Cử tri ghi nhận trả lời chất vấn của ngành Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp & PTNT

Nguyễn Hải 07/12/2023 12:27

(Baonghean.vn) - Nhiều cử tri ghi nhận kết quả trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh về kết quả giải quyết thu hồi đất sau khi sắp xếp các nông, lâm trường trong ngày làm việc thứ 3, kỳ họp HĐND tỉnh.

Các giải pháp gỡ vướng mắc cần cụ thể, sát thực hơn

Ông Hoàng Văn Lĩnh- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn) cho biết: Cử tri địa phương đồng tình cao với nội dung quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường và Tổng đội TNXP được HĐND tỉnh lựa chọn đưa ra chất vấn tại kỳ họp lần này. Tuy nhiên, bản thân thấy rằng các báo cáo, trả lời của các sở trước HĐND chỉ thể hiện khái quát chung của tỉnh mà khó có giải pháp đi sâu cho từng địa phương được. Bản thân lãnh đạo ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng thừa nhận do nhân lực Thanh tra chuyên ngành sở còn mỏng nên chưa lập đoàn kiểm tra chuyên đề về nội dung này mà chỉ tiến hành thanh tra các vụ việc qua khiếu nại đơn lẻ.

bna_Nông dân xã Nghĩa Hiếu khai thác vụ mía muộn.jpg
Nông dân xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn) khai thác mía sản xuất trên đất nhận giao khoán từ Nông trường Tây Hiếu 2. Ảnh: Nguyễn Hải

Qua theo dõi báo cáo và phần trả lời chất vấn vắn tắt của Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường và một vài sở ngành liên quan nhận thấy các trả lời cũng khá thẳng thắn và đi vào thực chất hơn.

Từ trước đến nay, nông trường mới chỉ bàn giao trên 10 ha cho địa phương nên người dân xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn) chủ yếu sản xuất trên đất do Nông trường Tây Hiếu 2 và Tây Hiếu 3 quản lý. Hiện tại, 720 ha của Nông trường tại xã được giao khoán cho nông dân trồng mía, ngô, ổi, quýt….

Đúng như đại biểu HĐND tỉnh phản ánh, dù sắp xếp, đổi mới lại nhưng Nông trường gần như chỉ mới đổi tên gọi, không đủ năng lực tổ chức sản xuất mà chỉ giao khoán đất cho dân để thu khoán. Các nông trường nói chung và Nông trường Tây Hiếu 2 và Nông trường Tây Hiếu 3 nói riêng, quá trình sắp xếp lại chỉ nên quản lý các vùng diện tích tập trung, đầu tư các cây dài ngày có giá trị kinh tế cao, còn các diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, trồng cây ngắn ngày thì nên trả lại cho địa phương để giao cho dân sản xuất.

Ông Kim Văn Hường - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Châu Hồng (Quỳ Hợp): Theo dõi báo cáo giải trình và trả lời chất vấn của lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT và Sở Tài nguyên và Môi trường, tôi nhất trí và chia sẻ các vấn đề mà tỉnh đang tập trung giải quyết. Diện tích tự nhiên của xã là 2.820 ha nhưng hơn 600 ha là đất khai thác khoáng sản và 120 ha đất sản xuất 2 vụ lúa, còn lại 876 ha đất rừng do Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống quản lý.

bna-anh Châu Hồng.jpg
Phần lớn diện tích tự nhiên của xã Châu Hồng (Quỳ Hợp) thuộc diện tích rừng phòng hộ và khai thác khoáng sản, chỉ 120 ha đất sản xuất 2 lúa nên nhu cầu về đất sản xuất cho dân còn lớn. Ảnh: Tiến Hùng

Trước đây, quá trình sắp xếp và chuyển đổi, Lâm trường Quỳ Hợp đã bàn giao 230 ha đất lâm nghiệp cho tỉnh và huyện đã bàn giao cho cộng đồng thôn bản quản lý, chưa giao cho các hộ nên cử tri xã Châu Hồng mong muốn tỉnh rà soát để xem xét bàn giao thêm diện tích đất rừng giao cho dân sản xuất. Nhân diễn đàn này, xã kiến nghị tỉnh xem xét thu hồi 33 ha hiện do Lâm trường Quỳ Hợp quản lý và trồng keo. Cùng với đó là 64,2 ha đất rừng phòng hộ mà Ban quản lý rừng phòng hộ đã rà soát, quy hoạch chuyển đổi sang trồng rừng sản xuất cũng nên sớm giao cho địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Nam - Chủ tịch UBND xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ: xã Tân Phú có địa bàn Công ty Nông nghiệp Sông Con đứng chân, quản lý toàn bộ đất sản xuất của xã nên xã gần như chỉ quản lý về mặt hành chính. Việc xây dựng phương án sản xuất hàng năm chủ yếu do nông trường phối hợp với các tổ đội sản xuất triển khai. Tuy nhiên, do chủ yếu là hình thức giao khoán nên mối liên kết này cũng lỏng lẻo.

Một mặt, việc Nông trường triển khai sản xuất cho nông dân, xã cũng đỡ vất vả nhưng mặt khác xã cũng khó giám sát được thực tế sử dụng đất của nông trường như thế nào. Vì thế, năm vừa qua, khi Công ty tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng 50 ha đất mà xã không nắm được. Ngược lại, có 5 hộ dân trên địa bàn xã đã làm nhà, ở ổn định trên đất gần 30 năm nhưng vẫn nằm trong ranh giới đất của Nông trường và khi các hộ khiếu nại về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì địa phương mới vào cuộc.

bna_Chế biến mủ cao su tại Công ty TNHH Nông nghiệp Sông Con.JPG
Thu mua, sơ chế mủ cao su tại Công ty TNHH 2 Thành viên Nông nghiệp Sông Con, Tân Kỳ. Ảnh: Nguyễn Hải

Nhân dịp này, địa phương kiến nghị sắp xếp, đổi mới nông, lâm trường cần theo đúng tinh thần của Nghị quyết 30/TW và Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, theo đó, các nông trường chỉ nên quản lý phần diện tích tập trung để tổ chức các mô hình sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại; phần diện tích manh mún, vùng hồ đập, bờ bãi thì nên xem xét để giao lại cho địa phương quản lý, tổ chức sản xuất.

Bố trí đủ kinh phí để đẩy nhanh tiến độ đo đạc, bàn giao đất

Cử tri Hoàng Văn Biết - Xóm trưởng xóm Nghĩa Dũng, xã Nghĩa Mỹ (TX. Thái Hòa) chia sẻ: Qua theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng, được biết, so với các địa bàn, việc bàn giao đất từ các nông trường trên địa bàn thị xã Thái Hòa đã phát huy hiệu quả. Cụ thể, khu vực xã, Nông trường Đông Hiếu đã bàn giao cho địa phương khá sớm. Cụ thể, xóm Đông Hưng, xã Nghĩa Mỹ từng là đất của Nông trường Đông Hiếu đã bàn giao cho người dân sản xuất nên rất phấn khởi.

bna_Người dân Thái Hòa trồng keo lai và tràm ngay bãi bồi sông Hiếu phát triển nhanh nhưng chưa hiệu quả kinh tế vì trồng quá dày và thu hoạch sớm.jpg
Do quỹ đất sản xuất bị thu hẹp nên người dân xã Nghĩa Hòa, nay là phường Long Sơn, TX. Thái Hòa tận dụng đất bãi bồi ven sông Hiếu để trồng keo lai. Ảnh: Nguyễn Hải

Tuy nhiên, hiện nay thị xã Thái Hòa cần quỹ đất để mở rộng Khu công nghiệp nên mong tỉnh rà soát lại diện tích nào mà giao cho các Nông trường trước đây nhưng sử dụng không hiệu quả thì tiếp tục rà soát để bàn giao sang cho địa phương quản lý. Cùng với bàn giao đất, tỉnh đồng thời bố trí kinh phí để đo đạc bản đồ, xác định lại ranh giới theo hiện trạng sử dụng mới; tổ chức bàn giao, cắm mốc trên thực địa để địa phương dễ quản lý, giám sát; ngăn ngừa các tranh chấp về sau.

bna_Thu hồi đất để mở rộng Cụm CN Nghĩa Mỹ Tx Thái Hòa.jpg
Một công ty dệt may đang san lấp mặt bằng lắp đặt nhà xưởng tại Cụm CN tại Nghĩa Mỹ, TX. Thái Hòa. Hiện tại, Cụm CN này được mở rộng diện tích từ 35 ha lên trên 70 ha. Ảnh: Nguyễn Hải

Cử tri Vũ Ngọc Lâm- Chủ tịch UBND xã, cư trú tại xóm Hợp Long, xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp): qua theo dõi phiên trả lời chất vấn của Sở Tài nguyên và Môi trường cùng giải trình của đại diện một số sở ngành liên quan nhận thấy việc thu hồi và quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường và Tổng đội TNXP khá phức tạp, có một phần do lịch sử để lại.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đã trả lời rõ ràng, nắm bắt được tiến độ giao, cho thuê đất, chấp hành nghĩa vụ với ngân sách của các công ty nông nghiệp sau chuyển đổi... Bên cạnh đó cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm chưa làm được và tồn tại trong quản lý hiện trạng sử dụng đất của các nông, lâm trường; sau khi bàn giao còn chậm tổ chức đo đạc bản đồ để cấp cho người dân.

bna_ Người dân Bãi Kè.jpg
Người dân khu vực xóm Bãi Kè, xã Đồng Hợp vào trồng cây trên đất Lâm trường Đồng Hợp sau khai thác thời điểm năm 2019. Ảnh: CTV Đức Thắng

Tình trạng quản lý đất nông lâm trường lỏng lẻo, các nông trường được giao diện tích lớn nhưng sử dụng kém hiệu quả trong khi người dân thiếu đất sản xuất là nguyên nhân dẫn đến các vụ việc tranh chấp đất đai giữa người dân và Lâm trường Đồng Hợp tại vùng Bãi Kè, xã Đồng Hợp (Quỳ Hợp) và Lâm trường Quỳ Châu tại Quỳ Châu. Hiện tại, mặc dù vụ việc tranh chấp đất rừng tại Bãi Kè đã tạm thời lắng xuống và UBND tỉnh đã có văn bản trả lời việc giao đất cho Lâm trường Đồng Hợp là đúng, chưa có cơ sở để thu hồi. Tuy nhiên, do thiếu đất sản xuất nên người dân vẫn mong muốn huyện, tỉnh tiếp tục rà soát để thu hồi đất của các lâm trường giao lại cho người dân sản xuất.

Mới nhất
x
Cử tri ghi nhận trả lời chất vấn của ngành Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp & PTNT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO