Cùng nhau hướng tới một xã hội khỏe mạnh

12/12/2014 19:49

(Baonghean.vn) - An sinh xã hội là nền tảng thiết yếu cho một xã hội giàu và mạnh. Vì vậy, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các cấp, ngành và nhân dân. Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVI, đồng chí Bùi Đình Long - Giám đốc Sở Y tế đã giải trình các thắc mắc, kiến nghị của cử tri về các vấn đề, bất cập của ngành Y tế thời gian vừa qua.

TIN LIÊN QUAN

Ba nội dung giải trình của đồng chí giám đốc sở Y tế bao gồm: Tình trạng lạm thu và lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh; hạn chế trong chất lượng khám chữa bệnh, y đức và trình độ chuyên môn của cán bộ nhân viên y tế; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

ong bui dinh long tra loi chat van
Đồng chí Bùi Đình Long trả lời chất vấn

cac dai bieu
Các đại biểu dự phiên chất vấn

Sử dụng đúng và hiệu quả quỹ Bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế là một trong những chế độ phổ cập và có vai trò chủ chốt trong nhiệm vụ đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống nói chung và chất lượng dịch vụ y tế nói riêng. Vấn đề nổi cộm thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân tỉnh nhà trong thời gian vừa qua là tình trạng lạm thu và lạm dụng quỹ Bảo hiểm y tế. Hai biểu hiện cụ thể và thường gặp nhất của những sai phạm trong quản lý và sử dụng nguồn quỹ Bảo hiểm y tế là: lạm dụng thuốc và dịch vụ khám chữa bệnh, áp giá và thu phụ phí sai quy định; không thực hiện chuyển viện cho bệnh nhân nhằm mục đích bảo toàn quỹ BHYT. Đại biểu An Phong (huyện Nghi Lộc), đại biểu Tôn Thị Cẩm Hà (thành phố Vinh) và đại biểu Trần Quốc Chung (huyện Diễn Châu) yêu cầu ngành Y tế giải trình và làm rõ hơn trách nhiệm của lãnh đạo từ cơ sở cho đến ngành trong công tác quản lý hành chính cũng như chất lượng dịch vụ y tế đối với bệnh nhân BHYT. Đồng thời chất vấn ngành Y tế liệu chủ trương phân bổ quỹ và thẻ BHYT đã thực sự đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

dai bieu nghi loc Dinh thi an phong chat van GDSYT
Đại biểu Nghi Lộc Đinh Thị An Phong đặt câu hỏi

Đồng chí Bùi Đình Long ghi nhận phản ánh của người dân và đại biểu về tình trạng thu và sử dụng sai mục đích quỹ BHYT tại một số đơn vị khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Các hiện tượng như lạm dụng thuốc (đặc biệt là thuốc kháng sinh), lạm dụng các dịch vụ (chỉ định thực hiện các xét nghiệm, cận lâm sàng không cần thiết và không phù hợp với tình trạng bệnh lý, nhu cầu khám chữa của người bệnh), áp giá sai là có thật, dẫn đến tình trạng này có một nguyên nhân chủ quan và hai nguyên nhân khách quan. Nguyên nhân chủ quan là do một số cán bộ, đơn vị khám chữa bệnh cố tình lợi dụng, thực hiện hành vi gian lận, trục lợi quỹ BHYT hoặc trục lợi từ chính bệnh nhân (bằng các hình thức thu phụ phí sai quy định).

Hai nguyên nhân khách quan là: Thứ nhất, việc xét nghiệm cho bệnh nhân đến khám, kể cả các bệnh thông thường là yêu cầu cần thiết thực hiện theo đúng quy trình khám bệnh tại Quyết định số 1313/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Tuy nhiên, do còn thiếu một khung quy chuẩn, tiêu chuẩn chung nên chưa có sự đồng thuận, thống nhất kết quả xét nghiệm, cận lâm sàng giữa các đơn vị, dẫn đến tình trạng thực hiện trùng lặp, gây lãng phí tiền của quỹ BHYT và mất thời gian của người bệnh. Thứ hai, việc chỉ định đơn thuốc, xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng chưa phù hợp với tình trạng bệnh lý và nhu cầu của người bệnh cũng có thể xuất phát từ trình độ chuyên môn còn hạn chế của một bộ phận cán bộ, nhân viên y tế. Nói nguyên nhân "khách quan" không hẳn là do yếu tố bên ngoài tác động đến, mà ở đây là những nguyên nhân không xuất phát từ chủ đích không tốt của cá nhân, đơn vị liên quan.

Với câu hỏi của đại biểu về việc chuyển viện cho người bệnh có thẻ BHYT, đồng chí Bùi Đình Long đồng ý rằng nếu tình trạng bệnh lý của người bệnh vượt quá khả năng, điều kiện khám chữa bệnh của đơn vị ban đầu, cần tiến hành điều chuyển lên tuyến trên kịp thời và tạo điều kiện để người bệnh được thụ hưởng chế độ BHYT. Hiện tượng "giữ" bệnh nhân để bảo toàn quỹ BHYT của đơn vị nếu bị phát hiện, sẽ xử lý nghiêm, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe cho người bệnh.

Bên cạnh những bất cập trong công tác quản lý của ngành, có những vấn đề xuất phát một phần từ nhận thức chưa đầy đủ của người sử dụng dịch vụ y tế. Ví dụ, việc người bệnh chi trả thêm phần chênh lệch khi chuyển tuyến điều trj tại các cơ sở ngoài công lập hoặc sử dụng các dịch vụ chữa trị không được cơ cấu trong đơn giá của BHYT là đúng quy định. Hoặc việc phân bổ, đăng ký cơ sở khám chữa bệnh ban đầu do ngành phối hợp cùng BHXH và chính quyền địa phương rà soát, lựa chọn trong số các sơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện khám chữa trên địa bàn sao cho thuận lợi với người dân cũng như tránh tình trạng quá tải ở một số đơn vị. Nếu người bệnh nhận thấy cơ sở điều trị ban đầu không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh, có thể phản ánh, kiến nghị lên chính quyền địa phương, từ đó tổng kết đề nghị lên cơ quan có chức năng xem xét, giải quyết, đảm bảo lợi ích người bệnh.

Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh: Bắt đầu từ trình độ chuyên môn và y đức bác sỹ

Nội dung giải trình và chất vấn tiếp theo của ngành Y tế là tình trạng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh còn hạn chế, vì hai nguyên nhân: hạn chế về trình độ chuyên môn và hạn chế về tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Đại biểu Lữ Kim Duyên (huyện Quỳ Châu) và đại biểu Trần Quốc Chung (huyện Diễn Châu) chất vấn về việc khám chữa bệnh tại một số cơ sở liệu có nằm ngoài danh mục kỹ thuật hay vượt quá khả năng, điều kiện khám chữa bệnh. Đại biểu Tăng Tiến Huỳnh (huyện Yên Thành) đặt câu hỏi về quyết định giải thể phòng khám đa khoa xã Quang Thành, huyện Yên Thành khi mà đơn vị này vẫn thực hiện tốt nhiệm vụ, chức năng của mình. Một ý kiến theo chiều hướng ngược lại của đại biểu Nguyễn Như Khôi (huyện Quỳnh Lưu) cho rằng, việc đầu tư, xây dựng các bệnh viện mới trong khi đội ngũ y, bác sỹ còn thiếu là một nghịch lý, kéo chất lượng khám chữa bệnh đi xuống.

Đai bieu dien chau Tran quoc chung chat van GDSYT
Đại biểu Trần Quốc Chung chất vấn

Đồng chí Bùi Đình Long cho biết thời gian qua, Sở Y tế Nghệ An đã triển khai chỉ đạo quyết liệt nâng cao chất lượng khám chữa, làm hài lòng người bệnh. Việc thực hiện đề án "Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020", đề án "Nâng cao y đức" do UBND tỉnh phê duyệt đã cải thiện đáng kể chất lượng ngành Y tế, lượng đơn thư phản ánh mức độ nhẹ hơn. Tuy nhiên, xuất phát điểm của ngành thấp hơn mức trung bình của cả nước. Năm 2010, Nghệ An có 17,31 giường bệnh/vạn dân và 4,3 bác sỹ/vạn dân so với 20,5 và 7,0 của toàn quốc. Năm 2014, Nghệ An có 23,8 giường bệnh/vạn dân và 6,8 bác sỹ/vạn dân so với 25 và 7,8 của toàn quốc.

Đó là sự tiến bộ đáng kể nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu trang thiết bị và nhân lực y tế. Ngành Y tế tiếp thu ý kiến về tình trạng chênh lệch trong kết quả chẩn đoán và chất lượng khám chữa bệnh giữa bệnh viện tuyến dưới và tuyến trên, đồng thời khẳng định tiếp tục nâng cao y đức và chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế để rút ngắn hết sức có thể khoảng cách này. Đồng chí Bùi Đình Long cũng chia sẻ những trăn trở, day dứt của ngành trước thông tin về các trường hợp tai biến, có khi dẫn đến tử vong. Đó là những trường hợp cá biệt và trên thực tế, tỷ lệ tử vong ở trẻ em hay ở bà mẹ của tỉnh Nghệ An năm 2014 đều thấp hơp tỷ lệ trung bình toàn quốc, chứng tỏ phần nào nỗ lực của ngành Y tế tỉnh nhà. Bên cạnh trách nhiệm hiển nhiên của ngành, không tránh khỏi những nguyên nhân, rủi ro tự nhiên mà ngành Y tế hứa với người dân và đại biểu sẽ cố gắng hết sức để phòng tránh, xử lý, tìm ra nguyên nhân, giữ vững lòng tin của người bệnh.

Với điều kiện nguồn lực đầu tư cho y tế còn hạn chế, ngành sẽ cùng với các cơ quan, chính quyền các cấp rà soát, đưa ra quy hoạch, lộ trình đầu tư mạng lưới y tế phục vụ hiệu quả và đáp ứng tốt nhất có thể nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đó là lý do vì sao có chủ trương giải thể 14/22 phòng khám bệnh đa khoa trên toàn tỉnh, trong đó có phòng khám bệnh ở xã Quang Thành, huyện Yên Thành. Chủ trương này nằm trong lộ trình xa hơn, đầu tư vào các cơ sở khám chữa cấp xã và huyện để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Đây là chủ trương đúng đắn, do ngành phối hợp với chính quyền địa phương rà soát sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân. Đồng thời, đầu tư, xây mới các bệnh viện có quy mô và trang thiết bị tốt, vừa giảm tải cho các bệnh viện cũ, vừa tạo môi trường thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương, đơn cử như bệnh viên đa khoa mới đưa vào hoạt động đã góp phần nâng cao mặt bằng chất lượng dịch vụ y tế và được người nhân hưởng ứng.

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân

Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã và đang là vấn đề khiến người dân lo ngại. Các vụ ngộ độc tập thể tại các trường học, xí nghiệp, nhà máy trên địa bàn tỉnh là hồi chuông báo động về chất lượng hàng hóa và hiệu quả công tác kiểm soát, thanh tra của các cơ quan chức năng, trong đó có ngành Y tế. Đại biểu Lầu Bá Chài (huyện Kỳ Sơn) phản ánh tình trạng hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu hành trên thị trường, đồng thời chất vấn liệu ngành đã thực hiện nghiêm công tác thanh tra, giám sát, xử phạt khi phát hiện vi phạm.

Trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm thuộc về ba ngành: Y tế, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công thương; cùng với UBND các cấp. Trong đó, ngành Y tế đóng vai trò cơ quan thường trực tham mưu UBND thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Cần nhận thức rõ, quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm giống như một dây chuyền tương ứng với dây chuyền sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Điểm xuất phát là ngành Nông nghiệp với vai trò kiểm soát việc sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, hóoc-môn tăng trưởng, thuốc thú y. Ngành Y tế chịu trách nhiệm quản lý các chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến.

Khâu cuối cùng - kiểm soát các sản phẩm lưu hành trên thị trường thuộc về ngành Công thương. Như vậy có thể thấy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không chỉ thuộc trách nhiệm của ngành Y tế, mà cần có sự phối hợp đồng bộ với các ngành khác. Các ngành đã, đang và sẽ tiếp tục cùng nhau thắt chặt công tác quản lý, thanh tra, đồng thời xử phạt theo đúng quy định đối với các trường hợp sai phạm. Ngoài ra, cần tuyên truyền thay đổi nhận thức của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu thụ. Tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến; không kinh doanh các mặt hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng; là người tiêu dùng thông thái - đó là những điều mà người dân cần chia sẻ với ngành Y tế nói riêng và các ngành, cơ quan chức năng nói chung để đảm bảo sức khỏe của cộng đồng.

Có thể thấy, những bất cập, hạn chế của ngành Y tế bắt nguồn từ hai nguyên nhân: điều kiện và trình độ chuyên môn; đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Trong đó, nguyên nhân thứ nhất cơ bản mang tính khách quan và hoàn toàn có thể khắc phục được. Nhưng nguyên nhân chủ quan thứ hai mới là cốt lõi của vấn đề và cũng là then chốt để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành Y tế. Đó là cái tâm, cái đức của mỗi cá nhân, mỗi đơn vị khi đối mặt với người bệnh. Đó là trách nhiệm và tinh thần đoàn kết, phối hợp của các cấp, các ngành, của người dân để cùng nhau hành động vì lợi ích chung.

Chủ trì phiên chất vấn, đồng chí Trần Hồng Châu - Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của ý thức trách nhiệm và sức mạnh tổng hợp trong kết luận về phiên giải trình, chất vấn của ngành Y tế. Đề cao vai trò tham mưu và ngành chủ quản của Sở Y tế, đồng chí tin tưởng rằng những nhìn nhận, đánh giá và giải pháp mà ngành và cử tri, đại biểu cùng nhau thảo luận đã thể hiện được sự gắn kết, chia sẻ và ý thức xây dựng của toàn xã hội, hướng đến một cộng đồng khỏe mạnh hơn.

Thục Anh

Mới nhất
x
Cùng nhau hướng tới một xã hội khỏe mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO