Cú "nước rút" ngoạn mục của mạng xã hội
(Baonghean) - Những ngày qua, gần như cả 90 triệu người Việt Nam, từ thôn cùng xóm vắng đến hải đảo xa xôi, ở trong nước và khắp nơi trên thế giới, đều quan tâm sâu sắc đến vụ việc ngày 1/5 Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Có lẽ chưa khi nào dư luận xã hội trong và ngoài nước hình thành một cách nhanh chóng và mạnh mẽ như các “làn sóng thần dư luận” để phản đối kẻ xâm lăng như hiện nay.
Các thông tin, hình ảnh mà cơ quan chức năng cung cấp về các hành động thể hiện ý đồ xâm lược ngang ngược và gây hấn trắng trợn của Trung Quốc như chúng láo lếu điều nhiều tốp máy bay, kéo hơn 80 tàu các loại đến hộ vệ giàn khoan, cố tình tấn công tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển Việt Nam... đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt và phủ khắp cộng đồng mạng. Cùng với đó, các hoạt động cương quyết thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp lý của lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam, sự khôn khéo và kiềm chế của lực lượng Việt Nam để không dính vào bẫy vu vạ thâm hiểm của Trung Quốc, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt, được cộng đồng mạng bày tỏ niềm tin, đồng tình với cách xử lý và đồng hành với các hoạt động bảo vệ chủ quyền.
Những thông tin về các biện pháp, các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên thực địa, trên các mặt trận chính trị, ngoại giao cũng được các trang mạng xã hội cập nhật, lan truyền như vũ bão trong từng phút, từng giây, làm cho nhân dân thêm tự tin và yên tâm vào kế sách giữ nước của ta. Vì vậy, chỉ trong mấy ngày hầu hết nhân dân trong nước và quốc tế đều đã hiểu đúng bản chất sự việc, có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ và kịp thời của các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế, song không thể không kể đến vai trò của các trang mạng xã hội - nhân tố phát huy vai trò truyền thông thực tế vô cùng hiệu quả, cần được ghi nhận và đánh giá một cách khách quan, kịp thời.
Cần thẳng thắn thừa nhận rằng, mạng xã hội luôn có tính hai mặt, luôn song hành yếu tố tích cực và tiêu cực (điều này kể cả báo chí chính thống cũng không tránh khỏi, có điều mức độ được kiểm soát cao hơn). Điều này chúng ta đã nhận thức rõ và cân nhắc kỹ khi chấp nhận ứng dụng và mở rộng mạng xã hội một cách rộng rãi ở Việt Nam. Tuy nhiên, để cảnh giác cao với yếu tố tiêu cực nên ở ta tồn tại không ít những ý kiến quan ngại, hoài nghi về hiệu quả xã hội của mạng xã hội.
Với một đất nước đang phát triển, luôn bị nhiều thế lực thù địch và phản động tìm mọi cách chống đối và chống phá, và trên thực tế có không ít thế lực thường xuyên sử dụng mạng xã hội để chống phá Đảng và Nhà nước, chống phá khối đại đoàn kết toàn dân và hợp tác quốc tế của Việt Nam, nên việc tồn tại tâm lý hoài nghi cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, với hoạt động của các trang mạng xã hội và cộng đồng mạng của người Việt, bằng tiếng Việt, trước sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, lại thể hiện tính tự giác, tính tự điều chỉnh về nhận thức chính trị, về các giá trị pháp lý, các chuẩn mực giá trị văn hóa, đạo đức và nhân văn của dân tộc rất rõ nét.
Phần lớn các tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội đều đã biểu thị một cách rất tự nhiên lối ứng xử có ý thức tự tôn dân tộc, có tầm văn hóa và trình độ dân trí tương đối cao. Những ngày này, vào các trang mạng xã hội, các trang thông tin điện tử cá nhân, facebook... bắt gặp rất nhiều những tín hiệu hội thoại, trao đổi, chia sẻ thông tin, giúp nhau uốn nắn những nhận thức phiến diện, lệch lạc, nóng vội, chủ quan..., nhiệt tình bổ cứu, củng cố, điều chỉnh và nâng cao nhận thức về chủ quyền, hay thẳng thắn, gay gắt tranh luận, phản biện về những phát ngôn thiếu trách nhiệm, thiếu suy nghĩ, tính toán...
Bên cạnh các văn bản ngôn ngữ viết, trên các trang mạng xã hội còn xuất hiện phong phú và đa dạng các hình họa, đồ họa, phim, nhạc, tư liệu... chính thống và phi chính thống, đều thể hiện chủ đề yêu nước, yêu hòa bình và độc lập, tự chủ. Nhiều tác phẩm thể hiện sự dày công đầu tư trí tuệ, tài năng... không chỉ đem lại những phút thư giãn thoải mái, mà còn gieo vào mỗi người tình cảm, ý thức trách nhiệm đối với quê hương, đất nước.
Vì thế, tuy là hoạt động trên mạng xã hội, các tài khoản cá nhân dù đứng tên thật hay nickname ảo, hầu hết đều gặp gỡ, gắn kết ở những điểm chung, ở sự hội tụ về tâm tư, tình cảm, trách nhiệm, ý thức cảnh giác, sự tỉnh táo, biết ta biết người. Điều đáng mừng là trong hoàn cảnh có vấn đề, trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, lại chính là lúc cộng đồng mạng thể hiện thái độ đồng thuận với Đảng, Nhà nước rất cao trong việc kiên quyết phản đối hành động xâm lược, đồng thời phải kiên trì tìm mưu tính kế để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ với sự hạn chế tổn thất đến mức thấp nhất có thể, trước kẻ đi xâm lược là một cường quốc về mọi mặt - trừ một số mặt như tinh tần thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền và các nguyên tắc quan hệ đã xác lập với Việt Nam.
Sự tự giác cao của các cá nhân tham gia mạng xã hội đã khiến cho những kẻ cơ hội lợi dụng “đục nước béo cò” không có “đất” để “diễn”. Một số kẻ lợi dụng bối cảnh khó khăn, tình thế hiểm nghèo, đưa ra không ít những phát ngôn nhen nhóm ý đồ chống phá, đưa ra những lời lẽ kích động, chỉ trích hòng gây chia rẽ nội bộ và phân tán sức mạnh Việt Nam... Nhưng trước sự kết nối chặt chẽ và sự cập nhật thông tin đầy đủ, kịp thời của cộng đồng mạng, những phát ngôn và lời lẽ có mục đích xấu lúc này chẳng khác nào những thanh âm lạc lõng, yếu ớt, những âm điệu sai cung lỗi phím, không có chỗ và không phù hợp với một đại hợp xướng hào hùng, bề thế, nhiều cung bậc, đa âm đa sắc nhưng lại hài hòa, thống nhất.
Còn nhớ, trong cuốn Thế giới phẳng (The World is Flat), cuốn sách được coi là “Tóm lược Lịch sử thế giới Thế kỷ 21” với phương pháp mổ xẻ cấu trúc đương đại của nền kinh tế và chính trị của thế giới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, tác giả Thomas L. Friedmen cho rằng mạng xã hội có thể coi là một trong những nhân tố góp phần làm phẳng thế giới. Đánh giá về sức mạnh truyền thông của mạng xã hội, tác giả này viết: “Tôi nghĩ đây chính là một thứ quyền lực thứ năm, tồn tại song song với các phương tiện thông tin đại chúng (theo dõi và cung cấp thông tin thô)...”. Quả vậy, cùng với các cơ quan báo chí, mạng xã hội đã giúp cho mọi người dân Việt Nam và yêu mến Việt Nam, yêu chuộng hòa bình và tôn trọng pháp luật... xóa nhòa các ngăn cách, khoảng cách, cả về không gian và thời gian, xích lại gần nhau “nối vòng tay lớn”, chống lại hành động xâm lấn của Trung Quốc trên biển Đông.
Đồng thời, cộng đồng mạng trong cộng đồng người Việt khắp nơi trên thế giới đã sử dụng mạng xã hội để kết nối với nhau và tạo thành “thế giới phẳng” về thông tin, là “mặt trận” vững chắc để bảo vệ sự thật, kịp thời đẩy lùi và đập tan những thông tin phiến diện, lồi lõm, bịp bợm và quỷ quyệt của truyền thông Trung Quốc hòng lừa dối nhân dân, quân đội Trung Quốc và dư luận thế giới. Với sức mạnh chân lý và chính nghĩa, cộng đồng mạng của người Việt đã phát huy kịp thời sức mạnh của “quyền lực thứ năm”, đi trước Trung Quốc một bước trong việc cung cấp sự thật đến nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới (trong đó có nhân dân Trung Quốc), thực sự đã tạo ra cú “nước rút” giành thắng lợi trước truyền thông Trung Quốc, mở đường cho sự thật, chân lý, pháp luật và chính nghĩa đi đến thắng lợi!
Ngô Kiên