Cửa thoát hiểm bị vô hiệu hóa: Nguy hiểm rình rập

11/06/2013 15:31

(Baonghean.vn) - Khi xe xảy ra sự cố cháy nổ hoặc tai nạn thì cửa thoát hiểm là con đường nhanh nhất giúp người bị nạn tự cứu mình. Thế nhưng, có một thực tế là nó không được hành khách và chủ nhà xe quan tâm...

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn xe Khách nghiêm trọng làm nhiều người chết và rất nhiều người bị thương. Điển hình như vụ tai nạn ở Quảng Nam, Khánh Hòa… Đứng trước tình trạng tai nạn giao thông xảy ra liên tục với mức độ cực kỳ nghiêm trọng, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp tích cực. Chiều 3/6, tại Hà Nội Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ký Chương trình Phối hợp công tác giữa Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Bộ Y tế nhằm giảm thiệt hại an toàn giao thông. Sau đó 3 ngày, mùng 7/6/2013, sau khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc tại địa phận xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa làm 7 người chết và 21 người bị thương, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu sớm khắc phục hậu quả và có các giải pháp chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông trên tuyến đường Đà Lạt - Nha Trang.

Chiều 10/6, Bộ trưởng, Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban ATGT Quốc gia Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp với Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia, các cơ quan tham mưu của Bộ bàn các giải pháp quản lý hiệu quả hơn nhằm ngăn chặn tai nạn. Tham dự buổi họp còn có các Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, Lê Đình Thọ, Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp… Những giải pháp trên cực kỳ kịp thời và thiết thực. Thế nhưng về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có nhiều giải pháp đồng bộ hơn, trong đó cần đặc biệt chú ý tới vấn đề cửa thoát hiểm trên các phương tiện xe khách và xe bus.

Cửa thoát hiểm - một chi tiết nhỏ, nhưng cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến mức độ của mỗi vụ tai nạn mà chúng ta ít để. Cửa thoát hiểm chính là cửa kính nằm dọc hai bên xe với mục đích khi xe xảy ra sự cố thì hành khách có thể thoát ra ngoài một cách an toàn và nhanh nhất. Cửa thoát hiểm cũng có nhiều loại, những dòng xe khách trước đây dùng cửa có nắm đấm có thể kéo ra và đóng vào. Cùng với sự phát triển của ngành vận tải nói chung và vận tải xe khách nói riêng, những chiếc xe giường nằm, điều hòa máy lạnh, khép kín thay thế dần những chiếc xe “đò” trước đây. Loại xe này có đặc điểm là kín để chạy điều hòa, nên cửa thoát hiểm được làm cố định không thể đóng mở, khi có sự cố khách hàng dùng búa nhỏ gắn trên cửa để mở.

Thế nhưng, hiện rất nhiều xe khách không trang bị thiết bị búa thoát hiểm cho xe. Không chỉ xe khách mà ở Hà Nội cũng có rất nhiều xe bus không trang bị. Đặc biệt là có nhiều xe bus cũ, vẫn dùng cửa thoát hiểm bằng nắm đấm có thể kéo ra đóng vào, nhưng bị một số tài xế và phụ xe lấy đinh vít chèn lại không thể mở ra được nữa. Vì thế, nếu xe xảy ra sự cố cháy nổ, hoặc tai nạn mà muốn giải thoát hết một lượng người rất lớn trong lúc tinh thần hoảng loạn bị kẹt ra khỏi xe bằng một cửa (đối với xe khách) và hai cửa lên và xuống (đối với xe bus) là điều không thể. Và cũng chính vì cửa thoát hiểm bị vô hiệu hóa, các lực lượng cứu hộ tiếp cận với người bị nạn cũng gặp nhiều khó khăn. Kết cục là có nhiều người chết hơn, nhiều người nguy kịch hơn.

Anh Cao Văn Dương - sinh viên năm cuối trường Đại học Kỹ thuật - Hậu cần Công an Nhân dân, một hành khách thường xuyên đi xe chuyến Vinh – Hà Nội chia sẻ, thường thì anh không chú ý đến cửa thoát hiểm. Và nếu có xảy ra tai nạn thì anh không hy vọng mình thoát ra ngoài bằng cửa chính vì thứ nhất là xa, thứ hai lúc đó trong xe sẽ rất hoảng loạn khó mà chen lên cửa chính được.

Như vậy, chính sự chủ quan của hành khách và sự thờ ơ, coi thường tính mạng người dân của những chủ xe, những công ty vận tải hành khách là một trong những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những hậu quả nặng nề khi xảy ra tai nạn.


Cao Sỹ Hòa - Xóm 19 - Diễn Thịnh - Diễn Châu

Mới nhất

x
Cửa thoát hiểm bị vô hiệu hóa: Nguy hiểm rình rập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO