Của quý vô giá!

06/06/2014 15:39

(Baonghean) - Ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”. Sở dĩ Người nói vậy là vì, người cao tuổi, tuy sức khỏe không bằng lúc còn trẻ nhưng có những mặt mạnh cơ bản, đó là có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc; tích lũy được vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng phong phú; được sự tôn trọng, tín nhiệm cao trong xã hội. Cho nên cần phải có cơ chế, chính sách và các cách thức phù hợp để phát huy có hiệu quả những vốn quý đó vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những lời đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng có tính thời sự. Bởi lẽ, nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ nhanh nhất và sẽ tiến tới giai đoạn “dân số già” ngắn nhất so với các nước trên thế giới. Kết quả cuộc Điều tra biến động dân số vào tháng 4/2011 cho thấy, số người từ 65 tuổi trở lên của nước ta là 7%. Như vậy, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số”. Và với tình hình như vậy thì người cao tuổi đang dần trở thành một nguồn lực ngày càng quan trọng. Vì thế, việc trọng dụng, khai thác, phát huy những thế mạnh của người cao tuổi không chỉ là thể hiện sự tôn kính, coi trọng người cao tuổi mà còn là một xu thế bắt buộc trong tương lai gần. Vấn đề đặt ra ở đây là phát huy những thế mạnh, giá trị của người cao tuổi như thế nào cho phù hợp.

Trước hết phải thấy, người cao tuổi tuy sức khỏe kém, nhưng có vốn sống và tri thức, kinh nghiệm phong phú tích lũy từ nhiều năm. Do đó, cần bố trí các cụ phát huy tác dụng của mình vào những môi trường thích hợp. Như là trong phong trào xây dựng gia đình văn hóa, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Bắt đầu bằng những việc cụ thể, nhẹ nhàng trong mỗi gia đình là dạy dỗ con cháu giữ đúng đạo lý, nếp sống truyền thống. Nêu tấm gương sáng về đức hy sinh, cần cù, nhân hậu, vị tha tạo ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển nhân cách của lớp trẻ ngay từ thuở ấu thơ. Tuyên truyền, quảng bá lối sống tích cực “ở hiền gặp lành”, với quan niệm “sống hiền lành nhân hậu, để phúc đức cho con cháu” trong gia đình rồi lan tỏa ra các gia đình xung quanh. Góp phần xây dựng nên một xã hội sống có tôn ti, trật tự và lành mạnh, biết đoàn kết, yêu thương nhau.

Không chỉ thể hiện vai trò, vị thế của những người làm ông, làm bà trong từng gia đình mà cấp ủy, chính quyền ở cơ sở cần biết bố trí, vận dụng vào các công việc xã hội khác như tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào phong trào xây dựng nông thôn mới ở khu vực nông thôn. Cụ thể là tuyên truyền, vận động con cháu, gia đình và dòng họ dồn điền đổi thửa theo quy hoạch; tự nguyện đóng góp công sức tiền của, hiến đất, hiến tài sản, vật liệu xây dựng để mở rộng đường giao thông liên thôn, liên xã, xây dựng nhà văn hóa và các công trình phúc lợi tại địa phương...; đi cùng với đó là phát huy khả năng, thế mạnh, kinh nghiệm tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Trong thực tế, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới là người cao tuổi. Còn ở thành thị thì mời các cụ tư vấn và tham gia vào phong trào giữ gìn an ninh trật tự của các khu phố, tổ dân cư; tham gia các tổ hòa giải… Nói tóm lại nên mời gọi, động viên, thuyết phục và bố trí người cao tuổi tham gia vào các công việc cần sử dụng nhiều đến tri thức, kinh nghiệm sống của họ.

Người cao tuổi có vai trò rất lớn trong việc hình thành những giá trị văn hoá gia đình. Họ là những người chọn lọc, phát triển và cuối cùng là truyền lại những giá trị văn hoá tốt đẹp ấy cho các thế hệ kế tiếp. Phát huy những giá trị của người cao tuổi chính là cách ứng phó hiệu quả nhất đối với một xã hội già hóa. Tận dụng kinh nghiệm và chất xám của họ để biến những thách thức từ sự già hóa dân số thành cơ hội và động lực của sự phát triển.

Mặt khác, để người cao tuổi có đủ sức khỏe để phát huy hết giá trị, tác dụng của mình phục vụ cho sự nghiệp chung thì xã hội cũng phải có sự quan tâm, chăm sóc tương xứng. Trên thực tế thì Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo cho người cao tuổi một cách cụ thể, thiết thực. Nhờ đó mà tuổi thọ bình quân của nước ta ngày càng cao. Tuy nhiên, trong công tác chăm sóc người cao tuổi vẫn còn nhiều bất cập, một số chủ trương, chính sách dành cho người cao tuổi triển khai còn chậm như việc thành lập Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi tại xã, phường còn gặp nhiều khó khăn. Mức trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi thấp. Đời sống một bộ phận người cao tuổi ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn nhiều thiếu thốn…

Duy Hương

Mới nhất
x
Của quý vô giá!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO