Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm: Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu

12/10/2015 15:37

(Baonghean) - Bên cạnh tập trung chỉ đạo khẩn trương lắp đặt máy móc, thiết bị, sớm hoàn thành đưa Nhà máy chế biến gỗ MDF và ván ghép thanh công nghệ hiện đại hàng đầu châu Âu vào hoạt động, một nhiệm vụ quan trọng mà Công ty Lâm nghiệp Tháng Năm đang triển khai là chuẩn bị nguyên liệu đầu vào.

Công ty TNHH 1TV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu ký kết hợp tác với Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An.
Công ty TNHH 1TV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu ký kết hợp tác với Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An.

Đồng chí Hoàng Viết Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá cao tầm quan trọng của dự án và coi Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm tại Nghĩa Đàn là điểm nhấn của bức tranh công nghiệp vùng Tây Bắc, là lối ra cho nghề trồng rừng trên địa bàn tỉnh, có ý nghĩa “đòn bẩy” trong chiến lược phát triển rừng và kinh tế - xã hội các huyện miền Tây Nghệ An. Ngoài giải quyết việc làm ổn định cho hơn 400 lao động trực tiếp tại nhà máy cùng hàng vạn lao động khác cho người dân xung quanh nhà máy và vùng nguyên liệu, dự án sẽ góp phần đưa nghề rừng Nghệ An có bước phát triển mới theo hướng bền vững. Vấn đề mà lãnh đạo công ty hết sức quan tâm là đi đôi với khẩn trương lắp đặt dây chuyền, đơn vị đã triển khai các hoạt động chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào, bởi chỉ có đảm bảo được nguồn nguyên liệu bền vững thì nhà máy mới hoạt động hiệu quả, tồn tại và phát triển.

Đơn vị đã phối hợp tổ chức điều tra, rà soát diện tích rừng trồng và quỹ đất chuẩn bị các phương án sản xuất, tạo nguồn nguyên liệu. Đặc biệt ngày 26/7/2015, công ty đã tổ chức hội thảo phát triển vùng nguyên liệu với sự có mặt đầy đủ các thành phần: UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan; đại diện lãnh đạo UBND các huyện và các doanh nghiệp lâm nghiệp, đơn vị trên địa bàn có diện tích rừng trồng để trình bày chủ trương, cơ chế chính sách của nhà máy trong tổ chức vùng nguyên liệu và ký kết các hợp đồng cung cấp nguyên liệu gỗ.

Dây chuyền sản xuất ván ghép thanh tại Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An.
Dây chuyền sản xuất ván ghép thanh tại Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An.

Theo lãnh đạo công ty, hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tổ chức, cá nhân trồng rừng. Qua số liệu tổng hợp trên địa bàn tỉnh có trên 100.000 ha rừng nguyên liệu, trong đó có tới hàng chục ngàn ha đã đến kỳ khai thác, chưa có đầu ra ổn định. Vì thế, trước mắt trong khi chưa xây dựng được vùng nguyên liệu riêng, công ty sẽ tập trung thu mua sản phẩm nguyên liệu rừng trồng cho các tổ chức, cá nhân. Nhằm tạo thuận lợi cho người trồng rừng bán sản phẩm nguyên liệu gỗ cho nhà máy, công ty thực hiện biện pháp thu mua linh hoạt như: Mua gỗ tại rừng, mua tại nhà máy, ở bìa rừng hoặc trên xe. Để làm tốt điều này, công ty phát huy nguồn lực tại chỗ, nhất là các đơn vị, cá nhân chuyên mua, bán gỗ và đội ngũ lao động làm thuê, lực lượng vận chuyển để hình thành mạng lưới thu mua tận gốc, giúp các hộ không có điều kiện nguồn nhân lực khai thác, vận chuyển về bán tại cổng nhà máy.

Tại các khu vực trọng điểm công ty sẽ đặt các trạm thu mua, thanh toán trực tiếp, kịp thời. Tuy nhiên, công ty cũng đã xác định: “Thời kỳ đầu, hình thức thu mua gỗ tại cổng nhà máy” vẫn là chính. Và để bảo đảm quyền lợi cho cả 2 phía, công ty niêm yết công khai giá và tiêu chuẩn từng chủng loại gỗ cần thu mua tại cổng nhà máy và các địa phương theo từng thời điểm, thực hiện thu mua sát giá thị trường; tổ chức bộ phận kiểm tra chất lượng gỗ, cân đo, thanh toán nhanh gọn, chính xác; hình thành bộ phận thị trường, kế hoạch nghiệp vụ sớm khảo sát nghiên cứu đưa ra các giải pháp điều chỉnh chính sách thu mua hợp lý, làm tốt việc ký thoả ước với các đại lý cung cấp gỗ rừng trồng cho Công ty theo kế hoạch cả năm, từng tháng, từng tuần, khắc phục các vướng mắc nảy sinh và các sự cố: bão lụt, ách tắc giao thông, bất khả kháng của đại lý… đảm bảo nguồn gỗ cung cấp cho nhà máy kịp thời, ổn định, không bị gián đoạn.

Chuyên gia nước ngoài giới thiệu dây chuyền sản xuất của nhà máy với cán bộ các đơn vị, địa phương và chủ rừng.
Chuyên gia nước ngoài giới thiệu dây chuyền sản xuất của nhà máy với cán bộ các đơn vị, địa phương và chủ rừng.

Đi đôi với thực hiện tốt chính sách thu mua, công ty đặc biệt quan tâm đến công tác trồng rừng. Do quy hoạch vùng nguyên liệu đất thuê 9.496 ha lại nằm ở 7 huyện và các xã, công ty không thể tự tổ chức sản xuất, quản lý và bảo vệ được nên sử dụng hình thức liên kết với Công ty CP Đầu tư - phát triển nguyên liệu Đông Bắc xây dựng vùng nguyên liệu trên địa bàn các huyện: Đô Lương, Tân Kỳ, Yên Thành, Tổng đội 6, Hoàng Mai với diện tích khoảng 4.200 ha và liên kết với Công ty CP Đầu tư - phát triển nguyên liệu Phủ Quỳ trên địa bàn các huyện: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, TX. Thái Hoà, Nghĩa Đàn với diện tích khoảng 5.200 ha để trồng, quản lý, bảo vệ diện tích rừng thuộc đất thuê. Để việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu có hiệu quả, khi có quỹ đất công ty triển khai xây dựng trung tâm nghiên cứu và ứng dụng phát triển các giống cây rừng.

Bên cạnh đó, công ty cũng tăng cường phối hợp với các địa phương đơn vị, chủ rừng trên địa bàn xác lập kế hoạch trồng hàng năm, triển khai hợp đồng nguyên tắc về nhận đầu tư ứng trước của công ty với các hộ, đơn vị trồng rừng. Đồng thời cam kết thu mua gỗ rừng trồng theo cơ chế thị trường và giá tại thời điểm khai thác; cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trồng rừng theo quy trình; cung ứng giống và vật tư, phân bón để người dân trồng rừng (nếu nhận đầu tư ứng trước); tạo cơ hội nâng cao năng suất, hiệu quả rừng trồng của chủ rừng. Ngoài ra, đối với những vùng rừng tập trung, công ty đầu tư máy làm đường lâm nghiệp để mở rộng vùng có đường lâm nghiệp. Qua đó giúp người trồng rừng vận chuyển vật tư, cây giống phục vụ trồng rừng và tạo thuận lợi trong việc khai thác, vận chuyển gỗ.

Một tín hiệu vui, đến đầu tháng 8/2015 đã có 5 doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng thỏa thuận với công ty sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. Đặc biệt, thời gian qua, công ty cũng đã phối hợp với ngành Lâm nghiệp tỉnh và các địa phương đẩy mạnh công tác trồng rừng nguyên liệu. Năm 2014, diện tích rừng trồng trong vùng quy hoạch nguyên liệu nhà máy là 13.652,9 ha, đạt 105,2% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2015, mặc dù trong điều kiện thời tiết nắng hạn nhưng trong vùng quy hoạch nguyên liệu nhà máy đã trồng 6.646,0 ha, đạt 53,2% kế hoạch năm .

Có thể nói công tác chuẩn bị nguyên liệu cho nhà máy đang được Công ty tiến hành khẩn trương, là tiền đề quan trọng để sớm giúp nhà máy bảo đảm nguồn nguyên liệu hoạt động ổn định, hiệu quả. Tuy nhiên vấn đề cần tiếp tục quan tâm tạo điều kiện là các cấp chính quyền và ngành liên quan sau khi phê duyệt quy hoạch sớm tạo quỹ đất để công ty chủ động trong xây dựng vùng nguyên liệu lâu dài cho nhà máy.

Hải Yến

Mới nhất
x
Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm: Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO