"Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm"...
(Baonghean) - Ngày Môi trường Thế giới năm 2015 có chủ đề “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm - Vì một trái đất bền vững” là một thông điệp gửi đến mỗi người dân cần suy nghĩ và thay đổi hành động trong tiêu dùng...
Muôn kiểu lãng phí
Một người bạn sống ở nước ngoài nhiều năm về nước, tâm sự rằng: Thấy một điều lạ, quê hương, đất nước mình chưa giàu, nhưng tiêu xài thì quá lãng phí. Bạn dẫn chứng, liên hoan, tiệc tùng, tiếp đãi khách khứa, trên các bàn ăn thừa thải tràn lan; bia, nước giải khát rót từng cốc vại bỏ đấy. Lời tâm sự của bạn khiến tôi nhớ đến câu chuyện của một người bạn khác có lần kể về gia đình người chú ở quê cả đời làm lụng vất vả, đến gần 50 tuổi quyết định cả nhà ra thủ đô một chuyến.
Và để có chuyến đi đó, gia đình người chú phải bán thêm 1 con lợn trong chuồng và 2 chỉ vàng tích góp. Và “phương châm” gia đình người chú đưa ra là “ở nhà khổ thì không ai biết, nhưng ra đường phải “đàng hoàng”, ăn uống cái gì cũng phải gọi mỗi người một suất, không ăn chung. Với “phương châm” được quán triệt ngay từ đầu, nên khi đi vào bất cứ quán ăn nào cả nhà chú cũng gọi món rất nhiều và còn để thừa, gọi là “chút lịch sự”...
Từ hai câu chuyện nêu trên, nhận thấy hầu hết những người tiêu dùng xung quanh ta hiện nay đang mắc phải “căn bệnh sĩ”, dẫn đến sự lãng phí. Xét ở góc bảo vệ môi trường thì đó là sự gián tiếp gây ra ô nhiễm môi trường. Bởi để có thực phẩm tiêu dùng phải bắt đầu từ viêc nuôi gia súc, gia cầm và phải sử dụng nhiều diện tích đất, nước, lương thực và nhiên liệu; hay đối với thực phẩm công nghiệp, quá trình chế biến cần đến nguồn tài nguyên thiên nhiên, năng lượng điện, than đá, xăng, dầu... Những loại nhiên liệu đó đều gây ô nhiễm môi trường sống. Ngoài ra, những thực phẩm ăn thừa mang theo chất thải ra môi trường, cũng gây ô nhiễm. Nếu chúng ta hạn chế tiêu dùng thì chắc chắn sẽ hạn chế sự phát thải ra ô nhiễm chất thải trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi và sản xuất.
Ngay cả sản xuất rau xanh cũng gây các hệ lụy về tài nguyên đất, nước, dư lượng hóa chất tác động tiêu cực đến môi trường. |
Một kiểu lãng phí khá phổ biến nữa hiện nay, đó là sự lãng phí điện năng. Đối với các hộ gia đình, phần lớn họ chưa hiểu hết được cách thức sử dụng các thiết bị điện thế nào cho tiết kiệm. Ví dụ mỗi lần tắt, mở ti vi bằng điều khiển từ xa; hay bật nóng lạnh, cắm máy giặt vào nguồn điện trong quá trình không sử dụng vẫn làm tiêu hao điện năng. Đó còn là việc mua các thiết bị điện chưa phù hợp với sử dụng của mình. Theo một tính toán, nếu 1 triệu gia đình ở Việt Nam thay bóng 75W bằng bóng đèn tiết kiệm điện thì tổng năng lượng điện tiết kiệm được hàng năm tương đương 280 tỷ đồng.
Mặt khác, một số hộ khá giả có suy nghĩ, chi phí tiền điện hàng tháng rất nhỏ so với tổng chi phí sinh hoạt trong gia đình nên không để ý hoặc không có ý thức tiết kiệm điện. Đối với các tổ chức, cơ quan sử dụng mặc dù nguồn ngân sách chi thường xuyên khó khăn, nhưng tình trạng dùng điện “xả láng”, “cha chung không ai khóc” vẫn diễn ra. Tình trạng lãng phí điện năng trên địa bàn tỉnh còn thấy rõ trên các ngõ phố, con đường, trên các pa nô, áp phích quảng cáo, khi mà “nhà điện” chiếu sáng cả những thời đểm không cần ánh sáng điện năng.
Lãng phí lớn hơn là nhiều công trình đầu tư công gây lãng phí, có dạng xây xong không sử dụng; có công trình xây với “tuổi thọ” quá ngắn; có trường hợp vì để giải ngân cho nên cũng phải “vẽ” ra công trình này, việc nọ để hợp thức hóa... Sự lãng phí này, là bởi tầm nhìn hạn hẹp; ý thức tiêu dùng thiếu trách nhiệm...
Theo ý kiến của các chuyên gia, thực tế hiện nay, khái niệm tiêu dùng có trách nhiệm, tiêu dùng bền vững chưa được nhận thức đầy đủ và các hoạt động triển khai còn hạn chế. Trong khi đó, nhiều thói quen tiêu dùng bị chi phối bởi phong tục, tập quán đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ảnh hưởng, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững. Hay như quá lạm dụng các sản phẩm công nghiệp, ít sử dụng các sản phẩm sinh thái, thân thiện với môi trường cũng là yếu tố phát thải ra môi trường những chất thải khó phân hủy.
Cần tiêu dùng có trách nhiệm
Ngày Môi trường thế giới năm 2015 với chủ đề “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm - Vì một trái đất bền vững” nhằm kêu gọi con người hãy bảo vệ trái đất ngay từ bây giờ bằng những hành động thiết thực trong tiêu dùng. Trên thực tế, những cải tiến công nghệ khiến cuộc sống của con người tiện lợi và gọn nhẹ bao nhiêu thì thiên nhiên lại bị tàn phá và ô nhiễm bấy nhiêu. Với những nguồn tài nguyên bị khai thác cạn kiệt, một lượng lớn túi ni lon, đồ tiêu dùng bằng nhựa khó tiêu hủy đang được xả thải ra môi trường. Hay như việc sử dụng quá nhiều sản phẩm công nghiệp, sử dụng lãng phí các sản phẩm sản xuất trong nông nghiệp, sử dụng lãng phí tài nguyên.... Những việc làm tưởng chừng như “bình thường” này của mọi người đang dẫn đến những hậu quả khôn lường về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường mà chúng ta đang phải gánh chịu như hiện tượng nước biển dâng cao gây sạt lở, mất đất, cạn kiệt tài nguyên, lũ lụt và hạn hán.
Để hạn chế tình trạng nêu trên, theo bà Nguyễn Thị Tiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh, điều quan trọng nhất là con người phải thay đổi được hành vi mua sắm và tiêu thụ của mình. Bởi vì, tiêu dùng - sức mua, là bản chất, cội rễ của sự phát triển. Phải có cầu mới có cung và phát triển nguồn cung. Nếu một người tiêu dùng thay đổi các thói quen tiêu dùng của mình thì các nhà sản xuất cũng thay đổi, xã hội từ đó cũng thay đổi theo. Ví dụ như, người tiêu dùng từ bỏ thói quen sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ các động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng; các sản phẩm từ rừng thì sẽ góp phần tăng sự đa dạng sinh học, chống nguy cơ tuyệt chủng ở một số nhóm, loài động vật, tránh khai thác kiệt quệ tài nguyên rừng, góp phần bảo vệ môi trường. Đó còn là phải tiết kiệm trong tiêu dùng, tiết kiệm ở đây không có nghĩa là không dùng mà dùng với hiệu quả cao nhất, thỏa mãn nhu cầu ở chi phí thấp nhất. Song song với đó, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần nâng cao trách nhiệm trong việc thu gom các sản phẩm sau sử dụng để bảo vệ môi trường. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg, ngày 22/5/2015 về quy định thu hồi, xử lý sản phẩm thải loại trên địa bàn cả nước, gồm các loại ắc quy và pin, máy giặt, điều hòa, tủ lạnh, máy tính, máy điện thoại di động, dầu nhớt, xăm, lốp, ô tô, xe máy hết thời hạn sử dụng.
Bãi biển Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai được giữ vệ sinh sạch đẹp. |
Ngày Môi trường thế giới năm 2015 được gắn với Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2015 với chủ đề “Đại dương xanh, Hành tinh xanh”. Hưởng ứng các hoạt động của 2 sự kiện đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 285/KH-UBND, ngày 20/5/2015 về việc tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và hành động về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; khuyến khích và vận động mỗi người, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần tiêu dùng trách nhiệm, bền vững.
UBND tỉnh giao Sở TN&MT phối hợp với các ban, ngành, địa phương tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo năm 2015 vào ngày 2/6 vừa qua tại xã Quỳnh Phương (Thị xã Hoàng Mai) với hơn 500 người tham gia, thông qua đó tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; kêu gọi mọi người dân, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng các thiết bị dân dụng tiết kiệm điện như bóng đèn compact, các loại pin nạp, đồng thời tạo thói quen tắt đèn và máy tính khi không sử dụng.
Bảo vệ môi trường bằng cách thực hành lối sống tiết kiệm, giảm chi tiêu sinh hoạt, điều này không chỉ đúng trong cuộc sống hàng ngày mà nó còn có tác dụng làm giảm các loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ví như giảm dùng các loại bao gói, túi ni lông sẽ giảm được đáng kể chi phí sản xuất lẫn phí tái chế, giảm tiêu hao nhiên liệu, hạn chế tác động đến môi trường. Tích cực trồng cây xanh, rau, củ, quả an toàn trong gia đình để tiêu dùng, hạn chế việc dùng phân hóa hóa, thuốc trừ sâu vào sản xuất gây tăng khí thải mêtan trong không khí. Việc ăn nhiều rau, củ, quả tác dụng nâng cao sức khỏe, bởi thói quen ăn ít rau, nhiều thịt không những không tốt cho cơ thể mà tăng quy mô chăn nuôi - nơi sản xuất ra các loại gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất. Mỗi người hãy hành động bằng ý thức và khả năng của mình để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và không chỉ riêng trong một ngày mà là hành động hàng ngày trong cả năm để góp phần thay đổi môi trường sống, “vì một trái đất bền vững”.
Minh Chi