"Cú hích" cho ngành thủy sản

26/09/2014 20:10

(Baonghean) - Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP “Về một số chính sách phát triển thủy sản”, trong đó, trọng tâm là tạo điều kiện cho ngư dân có khả năng đầu tư tàu lớn đánh bắt hải sản xa bờ. Chỉ trong thời gian ngắn, bà con ngư dân trên địa bàn Nghệ An đăng ký vay vốn tín dụng ưu đãi đóng mới 874 phương tiện tàu cá và dịch vụ có công suất 400 CV trở lên. Tuy nhiên, theo chỉ tiêu quý IV/2014, Nghệ An chỉ được 50 chiếc; năm 2015 cũng chỉ có 50 tàu đóng mới được hưởng chế độ ưu đãi tín dụng.

Theo đó, Thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, mỗi địa phương được phân bổ 15 tàu, huyện Diễn Châu 5 tàu, huyện Nghi Lộc 10 tàu và Thị xã Cửa Lò 5 tàu. Tại Thị xã Hoàng Mai, trong số 15 tàu có 14 tàu cá và 1 tàu dịch vụ, trong khi có đến 282 ngư dân trên địa bàn đăng ký. Thị xã đã giao chỉ tiêu cho Quỳnh Lập 8 chiếc, Quỳnh Phương 6 và Quỳnh Dị 1 chiếc. Quỳnh Phương là đơn vị hoàn thành sớm nhất việc bình xét những chủ tàu được vay vốn ưu đãi.

Ông Nguyễn Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Phương cho biết: Sau khi nghị định ban hành, chỉ trong 1 ngày đã có 114 tổ tàu đăng kí, nhưng phường chỉ được phân bổ 5 tàu khai thác và 1 tàu dịch vụ. UBND phường đã phối hợp rà soát, xét duyệt cho các hộ anh Phạm Văn Mạnh, Hồ Xuân Mạnh, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hồng Sơn và Nguyễn Văn Phương được hỗ trợ đóng tàu vỏ thép công suất từ 800 đến 1000 CV. Ngoài ra, anh Trương Công Lai - người đã có kinh nghiệm lâu năm trong dịch vụ nghề cá và vốn đối ứng lớn, có cơ sở cấp đông trên 700 tấn, cũng nằm trong danh sách được vay vốn ưu đãi để đóng tàu dịch vụ. Nhìn chung bà con cơ bản đồng tình vì các khối đã hoàn thành công tác bình chọn, phường còn lập tổ rà soát để kết quả đảm bảo dân chủ và minh bạch.

Tàu cá 400 cv , giá trị trên 3 tỷ đồng của anh Nguyễn Văn Nhật ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu), chờ ngày hạ thủy.
Tàu cá 400 cv , giá trị trên 3 tỷ đồng của anh Nguyễn Văn Nhật ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu), chờ ngày hạ thủy.

Tại xã Sơn Hải, một trọng điểm trong khai thác hải sản của huyện Quỳnh Lưu, ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng đóng mới phương tiện khai thác hải sản, xã đã có 46 hộ sản xuất đã đăng ký vay vốn. Người dân rất mong muốn được quan tâm hỗ trợ vốn để có thể phát triển và nâng cao chất lượng đánh bắt xa bờ hơn nữa. Nhưng vẫn biết Nhà nước cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu của ngư dân mà phải chủ động phát huy nội lực của mình”.

Trao đổi về thực trạng “cầu vượt cung” trong việc triển khai Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh, ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở NN & PTNT cho biết: “Gói cho vay ưu đãi có thời hạn 11 năm mới thu hồi vốn, tài sản thế chấp được tính ngay giá trị con tàu hình thành từ vốn vay, lại được hỗ trợ từ 3% đến 6% lãi suất trong mức lãi suất 7% /năm nên rất có lợi cho ngư dân. Tuy nhiên, bà con cũng phải đáp ứng vốn tự có thấp nhất phải từ 5% giá trị con tàu (vì nhà nước chỉ cho vay 95% giá trị con tàu đóng mới vỏ thép và cho vay 70% giá trị con tàu vỏ gỗ). Giá trị tàu vỏ gỗ (bắt buộc công suất máy chính từ 400 CV trở lên) cũng phải trên 3 tỷ đồng, trong khi bà con phải đối ứng 30%, tức là mỗi chủ tàu phải có vốn ít nhất từ 900 triệu đồng trở lên. Như vậy, bà con ngư dân phải có nguồn tài chính, phương án sản xuất rõ ràng và tiêu chí làm ăn có hiệu quả (dựa trên nền tảng 3 năm trước liên tục có lãi) mới đáp ứng điều kiện vay vốn.

Chủ trương của Chính phủ nhằm mục đích căn bản hơn, lâu dài hơn là chỉ hỗ trợ, nhằm khuyến khích và thúc đẩy nội lực trong dân đẩy mạnh việc đầu tư. Đây có thể coi là cú hích, là chất xúc tác cho ngư dân”. Ngoài ra, theo Nghị định 67, để tránh chạy theo phong trào, việc đưa ra con số phân bổ vốn hỗ trợ không chỉ căn cứ vào nguồn lực tài chính của mỗi đơn vị và thực trạng, phương hướng phát triển nghề cá của ngư dân, mà còn phải căn cứ vào quy hoạch khai thác của tỉnh đến năm 2020 là đánh bắt xa bờ với những loại hình đánh bắt hiện đại, nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài. Vì vậy, một số địa phương như Diễn Châu, tập quán bao đời nay ngư dân thường dùng cách đánh bắt dạ đôi, kể cả khi được dự án tàu đánh bắt xa bờ cũng vẫn quanh quẩn trong lộng nên chỉ được phân khai vốn ưu đãi đóng mới 5 chiếc.

Như vậy, số lượng bà con ngư dân có nguyện vọng vay vốn đóng tàu mới công suất lớn trên địa bàn tỉnh là khá lớn, tuy nhiên chỉ tiêu được phân bổ lại có hạn nên việc xét duyệt cần được triển khai nghiêm túc, rõ ràng nhằm đảm bảo công bằng. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, cùng các phương tiện thông tin đại chúng cần tiếp tục giải thích rõ hơn điều kiện được vay vốn ưu đãi, thay đổi tư duy đánh bắt cho ngư dân… để chính sách hợp lòng dân này đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, góp phần khai thác hiệu quả hơn tiềm năng biển của nước ta.

Hoàng Quỳnh

Mới nhất

x
"Cú hích" cho ngành thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO