Công trình ý nghĩa ở vùng lũ lụt

26/03/2013 14:04

Làm “ chạn” gỗ sát trần nhà để tránh lũ lụt, hay cán bộ xã phải đi sang các địa phương khác để xin gửi dân tránh nước lụt… Đó là chuyện xẩy ra vào mùa bão lụt tại các xã vùng thấp ở  Hưng Nguyên, Nam Đàn. Để giúp người dân vùng này từng bước khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã  đầu tư thực hiện thí điểm xây dựng chòi tránh lũ lụt tại xã  Hưng Nhân (Hưng Nguyên) và Nam Cường (Nam Đàn), bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

(Baonghean) - Làm “ chạn” gỗ sát trần nhà để tránh lũ lụt, hay cán bộ xã phải đi sang các địa phương khác để xin gửi dân tránh nước lụt… Đó là chuyện xẩy ra vào mùa bão lụt tại các xã vùng thấp ở Hưng Nguyên, Nam Đàn. Để giúp người dân vùng này từng bước khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã đầu tư thực hiện thí điểm xây dựng chòi tránh lũ lụt tại xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên) và Nam Cường (Nam Đàn), bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Từ làm “chạn” và di dân tránh lụt...

Phần lớn các gia đình ở Nam Cường (Nam Đàn) đều cũng làm “chạn” gỗ cao sát với trần nhà để tránh lũ lụt. Khi nào nước lụt dân cao vào nhà thì người dân trèo lên để ở và nếu nước lên quá cao thì người dân rất thuận tiện trong việc dỡ ngói chui lên mái nhà chờ cứu hộ. Được biết, Nam Cường là xã vùng thấp trũng của huyện Nam Đàn nên từ bao đời nay người dân đã quen với việc sống chung với lũ lụt và như vậy, bất cứ hộ nào trong xã, khi sửa chữa hay làm nhà ở thì điều đầu tiên là phải tính đến chuyện làm chỗ tránh nước lụt. Ông Thái Hồng Thắm ở xóm 4 cho hay: “Lúc nào bị lụt, tôi và nhiều người dân khác trong xóm lại đi tránh nước, bởi làm “chạn” tránh lụt trên trần nhà nhưng cũng chưa thật sự yên tâm, vì nhà đã làm lâu rồi nên hồi đó xây không cao, lại không chắc chắn, nên tốt nhất là đi tránh lụt”.

Ông Lê Trung Sinh - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết: “Vào mùa bão lụt, cùng với biện pháp di dân đến UBND xã, đến trường học và các gia đình có nhà cao tầng để tránh lụt, thì một phương án bảo đảm an toàn tính mạng người dân cũng như tài sản là đi tránh lũ. Sau khi nắm chắc dự báo thời thiết, các công văn, chị thị của tỉnh, huyện về từng đợt mưa, lụt, xã có phương án thực hiện 3 cụm di dời dân gồm cụm Tân Xuân người dân dời lên rú Khánh Sơn, cụm xóm 9, xóm 10 người dân đi lên đê bao sang rú Nam Kim và xóm 5, xóm Đông Thọ đi sang Hưng Nguyên tránh lụt. Hàng năm vào tháng 6, xã tổ chức diễn tập các phương án tránh lũ lụt với sự tham gia đông đảo các tổ chức, đoàn thể, lực lượng an ninh tự vệ, người dân cùng với các phương tiện hỗ trợ… Một thuận lợi nữa trong việc giúp dân Nam Cường tránh lũ an toàn là xã vừa khánh thành (ngày 20/11/2012) Trạm Y tế xã kết hợp nhà cộng đồng cao 2 tầng với tổng nguồn vốn hơn 4,2 tỷ đồng”. Làm “chạn” hay đưa người dân đi tránh lụt là những cách sống chung với lũ lụt của người dân Nam Cường, nhưng để bảo đảm an toàn cho người dân yên tâm, ổn định cuộc sống thì cần có giải pháp đồng bộ hơn.



Gia đình bà Võ Thị Nhuần ở xóm 6, xã Nam Cường được hỗ trợ nguồn vốn từ Nhà nước đã xây dựng chòi tránh lũ kiên cố.

...đến xây dựng chòi tránh lụt

Gia đình bà Võ Thị Nhuần ở xóm 6, xã Nam Cường (Nam Đàn) thuộc diện hộ nghèo, nên bao lâu nay gia đình bà mong muốn xây dựng được chòi tránh lũ lụt kiên cố bằng xi măng để yên tâm, ổn định cuộc sống, nhưng điều đó vẫn không thực hiện được. Vậy là cứ vào mùa bão lụt (từ tháng 8 - 10) thì cuộc sống của gia đình bà luôn bị xáo trộn và nơm nớp với nỗi lo nước lụt ngập, bà Nhuần cho biết: “Vừa qua, gia đình may mắn được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng và thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay 10 triệu đồng để xây dựng chòi tránh lũ. Để đủ chỗ cho cuộc sống của 4 người trong gia đình khi bị lụt, gia đình bà đã quyết định đưa số tiền tích góp nhiều năm và vay thêm của anh em họ hàng để xây dựng chòi tránh lũ lụt. Khởi công từ tháng 12 – 2012, đến nay chòi đã hoàn thành với diện tích xây dựng 20m2 cao 2 tầng với đầu tư hết 55 triệu đồng. Có chòi tránh lũ kiên cố, mùa lũ lụt gia đình không phải lên ở nhờ nhà anh em nữa và cả gia đình sẽ yên tâm ổn định cuộc sống”.

Được biết, xã Nam Cường có 50 hộ nghèo được sự hỗ trợ của Nhà nước 500 triệu đồng để đầu tư xây dựng chòi tránh lũ lụt do được hưởng lợi từ chương trình thí điểm xây dựng chòi tránh lũ lụt (theo quyết định 716/QĐ - TTg). Hiện nay, xã Nam Cường đã có 46 hộ hoàn thành việc xây dựng chòi và 4 hộ khác đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ông Trần Trung Dũng - cán bộ phụ trách địa chính - xây dựng xã Nam Cường nói: “Hiện nay nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đã về đến xã và chỉ chờ 4 hộ dân cuối cùng hoàn thành xong nhà và bổ sung đầy đủ thủ tục xã sẽ tiến hành giải ngân ngay. Còn nguồn vốn cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội thì đã cơ bản giải ngân cho các hộ dân. Hiện nay, với sự chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc tích cực của Ban chỉ đạo xã, 4 hộ còn lại đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng và dự kiến các hộ sẽ hoàn thành việc thực hiện thí điểm chòi tránh lũ lụt vào cuối tháng 3 này”.

Thực hiện chương trình thí điểm xây dựng chòi tránh lũ lụt (theo quyết định 716/QĐ - TTg) ở tỉnh ta được Nhà nước hỗ trợ 1 tỷ đồng và thông qua vốn vay ưu đãi 1 tỷ đồng (tại Ngân hàng Chính sách xã hội) cho 100 hộ dân tại xã Hưng Nhân (Hưng Nguyên) và Nam Cường (Nam Đàn). Đến nay, phần lớn các hộ đã và đang hoàn thiện công trình. Ông Nguyễn Đình Lợi - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Các chòi phòng tránh lũ lụt được xây dựng bằng vật liệu có chất lượng tốt, tường xây gạch, mái lợp phibro xi mằng hoặc tôn, khung sàn bê tông cốt thép. Đa số các hộ xây dựng chòi tiếp giáp với nhà ở đã có, một số gia đình lại xây dựng theo phương pháp cải tạo, nâng tầng nhà ở đã có sẵn, hoặc xây dựng nhà 2 tầng kiên cố để kết hợp tránh lũ…Chính vì vậy, các gia đình được hưởng lợi của chương trình đã đầu tư thêm 2,76 tỷ đồng để xây dựng chòi. Sự hưởng ứng tích cực này của người dân là một trong những yếu tố quan trọng góp nên sự thành công của chương trình”.

Hiệu quả của chương trình thí điểm xây dựng chòi tránh lũ lụt đã rõ, Tuy nhiên, chương tình hiện mới chỉ thực hiện trong phạm vi hẹp và mức độ hỗ trợ quá ít. Mong muốn của người dân nghèo tại các vùng thấp trũng trên địa bàn Nghệ An là cần tiếp tục đầu tư, mở rộng diện thực hiện để người dân có điều kiện xây dựng được chòi, yên tâm sống chung với lũ lụt.


Bài, ảnh: Hoàng Vĩnh

Công trình ý nghĩa ở vùng lũ lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO