Dồn điền đổi thửa - nhìn từ Diễn Châu
(Baonghean) - Chúng tôi về Diễn Châu một ngày tháng Tư, nắng trải vàng trên cánh đồng bao la bát ngát của vụ lúa đông xuân đang bắt đầu làm đòng. Trên con đường giao thông nội đồng thẳng tắp, rộng lớn, bà con nông dân mồ hôi đầm đìa trên lưng áo nhưng vẫn cười tươi, chuyện trò: "Đồng ruộng xanh tốt phấn khởi lắm...".
Chăm sóc lạc xuân ở Diễn Thịnh (Diễn Châu). Ảnh: Trần Cảnh Yên |
Diễn Tháp là một trong những xã làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa của huyện Diễn Châu. Năm 2013 xã đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến thời điểm này, Diễn Tháp đạt 17/19 tiêu chí, 2 tiêu chí còn lại đã và đang tiếp tục hoàn thành trong quý 3 năm 2014. Chị Chu Thị Khuyên - Chủ tịch UBND xã Diễn Tháp cho biết: Dồn điền, đổi thửa không phải là một tiêu chí cụ thể trong chương trình xây dựng nông thôn mới, nhưng có tác động đến các tiêu chí như nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Sau khi khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn, xét thấy Diễn Tháp là một xã khá giàu của huyện, tỷ lệ hộ khá giàu chiếm gần 80%, nhiều nhà cao tầng, giao thông liên xã, liên xóm hoàn chỉnh. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số bất cập, trong đó rõ nhất ruộng manh mún, thiếu nước tưới tiêu vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì thiếu trầm trọng, một số đồng ruộng còn bỏ hoang, đường giao thông nội đồng chật hẹp. Chính vì thế, chúng tôi xác định dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang lại đồng ruộng là khâu đột phá trong xây dựng nông thôn mới. Khi thực hiện "Dồn điền, đổi thửa" theo Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy, được sự chỉ đạo của huyện Diễn Châu, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã xác định đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn vì liên quan đến đất đai, tư liệu sản xuất chủ yếu của người nông dân. Nếu tiến hành không thành công sẽ rất dễ dẫn đến mất ổn định chính trị ở địa phương. Tư tưởng của đa số người dân không muốn có sự xáo trộn, nhất là đối với những hộ đang canh tác ở những thửa ruộng tốt, ruộng gần nên cũng có những khó khăn trong quá trình thực hiện".
Từ chỗ xác định được những khó khăn, cũng như tầm quan trọng của "Dồn điền, đổi thửa" nên cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân từ các buổi họp xóm chung đến giải thích riêng từng hộ một cách thấu đáo, rõ ràng, phân tích cho dân hiểu rõ hiệu quả sau dồn điền, đổi thửa. Ban chỉ đạo xã Diễn Tháp còn công khai bản đồ quy hoạch "Dồn điền, đổi thửa" để lấy ý kiến của dân. Những ruộng xấu cho dân tự chọn, gia đình nào xung phong chọn ruộng xấu được tăng thêm diện tích, ruộng đẹp bốc thăm để tránh bất hòa, xích mích trong dân. Vô cùng ngạc nhiên, không ít gia đình xung phong chọn những vùng đất xấu cho mình.
Chị Hoàng Thị Hoài ở xóm 8, xã Diễn Tháp cho biết: Ban đầu tui xung phong nhận ruộng xấu, chồng tui cũng đồng ý giống tui nhưng bố mẹ hai bên lại gàn. Nếu ai cũng sợ nhận đất xấu thì đất lại bỏ hoang. Xã làm rất công khai, minh bạch rồi, ruộng xấu cho dân tự nhận, đẹp mới đem chia, mình tiên phong nhận. Cả tháng trời hai vợ chồng quần quật ngoài đồng, hết cuốc cỏ, san đất, làm đêm lẫn ngày rồi đầu tư gần 7 triệu đồng thuê máy san bằng đất. "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", 7 sào ruộng vùng đất vừa cao lại vừa xấu, sau những tháng ngày vợ chồng dày công cải tạo, đầu tư tiền san bằng ruộng giờ đây gia đình chị có một thửa ruộng 7 sào, lúa tốt bời bời, ai cũng phải trầm trồ...
Còn xã Diễn Thắng - 1 trong 2 xã (Diễn Thắng và Diễn Cát) được huyện Diễn Châu chỉ đạo làm mô hình điểm dồn điền, đổi thửa, lúa đang bắt đầu làm đòng, thửa liền thửa đường rộng trên 4 mét, hệ thống kênh mương thẳng tắp chạy dài dọc con đường nội đồng ăm ắp nước. Diễn Thắng trước đây ruộng không ra ruộng, manh mún, nằm xen kẽ trên khắp các xứ đồng, bình quân 4 - 5 thửa/hộ, cá biệt có hộ gần chục thửa. Mương máng, bờ vùng, bờ thửa có tới hàng nghìn mặt bờ lớn nhỏ, việc đi lại phục vụ sản xuất hết sức khó khăn. Thu nhập thấp, thiên tai bão lụt khó lường nên một số bộ phận nông dân có biểu hiện chán nản, không thiết tha gắn bó với đồng ruộng. Khi có chủ trương "Dồn điền, đổi thửa" ban đầu bà con không đồng thuận, sợ phải đóng góp nhiều, nhận phải ruộng xấu, nặng nề tư tưởng thiệt - hơn...
Khi tiếp nhận đầy đủ các chủ trương của tỉnh, của huyện về dồn điền, đổi thửa, bà con từ lắng nghe đến đồng thuận, thực hiện. Chị Nguyễn Thị Nhung, nông dân xóm 5, xã Diễn Lộc đang chăm sóc thửa ruộng rộng 5 sào tâm sự: "Sau khi được ban cán sự xóm tổ chức họp xóm, phân tích, công khai minh bạch, cho dân xem bản đồ quy hoạch chi tiết giao thông, thủy lợi nội đồng... người dân đồng lòng hưởng ứng. Gia đình tui xung phong nhận 5 sào đất xấu để cải tạo lại, vụ lúa đầu tiên phát triển tốt gia đình rất phấn khởi...". Cùng chung niềm vui với chị Nhung thì bác Cao Thị Đường (ở xóm 8) cũng mạnh dạn nhận 5 sào đất hoang, cao, xấu, hôm nay, nhìn vụ lúa xuân đầu tiên trên những thửa ruộng bỏ hoang xưa phát triển xanh đồng, bác Đường rất vui: "Một số bà con thấy tui nhận cũng nhận theo, bây giờ họ cũng phấn khởi như tui, giờ cứ việc chăm bẵm thôi, đồng ruộng rứa là ổn rồi".
Chăm sóc lúa xuân ở Diễn Lộc. |
Không riêng ở Diễn Thắng, Diễn Tháp mà nhiều xã như: Diễn Cát, Diễn Liên, Thọ, Diễn Lộc, Diễn Nguyên, Diễn Lợi, Diễn Xuân… cũng làm tốt công tác dồn điền, đổi thửa. Ông Lê Văn Cầm - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Diễn Châu cho biết: “Đúng là “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Nhờ sức mạnh của nhân dân, tình đoàn kết, đồng thuận từ huyện đến cơ sở, sự chỉ đạo sâu sát từ huyện đến xã, xóm và đến tận người dân, việc triển khai dồn điền, đổi thửa được tiến hành rất tốt, về đích sớm 2 năm so với mục tiêu tỉnh giao. Có 35/37 xã (không tính thị trấn và Diễn Bích) thực hiện hoàn thành dồn điền, đổi thửa theo Chỉ thị 08 của BTV Tỉnh ủy. Tổng diện tích đất nông nghiệp đưa vào dồn điền, đổi thửa là 131.985,8 ha. Tổng số hộ tham gia chuyển đổi 52.596 hộ, hiến đất, góp đất làm giao thông thủy lợi và xây dựng công trình phúc lợi.
Sau khi có chủ trương về dồn điền, đổi thửa, Ban Thường vụ Huyện ủy họp, chỉ đạo tất cả các cán bộ, gia đình, công chức có ruộng từ xã đến huyện đều phải thực hiện. Những địa phương làm không tốt sẽ xem xét cán bộ chủ chốt (bí thư, chủ tịch) bố trí vào nhiệm kỳ tới. Thành lập ban chỉ đạo do đồng chí chủ tịch huyện, chủ tịch xã làm trưởng ban và phân công tổ công tác do các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy làm trưởng đoàn chỉ đạo các cụm về công tác dồn điền, đổi thửa. Hàng quý Ban Thường vụ Huyện ủy nghe quá trình chỉ đạo của các tổ... Ngoài triển khai 2 xã điểm: Diễn Thắng và Diễn Cát hoàn thành trong năm 2014, huyện sẽ tiếp tục triển khai, chỉ đạo nhân rộng mô hình trên toàn huyện...
Thu Hương