Cử tri mong muốn có sự chỉ đạo đồng bộ trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em

Minh Quân 06/07/2023 20:21

(Baonghean.vn) - Đồng tình với những ý kiến chất vấn cũng như trả lời chất vấn về vấn đề phòng, chống bạo lực học đường, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các cử tri cũng đề xuất thêm những giải pháp, xuất phát từ tình hình thực tiễn của địa phương.

Ông Hồ Hữu Thọ - cán bộ hưu trí, xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ):

Tại phần chất vấn ở kỳ họp HĐND tỉnh lần này, tôi rất quan tâm đến phần trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác phòng, chống bạo lực học đường, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Bởi trẻ em là tương lai của đất nước, nhưng là chủ thể còn non nớt về thể chất và trí tuệ, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt về mọi mặt, từ sức khỏe, học tập, vui chơi, giải trí...

bna_Ông Hồ Hữu Thọ.jpg
Ông Hồ Hữu Thọ - cán bộ hưu trí ở xã Kỳ Sơn (Tân Kỳ).

Về cơ bản, phần trả lời chất vấn của lãnh đạo các ngành đã nêu rõ thực trạng, phân tích rõ những nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay, đặc biệt là vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích, phòng chống đuối nước, phòng, chống bạo lực học đường.

Tuy nhiên, theo tôi, lãnh đạo các ngành cần nêu rõ hơn những giải pháp để khắc phục những tồn tại trên. Ví như trong phòng, chống đuối nước ở trẻ em, tôi hy vọng sắp tới HĐND tỉnh sẽ có Nghị quyết về công tác này. Trong đó, tập trung vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học và vận động các đơn vị, cá nhân có bể bơi có chế độ ưu tiên, miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về chuyên môn đảm bảo vệ sinh, an toàn đối với các cơ sở tổ chức bơi, lặn, vui chơi, giải trí dưới nước trên địa bàn, rà soát, cảnh báo nguy cơ mất an toàn cho trẻ tại cộng đồng cũng như tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí an toàn cho trẻ.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung - Bí thư Đoàn xã Xuân Hòa (Nam Đàn):

Một trong những lĩnh vực được dư luận xã hội trong tỉnh quan tâm hiện nay là công tác phòng, chống bạo lực học đường; giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; phòng, chống đuối nước trẻ em; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...

bna_DungNĐ.jpg
Chị Nguyễn Thị Thùy Dung - Bí thư Đoàn xã Xuân Hòa (Nam Đàn).

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề này tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, tôi thấy các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu các câu hỏi đúng thực trạng mà dư luận xã hội quan tâm, các câu trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đúng trọng tâm và các giải pháp nêu ra phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, thực trạng được nêu tại phần chất vấn xác định rõ đó là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Do đó, khi triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường- gia đình - với tổ chức, đoàn thể tại địa phương, tạo cho học sinh có các hoạt động tập thể gắn liền với trách nhiệm cộng đồng, đồng thời, cần phải đánh giá xếp loại 2 chiều giữa nhà trường và tổ chức, đoàn thể tại cơ sở ( Đoàn Thanh niên- Hội đồng Đội). Các giải pháp thực hiện phải được phân công kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả khi thực thi.

Chị Phạm Thị Trà - công chức chính sách - xã hội xã Nghi Đồng (Nghi Lộc):

Qua trả lời của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường, bản thân tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến trả lời chất vấn.

bna_Phạm Thị Trà.jpg
Chị Phạm Thị Trà - công chức chính sách - xã hội xã Nghi Đồng (Nghi Lộc).

Tuy nhiên, với tư cách của một cử tri, tôi cũng chưa hoàn toàn thỏa mãn với những giải pháp mà lãnh đạo các ngành đề ra trong phần trả lời chất vấn. Thực tế tại địa phương chúng tôi, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện nay, công nghệ càng ngày càng phát triển, dẫn đến tình trạng học sinh lạm dụng để sử dụng điện thoại mà việc kiểm soát sử dụng các thiết bị công nghệ của các bậc phụ huynh gặp khó khăn. Công nghệ, mạng internet phát triển , nhiều bộ phim, video không đúng lứa tuổi, bạo lực được phát hành tràn lan, ảnh hưởng đến nhận thức, đạo đức của trẻ em.

Bên cạnh đó, tình trạng các gia đình ly hôn, bố mẹ đi làm ăn xa, trẻ em phải ở với ông bà nên việc giám sát, giáo dục trẻ em bị ảnh hưởng nhiều. Nhiều bậc phụ huynh còn bỏ mặc cho nhà trường và xã hội giáo dục. Nhận thức của một số bậc cha mẹ về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn hạn chế, nhất là giáo dục trẻ về giới tính, bảo vệ bản thân, phòng, chống xâm hại, phòng, chống đuối nước…

Do vậy, thời gian tới, tôi mong muốn các sở, ban, ngành cần có sự chỉ đạo đồng bộ trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống bạo lực học đường từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh và đổi mới các hình thức tuyên truyền, kết nối giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở; quan tâm phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng các khu vui chơi, bể bơi dành cho trẻ em tại cộng đồng, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ em…

Mới nhất

x
Cử tri mong muốn có sự chỉ đạo đồng bộ trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO