Cửa hội, vùng đất thiêng

27/02/2012 17:02

(Baonghean)- Từng ngược lên tận đầu nguồn Nậm Nơn, Nậm Mộ, từng vui hội nơi đầu nguồn dòng Lam, nay đầu Xuân, tôi quyết định “dong”  xe về Cửa Hội, nơi dòng Lam đổ về biển lớn. Sau những ngày mưa phùn gió bấc, một buổi chiều bỗng tràn ngập sắc nắng Xuân, tuyến đường sinh thái (đường ven sông Lam) dẫn tôi đến một vùng trời nước mênh mang, một vùng đất chứa đựng bao “trầm tích”  văn hóa.

(Baonghean)- Từng ngược lên tận đầu nguồn Nậm Nơn, Nậm Mộ, từng vui hội nơi đầu nguồn dòng Lam, nay đầu Xuân, tôi quyết định “dong” xe về Cửa Hội, nơi dòng Lam đổ về biển lớn. Sau những ngày mưa phùn gió bấc, một buổi chiều bỗng tràn ngập sắc nắng Xuân, tuyến đường sinh thái (đường ven sông Lam) dẫn tôi đến một vùng trời nước mênh mang, một vùng đất chứa đựng bao “trầm tích” văn hóa.


Trước khi hòa vào sóng nước biển Đông, dòng Lam có dáng vẻ thật hiền hòa, quyến rũ. Con nước này đã vượt qua hàng trăm thác ghềnh của dòng Nậm Nơn, Nậm Mộ để rồi gặp gỡ tại ngã ba Cửa Rào (Tương Dương) và “khai sinh” nên một dòng sông gắn liền với văn hóa xứ Nghệ. Từ đây về xuôi, sông Lam lại tiếp nhận nguồn nước của sông Huổi Nguyên, sông Con (sông Hiếu), sông Giăng, sông Rộ, sông La và hàng trăm khe suối khác để cùng về đây góp nước cho biển Đông. Phải chăng trải qua hành trình hơn 200 km (tính từ Cửa Rào) và miệt mài bồi đắp phù sa, tưới tắm cho những cánh đồng, bãi mía, nương dâu, dòng sông đã hoàn thành “sứ mệnh” nên rất đỗi thong dong trước khi đổ ra biển lớn?


Theo quan niệm dân gian, những nơi cửa sông, cửa biển là những vùng đất linh thiêng và văn hiến, là nơi thường xuất hiện những con người tài năng để lưu danh với cuộc đời. Thưởng ngoạn cảnh sông nước Cửa Hội, tôi nghĩ rằng mảnh đất nơi đầu sóng này chắc hẳn cũng đang chất chứa trong mình bao nhiêu “trầm tích” văn hóa và sản sinh không ít anh tài được lưu danh sử sách. Rồi chợt nhớ tới thầy giáo Trần Vân Nam, nguyên giảng viên bộ môn Triết học của Trường đại học Vinh. Nghe nói, từ khi về quê (xã Phúc Thọ, Nghi Lộc) nghỉ hưu, thầy dành phần lớn thời gian để tìm hiểu truyền thống lịch sử và văn hóa quê hương. Tôi quyết định đến thăm thầy và mong muốn nắm bắt được một phần rất nhỏ những giá trị văn hóa của vùng đất nơi hạ nguồn sông Lam.



Một thoáng Cửa Hội.

Trong ngôi nhà khá đơn sơ của một nhà giáo trọn đời gắn với những bài giảng, cuốn sách và con chữ, thầy Nam đưa tôi xem tập tài liệu viết tay có đề dòng chữ “Sơ quát lịch sử làng Phúc Thọ”. Thầy nói: “Đây là tất cả những gì thầy gom nhặt được kể từ khi về hưu. So với truyền thống lịch sử, văn hóa của mảnh đất quê hương, những gì thầy đã tìm được mới chỉ là hạt cát”.

Theo tư liệu thầy Trần Vân Nam thu thập được, vùng đất Cửa Hội thuộc phủ Vĩnh Doanh, là tiền đồn phía Đông Nam của quốc gia Đại Việt. Vào thời Hậu Lê, Thái úy - Quận công Nguyễn Sư Hồi (con trai trưởng của Thái sư - Cương quốc công Nguyễn Xí) được phong làm Trấn thủ thập nhị hải môn (quản lý 12 cửa biển từ Sầm Sơn đến Cửa Tùng) đã chọn vùng đất này lập đại bản doanh thủy quân. Từ đó về sau, các triều đại phong kiến Đại Việt đều chọn nơi đây làm căn cứ thủy quân để bảo vệ chủ quyền, lãnh hải. Nói vậy để thấy rằng, đây chính là mảnh đất tiền tiêu, là địa bàn chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ đất nước trước họa ngoại xâm.


Nói Cửa Hội là vùng đất thiêng bởi lẽ xưa kia dày đặc các công trình văn hóa tâm linh, thể hiện niềm tự hào trước bề dày truyền thống và tín ngưỡng của những con người quanh năm “ăn sóng, nói gió”. Mỗi một ngôi làng đều hiện hữu hệ thống đình, chùa và miếu mạo.

Trong đó, hai công trình nổi bật nhất là điện Đông Hải và đền Cổ Bái. Khoảng từ thế kỷ 14, người dân làng Cổ Đan và Lộc Thọ (nay là xã Phúc Thọ) lập miếu thờ anh hùng Yết Kiêu và Sát Hải Đại vương Hoàng Tá Thốn và tôn hai vị làm thủy tổ nghề sông nước. Cho đến khoảng giữa thế kỷ 18, chiếc miếu nhỏ ven sông được Hữu quan đô đốc Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh (1741- 1787), quê làng Cổ Đan huy động dân binh nâng cấp, xây dựng thành điện Đông Hải. Đền Cổ Bái là nơi thờ Tiến sĩ Phạm Huy, vị Thành hoàng của làng. Tộc phả dòng họ Phạm làng Cổ Bái ghi lại câu chuyện hai mẹ con hành khất từ vùng quê Hưng Yên tìm đến vùng Cửa Hội. Hai mẹ con vào một gia đình khá giả trong làng.

Thấy cậu bé Phạm Lồng dáng vẻ khôi ngô tuấn tú và thông minh, chủ nhà ngỏ ý muốn nhận làm con nuôi để chăm lo việc học hành. Phạm Lồng lễ phép cảm ơn lòng tốt của gia chủ và tỏ ý không muốn người mẹ phải đi hành khất một mình. Cậu chỉ ở lại khi người mẹ thân yêu được nhận vào giúp việc cho gia đình. Cảm động trước tấm lòng hiếu đễ của Phạm Lồng, chủ nhà đồng ý để hai mẹ con cùng ở lại với gia đình và cải tên cậu thành Phạm Huy với mong muốn cậu sẽ làm nên một sự nghiệp huy hoàng, rạng rỡ.

Người bố nuôi ra sức chăm sóc Phạm Huy ăn học, gửi cậu sang học tại nhà một thầy đồ ở làng bên. Với bản tính thông minh và linh hoạt, chỉ trong một thời gian ngắn cậu đã đuổi kịp và vượt qua các bạn đồng trang lứa. Đến khoa thi năm Qúy Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493), Phạm Huy ra kinh ứng thí và đỗ Tiến sĩ, được triều đình cho làm lễ vinh quy bái tổ. Sau khi đỗ đạt, Phạm Huy được triều đình bổ làm quan.

Mãn nhiệm, ông đưa cả gia đình về sinh sống tại làng Cổ Bái. Về đây, Phạm Huy giúp dân khai khẩn đất đai, mở mang sản xuất. Sau khi mất, ông được người dân làng Cổ Bái tôn làm Thành hoàng và lập đền thờ, hàng năm tổ chức tế lễ. Trải qua dòng chảy lịch sử với bao biến cố thăng trầm, đến đầu thế kỷ 20, cả điện Đông Hải và đền Cổ Bái đều bị đổ sập.


Thầy Trần Vân Nam dẫn tôi đến trước một tòa nhà được xây dựng theo kiểu kiến trúc cổ. Thầy giới thiệu: “Đây là đền Cổ Bái vừa mới được phục dựng”. Công trình được phục dựng bởi tấm lòng hảo tâm của lương y Phạm Thiên Long, hậu duệ của Tiến sĩ Phạm Huy, một người con của làng Cổ Bái thành đạt trên đất Sài thành.

Đền Cổ Bái được phục dựng khá uy nghi, hoành tráng nằm trong khuôn viên 700 m2, với các loại đồ tế khí cùng với hệ thống hoành phi, câu đối. Sau bao năm chờ đợi và hy vọng, từ năm 2003 người dân Cổ Bái lại có nơi để chiêm bái, gửi gắm tâm linh và củng cố tình đoàn kết cộng đồng.


Trước sân đền Cổ Bái, thầy Nam còn khẳng định vùng đất Cửa Hội không chỉ là “tuyến lửa”, “đất thiêng” mà còn là một vùng đất học.

Tính riêng xã Phúc Thọ đã góp cho đất nước 14 vị đại khoa dưới các triều đại phong kiến, được ghi danh bảng vàng. Tiêu biểu phải kể đến là Tiến sĩ Phạm Huy (1470 - ?), đỗ đệ tam giáp Tiến sĩ dưới thời Vua Lê Thánh Tông, làm đến chức Công bộ đô cấp sự trung và từng đi sứ nhà Minh; là Nguyễn Hữu Chỉnh (1741- 1787) văn võ song toàn, từng kinh qua chức vụ Bình chương quân quốc sự, Đại tư đồ và được phong tước Bằng quận công; là Nguyễn Ngọc (1815 - ?) đậu song nguyên Tiến sĩ khoa Tân Sửu (1841) dưới thời Vua Thiệu Trị- nhà Nguyễn, làm đến chức Tu soạn... Nghe nói, sinh thời, chí sĩ Phan Bội Châu đã từng về làng Cổ Đan để dạy học, khơi dậy tinh thần yêu nước và tuyển chọn những thanh niên ưu tú để xuất dương tìm đường cứu nước.


Những con thuyền trở về từ khơi xa khoang đầy ăm ắp cá. Niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt. Phía trước Cửa Hội là mặt biển bao la đang vẫy gọi. Bên cạnh là Thị xã Cửa Lò và Thành phố Vinh đang tiến nhanh trên hành trình kiến thiết, xây dựng. Chợt nghĩ, với bề dày truyền thống cùng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, vùng đất nơi hạ nguồn dòng Lam này mai đây cuộc sống sẽ có nhiều đổi thay.


Công Kiên

Mới nhất
x
Cửa hội, vùng đất thiêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO