xử lý nước thải Bệnh viện ĐK Cửa Lò trị giá 2,88 tỷ đồng. Khởi công xây dựng từ tháng 9/2012, đến tháng 5/2013, các hệ thống xử lý nước thải ở 4 bệnh viện trên đã được hoàn thành, vận hành thử, thay thế các hệ thống nước thải cũ.
Bên cạnh đó, được sự đầu tư của Trung ương, 10 bệnh viện công lập khác, trong đó có 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 6 bệnh viện tuyến huyện (gồm: Bệnh viện ĐK Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Tương Dương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Bệnh viện Tâm thần, y học cổ truyền, Sản Nhi, Nội tiết) đã được nâng cấp hoặc đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải. Với mục tiêu xử lý triệt để nước thải của các bệnh viện trước khi thải ra môi trường, các bệnh viện đã được ứng dụng công nghệ AAO phân tán của Nhật Bản, theo qui trình: Nước thải bệnh viện đi đến bể hợp khối bằng bê tông cốt thép, sau đó đi đến cụm thiết bị hợp khối (gồm bể hiếu khí, bể tách nước tuần hoàn, ngăn lọc sinh học, ngăn khử trùng, ngăn thu nước sau khi xử lý), sau đó nước thoát ra hệ thống thoát nước chung. Bùn lắng đọng trong quá trình xử lý ở cụm thiết bị hợp khối đưa về bể chứa bùn.
Quan sát các bể hợp khối, thấy đáy bể, thành bể, vách ngăn, nắp bể bằng bê tông cốt thép toàn khối, láng đáy, trát vữa xi măng dày, đảm bảo không thẩm thấu. Bác sỹ Phạm Văn Diệu - Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Do hệ thống xử lý nước thải cũ đã được đầu tư xây dựng quá lâu (từ năm 2004), đến nay không đáp ứng nhiệm vụ, mới đây bệnh viện được đầu tư hệ thống xử lý nước thải mới, công suất xử lý 250m3/ngày đêm. Hiện nay hệ thống xử lý nước thải cũ đã ngừng hoạt động, hệ thống nước thải của bệnh viện được dẫn sang xử lý ở hệ thống mới. Bệnh viện đang chờ các thủ tục nghiệm thu công trình, lấy mẫu thí nghiệm, cấp phép xả thải để vận hành thường xuyên.
Tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho 10 bệnh viện nói trên trị giá 68 tỷ đồng, mặc dù theo tiến độ đầu tư đến năm 2015 mới xong, nhưng đến nay các công trình đã hoàn thành xong, vượt tiến độ trước 2 năm. Khi đi vào vận hành chính thức sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm từ nước thải ở các bệnh viện này.
Tuy nhiên hiện nay, đối với 4 bệnh viện được hưởng tài trợ từ Dự án LienAid Singapo, do chỉ được tài trợ hệ thống chính, không đầu tư hệ thống thu gom nên hệ thống đường ống thu gom nước thải ở một số bệnh viện tuyến huyện xuống cấp, không thu hồi triệt để nước thải để xử lý. Chính quyền địa phương cần quan tâm, tìm nguồn vốn để đầu tư đồng bộ hệ thống. Và sau khi 14 dự án xử lý nước thải trên đi vào hoạt động thì cũng chỉ 28/41 bệnh viện yên tâm khi xả thải ra môi trường.
Châu Lan